Đồng lương ít ỏi trong khi giá hàng hóa ngày càng cao khiến những công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) chật vật mưu sinh.

Chiều nào cũng vậy, sau khi tan làm, chị Nguyễn Thị Lê (quê Phú Thọ) lại đi chợ chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Cả ngày, gia đình chị chỉ cùng nhau ăn bữa tối do 2 con ăn trưa tại trường, còn vợ chồng chị ăn tại chỗ làm. Chính vì thế, chị luôn cố chăm chút cho mâm cơm chiều, muốn thay đổi món mỗi ngày.

Thế nhưng, gần đây, công việc này với chị thực sự khó, thậm chí nhiều khi gây stress vì khiến chị lo lắng, chán nản mỗi lần đi chợ.

Lý do là bởi giá cả hàng hóa giờ đắt quá, chị luôn phải đau đầu tính toán để vừa mua đủ đồ ăn, vừa không chi vượt mức cho phép. Với mức giá hàng hóa ngày càng đắt nên nhiều khi cầm trăm nghìn ra chợ, nếu không cẩn thận chị cũng vẫn không thể mua nổi một “bữa ăn tử tế".

Chưa bao giờ tôi lại thấy ghét đi chợ như bây giờ vì mỗi lần ra chợ là như bị mất trộm, quay đi quay lại đã sạch túi, lại phải lo lắng nguồn tiền còn lại trong những ngày tới.

Nhớ những ngày đầu xuống Hà Nội làm công nhân, cầm 100.000 đồng ra chợ là đã có thể mua đầy đủ rau, thịt, cá mà vẫn còn thừa tiền. Thế mà bây giờ cầm 200.000 đồng đi chợ không cẩn thận còn không đủ", chị nói.

Với đồng tiền ít ỏi, chị Lê loay hoay đi chợ lo cho bữa cơm tối.

Với đồng tiền ít ỏi, chị Lê loay hoay đi chợ lo cho bữa cơm tối.

Chị Lê làm công nhân tại khu công nghiệp này đã được 5 năm và càng ngày chị càng nhận thấy ở Hà Nội “khó sống" vì giá cả chỉ tăng mà không thấy giảm.

“Điểm lại thì tôi thấy không một mặt hàng nào không tăng, từ món nhỏ nhất như quả chanh, quả ớt. Trước kia chỉ cần mua 500 đồng là được cả nắm ớt, nhưng bây giờ phải trả ít nhất 1.000 đồng người ta mới bán cho, nếu không thì chỉ được 1, 2 quả.

Hay như bát phở bây giờ cũng làm gì còn giá 20.000 đồng nữa. Một gói xôi có ruốc trước kia chỉ 5.000 đồng, giờ thì phải 10.000", chị Lê than và chán nản cho biết chỉ có đồng lương còi cọc thì vẫn thế, vài năm nay không tăng tí nào.

Chị Lê làm giờ hành chính, không nhận tăng ca vì con nhỏ nên lương tháng chỉ được 6 triệu đồng. Chưa đến mùng 10 (ngày lấy lương), tiền tháng trước đã hết sạch, nếu như không có chồng cùng đi làm thì chị Lê không thể trụ lại Hà Nội lâu như thế.

 

Mặc dù vậy, hiện tại thu nhập của cả hai vợ chồng chị cũng chỉ khoảng 16 - 18 triệu đồng mỗi tháng. Tiền thuê nhà, điện nước đã hết khoảng 2,6 triệu đồng. Trước kia, chi phí này chỉ mất khoảng 2 triệu đồng, nhưng giờ cả tiền nhà và tiền điện đã cùng tăng thêm nhiều.

Mỗi buổi chiều đi chợ, chị chi cố định tiền ăn là 200.000 đồng. Số thực phẩm mua được sẽ nấu bữa tối cho cả gia đình. Còn thừa chút ít chị làm đồ ăn sáng hôm sau và mang đi làm để ăn trưa. Như vậy, chỉ tính riêng tiền ăn hàng tháng đã ngốn sạch số tiền lương mà chị kiếm được.

"Chi ít hơn thì không được vì cái gì bây giờ cũng đắt, ít tiền không thể mua hoặc chỉ mua được vài món đạm bạc, không đảm bảo ăn đủ chất. Tôi đau đầu khi phải tính toán chi li. Ăn ngon là nhu cầu thiết yếu để cải thiện sức khỏe cho cả nhà nên tôi không đành thắt chặt khoản chi này nhưng tiền lương chỉ hạn hẹp khiến tôi rất khó nghĩ", chị chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị T. (quê Thanh Hóa) vừa quyết định nghỉ việc ở khu công nghiệp bên Bắc Ninh với mức lương 4 - 4,5 triệu đồng/tháng để sang Hà Nội làm công nhân với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Cứ ngỡ lương cao hơn thì "dễ thở" hơn, nhưng chị T. cũng đang phải chật vật, xoay xở chi tiêu vì "giá ở đây đắt quá".

Để tiết kiệm chi phí, chị T ở ghép với 3 công nhân khác, Tiền thuê phòng là 2,8 triệu đồng và chủ nhà luôn rình rập tăng. Hàng ngày, mỗi người lần lượt thay nhau đi chợ, với tiêu chí làm sao chi ít nhất.

Những người công nhân lương ít ỏi luôn đau đầu mỗi khi phải đi chợ.

Những người công nhân lương ít ỏi luôn đau đầu mỗi khi phải đi chợ.

4 người cùng ăn thì ít nhất phải có hai món mặn và rau xanh thì mới đủ cho bữa tối và bữa sáng sớm hôm sau. Sắm chừng ấy món với ngân sách dưới 200.000 đồng khiến chị T. phải đau đầu. Ví dụ 0,5kg thịt bò đã tốn 100.000 - 130.000 đồng. Nếu muốn ăn thêm cá thì phải đổi thịt bò thành thịt heo hoặc thịt gà công nghiệp cho rẻ. 

Đồng lương chỉ 6 triệu đồng, trong khi hàng tháng chị T. phải gửi về quê ít nhất 3 triệu đồng để nhờ ông bà nuôi hai con đang ăn học. Nghĩa là chị T. phải tằn tiện lắm mới đủ để trang trải cuộc sống trên Hà Nội chỉ với 3 triệu đồng.

Còn Nguyễn Bá Sơn, 24 tuổi (quê Hải Dương) đã phải từ bỏ công việc 3 năm của mình ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) để lên Thái Nguyên làm việc vì không chịu nổi chi phí sinh hoạt ở Hà Nội.

Dù lương không cao hơn song chi phí sinh hoạt ở Thái Nguyên rẻ hơn nên Sơn có thể cầm cự được. “Tiền thuê phòng ở Thái Nguyên rẻ chưa bằng một nửa ở Hà Nội. Các chi phí khác cho ăn uống cũng rẻ hơn gần một nửa.

Lương vẫn chỉ 5 triệu đồng/tháng, nhưng nếu chăm chỉ tăng ca thì thu nhập hàng tháng cũng có thể lên đến 9 -12 triệu đồng. Với chi phí sinh hoạt thấp ở Thái Nguyên, tôi còn có cơ hội tiết kiệm được chút ít. Chứ ở Hà Nội kiếm bao nhiêu sẽ tiêu hết bấy nhiêu, thậm chí còn không đủ thì lấy đâu ra tích lũy", Sơn nói.

https://vtcnews.vn/thu-nhap-beo-bot-gia-hang-hoa-lai-cao-ngat-cong-nhan-so-hai-khi-di-cho-ar872285.html

Hạo Nhiên / VTC News