Trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, khi môi trường giao tiếp, sử dụng tiếng Anh hạn hẹp, đừng đặt tham vọng quá mức.
Minh bạch và Bộ trưởng |
Làm đường bằng tiền hỗ trợ mua bò: Biện pháp lọt sàng xuống nia? |
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị đề án dạy ngoại ngữ mới ở Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên tốt nghiệp từ trung cấp trở lên có thể sử dụng tiếng Anh tự tin trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, phấn đấu phổ cập và sử dụng nó như ngôn ngữ thứ hai.
Biết tiếng Anh là người có 4 kỹ năng cơ bản: Nghe, nói, đọc, viết. Thành thạo 4 kỹ năng này, đó là người giỏi tiếng Anh.
Hãy bắt đầu từ kỹ năng viết. Tưởng chừng như đây là điều đơn giản bởi học sinh, sinh viên và những người đi học ở Việt Nam cho đến nay vẫn thực hiện kỹ năng này là chính. Hơn nữa, chữ viết tiếng Anh cũng tương tự như tiếng Việt. Nhưng thực tế không hẳn là như vậy.
Thay vì viết, như kiểu viết tiếng Việt “cô ấy đẹp quá”, tiếng Anh sẽ viết “đẹp quá cô ấy”. Tiếng Anh cũng không viết “tôi đi cắt tóc” mà là “tôi mang tóc đi cắt”. Không bàn về sự chuẩn xác trong ý, nghĩa của câu, cách viết tiếng Anh đã là điều khó thực hiện. Chưa kể đến, khi viết, người ta còn phải thể hiện đúng ngữ cảnh bằng cách sử dụng các thì, thời phù hợp.
Kế đến là đọc, nếu không nắm được các nguyên tắc ngữ pháp và cách viết, người học sẽ không hiểu được nội dung của bài viết. Thậm chí, còn thấy tiếng Anh có vẻ ngô nghê, máy móc. Cũng như vậy, các thì, thời trong tiếng Anh thể hiện rõ ý nghĩa, quá trình, kết quả, hậu quả của hành động. Không hiểu điều này đồng nghĩa với không hiểu hoặc không hiểu hết ý nghĩa của nội dung văn bản.
Viết và đọc là những kỹ năng cần thiết của công việc biên dịch (dịch một văn bản từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại). Nếu những kỹ năng này không tốt, văn bản sẽ không chuẩn. Văn bản không chuẩn dẫn đến hiểu nhầm hoặc ngộ nhận. Không phải nói, ai cũng biết hậu quả của nó.
Cuối cùng là nghe và nói. Gộp hai kỹ năng này làm một do chúng có quan hệ hữu cơ. Không nghe được cũng có nghĩa là không nói được vì có hiểu người ta nói gì đâu mà trả lời. Đây là những kỹ năng của việc phiên dịch. Yêu cầu của nó rất đơn giản, “tôi nói anh hiểu và anh nói tôi hiểu”.
Mặc dù vậy, cái sự nghe, nói của người học hành bài bản sẽ khác với người không học nhưng được giao tiếp thường xuyên. Người có học sẽ nói tiếng Anh với câu đầy đủ, đúng trật tự, ngữ pháp, sẽ lên giọng, xuống giọng đúng lúc, mặc dù khác với tiếng Việt, việc lên, xuống giọng không thay đổi nghĩa của câu, từ. Có nghĩa, không nói tiếng Anh “bồi”. Do đó, kiến thức của viết và đọc là nền tảng để nghe và nói tốt.
Quay trở lại với việc học tiếng Anh ở Việt Nam. Muốn học tốt thì phải dạy tốt. Muốn dạy tốt thì phải có giáo viên tốt. Đừng “choáng” khi nghe giáo viên tiếng Anh bản địa mà nhiều nơi đang thuê nói như "máy khâu chạy điện". Họ nói tốt bởi đó là bản ngữ của họ, chưa chắc, kiến thức về tiếng Anh của họ đã tốt. Có thể ở nước họ, họ đang thất nghiệp và sang Việt Nam, tự nhiên trở thành giáo viên vì biết nói tiếng nước họ.
Cũng đừng tự ti và mặc cảm vì anh chàng Dan, giáo viên tiếng Anh nào đó, tung clip rằng bố, mẹ anh ta không nghe được giảng viên tiếng Anh người Việt Nam nói gì. Hãy nói với anh ta rằng: “Ngay kể cả tất cả cùng nói tiếng Việt thì khi vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… tôi cũng chả hiểu họ nói gì”. Đó là đặc điểm vùng, miền chứ không phải khả năng kém. Khi nào có dịp, mời anh ta vào Quảng Nam xem có nghe được gì không.
