Tại sao lại phải để yếu tố may rủi ảnh hưởng đến các thí sinh vốn đã chịu quá nhiều áp lực; thi vào lớp 10 đâu phải là trò bốc thăm trúng thưởng hay xổ số.
Có lẽ những người soạn quy định bốc thăm chọn môn thi thứ ba trong kỳ thi vào lớp 10 (trong dự thảo thông tư Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến) muốn hướng học sinh đến việc học tốt các môn, để bất cứ môn thi nào cũng không thể làm khó các em. Nhưng ép học sinh học đều bằng cách đó là bất hợp lý, khó mang lại hiệu quả thực tế, thậm chí còn gây mất công bằng và gia tăng áp lực không cần thiết cho các thí sinh.
Không ai giỏi tất cả mọi thứ, mỗi người đều có thiên hướng trội hơn về một vài lĩnh vực nào đó và kém hơn ở những lĩnh vực khác. Trong chuyện học hành cũng vậy, mặc dù môn học nào cũng cần được coi trọng, chúng ta vẫn cần chấp nhận thực tế rằng phần lớn học sinh sẽ mạnh môn này, yếu môn kia. Việc phân ngành ở các bậc học cao cũng là để mỗi người phát huy sở trường, sau đó chọn nghề mà mình có thể làm tốt nhất để tối ưu hiệu quả cống hiến cho xã hội.
Đương nhiên, chương trình giáo dục phổ thông cần cung cấp cho học sinh nền tảng kiến thức cơ bản, vì thế kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 phải là đợt sát hạch để đảm bảo các em đáp ứng nền tảng cơ bản này. Có điều, cơ quan giáo dục cần phải chủ động đưa ra yêu cầu về môn thi chứ sao lại bốc thăm? Đã bốc thăm nghĩa là “hên trúng, xui trượt”, điều không nên có trong các kỳ thi của học sinh.
Một thí sinh TP.HCM tranh thủ ôn lại kiến thức trước khi vào phòng thi, kỳ thi vào lớp 10 năm 2024. (Ảnh: Thy Huệ)
Hãy hình dung nếu môn thứ ba được bốc thăm là Khoa học tự nhiên, những bạn học giỏi môn này sẽ thở phào, trong khi những em có thiên hướng về khoa học xã hội sẽ mất hẳn lợi thế. Kỳ thi tuyển sinh năm đó, những em chen chân vào được trường công, trường tốt sẽ là học sinh giỏi về mảng tự nhiên. Còn những em giỏi môn khác sẽ bị coi là dốt hơn khi không đậu trường tóp đầu. Tình hình cũng xảy ra ngược lại nếu môn thứ 3 được bốc thăm là Lịch sử và Địa lý.
Điều thiếu công bằng ở đây là với việc chờ đợi bốc thăm, học sinh không có cơ hội bù đắp sự khuyết thiếu của mình bằng nỗ lực học tập, vì khi môn thi được công bố, các em chỉ còn vài tháng nữa để ôn tập, không thể đủ thời gian “cày”. Nên nhớ rằng môn Khoa học tự nhiên thực chất là kiến thức của cả 3 lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Sinh học; Lịch sử và Địa lý thực chất cũng là 2 môn. Đó là lượng kiến thức rất lớn, khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại làm sao đủ để ôn luyện?
Nếu môn thi được là cố định hoặc được công bố trước cả năm, học sinh mới có đủ thời gian tập trung bồi đắp những môn mình còn yếu, nghĩa là học sinh giỏi về tự nhiên hay giỏi về xã hội đều có cơ hội được vào trường tốt của lớp 10 nếu cố gắng hết sức, như vậy mới công bằng.
“Đánh úp” học sinh bằng việc đợi giữa học kỳ 2 mới bốc thăm môn thi, có khác gì chỉ những em bẩm sinh giỏi các môn được chọn mới có cơ hội? Hạ thấp vai trò của sự nỗ lực rèn luyện, hoàn thiện và vượt lên bản thân đâu phải là điều mà giáo dục hướng tới?
Thi cử luôn đi kèm với ôn luyện, đó là cả một quá trình dài. Để vượt qua kỳ thi vào lớp 10, học sinh phải đổ vào đó bao nhiêu công sức, áp lực vô cùng lớn. Cớ gì phải tạo thêm một áp lực không cần thiết nữa bằng “trò chơi ú tim” khiến các em phải thấp thỏm, lo âu, căng thẳng chờ đợi đến mất ăn mất ngủ?
Sao không cố định môn thi gồm các môn cơ bản cần thiết nhất để các em có mục tiêu rõ ràng mà phấn đấu học hành? Công bằng và hợp lý nhất là cố định năm nào cũng thi Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, như vậy học sinh giỏi về tự nhiên hay xã hội đều có cơ hội như nhau, và ngoại ngữ cũng là môn quan trọng mà các em nhất thiết phải đạt trình độ nhất định.
Tuyển sinh lớp 10 không phải là quay xổ số hay các trò chơi may rủi. Đừng để sau kỳ thi, các em thông báo kết quả cho nhau theo kiểu “tớ hên nên đỗ trường điểm” hay “tớ xui nên chỉ có thể vào trường hạng 2”, mà sự hên xui đó đến từ bàn tay bốc thăm của các thầy.
https://vtcnews.vn/thi-lop-10-chu-co-phai-xo-so-dau-ma-boc-tham-mon-thi-ar900326.html