Vừa qua, Thông tin Cty CP Tập đoàn Mai Linh vừa có văn bản “cầu cứu” Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam xem xét khoanh nợ, giảm nợ để Cty này vượt qua khó khăn, có điều kiện trả nợ gốc cho BHXH và đảm bảo công việc cho hàng nghìn lao động.
Mai Linh kiến nghị sẽ trả số nợ trên trong vòng 20 tháng chứ không phải 20 năm.Ảnh: AC |
Theo ông Hồ Huy, đây là khoản nợ gốc, lãi và tiền phạt nộp chậm từ năm 2012 đến nay của các công ty con. Đến thời điểm này, Tập đoàn Mai Linh không nợ BHXH, không nợ thuế quá hạn. Đúng hạn là đơn vị thanh toán cho cơ quan thẩm quyền đầy đủ theo quy định của luật pháp.
Lý giải về văn bản kiến nghị xem xét giãn số nợ BHXH 180 tỉ đồng, ông Hồ Huy cho biết, bản kiến nghị dành cho các công ty con nằm trong hệ thống của Mai Linh làm ăn không hiệu quả, gặp khủng hoảng trong đợt tái cấu trúc Tập đoàn trong thời gian vừa qua. Trong số này, tiêu biểu là Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Mai Linh Nam Bộ; Mai Linh Tây Nam Bộ...với tổng cộng số nợ BHXH cả gốc lẫn lãi hiện vào khoảng 180 tỉ đồng.
“Lẽ ra khi các công ty này dừng hoạt động hay phá sản, Nhà nước sẽ thất thu 180 tỉ đồng. Tuy nhiên, với trách nhiệm người đứng đầu Tập đoàn, tôi đã làm công văn kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét cho Mai Linh sẽ trả số nợ trên trong vòng 20 tháng chứ không phải 20 năm như thông tin một số báo đưa vừa qua” - ông Huy chia sẻ.
Theo Mai Linh, tính đến hết 31.7.2017, đơn vị đã đóng khoảng 50 tỉ đồng cho BHXH TPHCM và 50 tỉ đồng cho BHXH các tỉnh, thành khác. Tiếp tục trong 2 tháng cuối năm 2017, đơn vị đóng thêm 70 tỉ đồng cho BHXH TPHCM và các tỉnh, thành khác.
Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh đã có văn bản “cầu cứu” Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 105 tỉ đồng); cho từng công ty trong hệ thống Mai Linh được thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc trong 20 tháng kể từ tháng 1.2018 và cam kết mỗi tháng tổng chi trả toàn hệ thống là 6 tỉ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm.
Phía Mai Linh thừa nhận tình hình tài chính năm 2017 bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ hoạt động của các loại hình như Uber, Grab, nhưng hoạt động kinh doanh của đơn vị vẫn ổn định, có lãi nhờ việc tái cấu trúc.
Trước kiến nghị trên, đại diện BHXH Việt Nam cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan này chỉ tổ chức thực hiện thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) về quỹ theo đúng quy định của pháp luật; không có thẩm quyền khoanh nợ, giảm nợ, miễn giảm tiền lãi do chậm đóng cho đơn vị. Thẩm quyền này thuộc về Chính phủ theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Luật BHXH năm 2014.
Liên quan đến việc doanh nghiệp xin giãn nợ BHXH, luật sư Trần Phi Đại (Đoàn Luật sư TPHCM) phân tích: Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn đã có quy định về việc tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Cụ thể, Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, cụ thể hóa Điều 88 Luật BHXH 2014: 1. Các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: a) Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 1 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế; b) Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
2. Điều kiện tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất: NSDLĐ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau: a) Không bố trí được việc làm cho NLĐ, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; b) Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
3. Thời gian tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất: a) Thời gian tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất theo tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, NSDLĐ vẫn đóng vào Quỹ ốm đau và thai sản, Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. NSDLĐ và NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí và tử tuất hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho NLĐ trong thời gian tạm dừng đóng.
b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, NSDLĐ và NLĐ tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3, Điều 122 của Luật BHXH.
Trao đổi với Lao Động, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, đến thời điểm này BHXH Việt Nam chưa nhận được văn bản nào từ Mai Linh. Ngoài ra các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định nào cho khoanh nợ, xóa nợ BHXH. Chỉ có quy định cho phép nếu DN gặp khó khăn trong SXKD thì được tạm dừng nộp BHXH (phần Quỹ hưu trí, tử tuất) trong thời gian không quá 1 năm. Hết thời gian tạm dừng thì vẫn phải tiếp tục đóng số mới phát sinh và đóng bù số tạm dừng. |
Tạo tiền lệ xấu nếu giải cứu Mai Linh Trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam không chấp thuận kiến nghị khoanh nợ, giãn nợ ... |
Ông chủ Mai Linh: Nếu không khoanh nợ, 100 năm nữa vẫn chưa trả xong Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cho rằng khoản nợ công ty này đang gửi công văn xin Nhà nước trả ... |
Mai Linh nợ BHXH từ trước khi có Grab và Uber sao giờ đi… đổ thừa? “Mai Linh nợ chồng chất vì Grab, Uber” hay “Mai Linh than khổ vì Grab, Uber và xin gia hạn nợ”… là tít rất nhiều ... |