Nói ra như vậy để xác định, chúng ta sẽ dạy và học tiếng Anh để làm gì và đến mức nào. Trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, khi môi trường giao tiếp, sử dụng tiếng Anh hạn hẹp, đừng đặt tham vọng quá mức.
Các dạng câu, ngữ pháp tiếng Anh nên biến thành công thức. Đơn giản hóa để dễ học dễ nhớ.
Mục tiêu khả dĩ, sau khi tốt nghiệp THPT, thanh niên có vốn từ vựng khoảng từ 3.000 đến 5.000 từ; biết các mẫu câu ở các thì, thời và cách chuyển động từ theo đó; nghe, hiểu được 70% nếu người nước ngoài nói chậm và trả lời được họ (không cần chuẩn lắm). Mục tiêu cao hơn nên để cho sinh viên đại học ngoại ngữ thực hiện.
Để đạt được mục tiêu “khiêm tốn” này, các nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục cần phải chuẩn bị một đội ngũ giáo viên được trang bị cách dạy rất Việt Nam. Thay vì phải nói như người Anh, Mỹ, Úc… giáo viên chỉ cần phát âm đúng các từ như phiên âm, biết cách dạy và truyền đạt các kiến thức ngữ pháp cơ bản và hướng dẫn học sinh thực hành thành thục.
Các nhà hoạch định cũng cần phải có bộ sách hoàn chỉnh cho các cấp học, đừng máy móc khi biên tập bằng cách bê y nguyên các bộ sách nước ngoài mà phải “Việt Nam hóa” nó để nó thật gần gũi với học sinh Việt.
Ví dụ, thay vì học cách hỏi đi đến tháp Eiffel thì hãy hỏi đường đi đến Bờ Hồ. Đừng bắt học sinh cấp 1 phân biệt giữa “desk” và “table” và học cách sử dụng “a” và “an” sao cho đúng. Những từ nên học phải là những từ thật gần gũi, ở ngay quanh cuộc sống của các em. Các dạng câu, ngữ pháp nên biến thành công thức, đơn giản hóa để dễ học dễ nhớ.
Đó là viết và đọc, thế còn nghe và nói thì sao. Đừng ảo tưởng rằng chúng ta sẽ nói và nghe được như người Anh, Mỹ, Úc. Người Hàn, người Philippines, Singapore, Trung Quốc, Nhật nói tiếng Anh không như người Mỹ nhưng họ vẫn làm việc được với nhau đấy thôi. Chúng ta phải xác định được điều này với giáo viên và học sinh.
Nên chăng, các nhà quản lý giáo dục yêu cầu giáo viên, đặc biệt ở các cấp học phổ thông cho học sinh nói theo phiên âm của các từ. Đừng trách học sinh nói ngọng chữ “l”, “n” hay không phát âm được chữ “r” bởi ở quê họ nói thế.
Khi học từ vựng, giáo viên nên yêu cầu học sinh không chỉ viết đi viết lại từ cần học mà viết cả phiên âm tương ứng đồng thời vừa viết vừa đọc to. Khuyến khích học sinh sưu tầm tất cả những gì là tiếng Anh mà họ gặp trên đường, trong cuộc sống như: Biển quảng cáo; nhãn mác bao bì; quảng cáo trên truyền hình… Viết lại, phiên âm, đọc và dịch ra tiếng Việt.
Cũng như thế, hát tiếng Anh, nghe chương trình thời sự bằng tiếng Anh của VTV cũng là những biện pháp cực tốt. Giáo viên nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi, trò chơi tiếng Anh; những tiết học không tiếng Việt… trong trường, lớp.
Nếu xác định được mục tiêu vừa phải, tiến hành cẩn trọng, hy vọng sau 10-12 năm, chúng ta sẽ có lứa học sinh phổ thông có 4 kỹ năng tiếng Anh ở mức chấp nhận được. Các em sẽ có khả năng tiếp tục rèn giũa, trau chuốt tiếng Anh nếu học tiếp đại học hoặc biết cách học, hiểu tiếng Anh khi gặp trong công việc, cuộc sống sau này.
http://www.nguoiduatin.vn/thay-vi-tim-den-thap-eiffel-hay-hoi-duong-den-bo-ho-a337508.html