Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây xanh đô thị.

11h30

121 đại biểu chất vấn trong 2,5 ngày

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong 2,5 ngày (ngày 6, 9 và sáng 10/11), 121 lượt đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi; 41 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 3 Phó thủ tướng, 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.

Thủ tướng đã báo cáo làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn tại kỳ họp này "có thể coi là bước đầu tổng kết, đánh giá cuối nhiệm kỳ đối với hoạt động giám sát của Quốc hội". Căn cứ kết quả phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan rà soát chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao để dự thảo nghị quyết về các nội dung liên quan, trình Quốc hội thông qua cuối kỳ họp, làm cơ sở để Quốc hội khóa mới tiếp tục theo dõi, giám sát.

11h08

Việt Nam xuất siêu gần 20 tỷ USD

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng, đại biểu Hà Sỹ Đồng về thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, quay trở lại ở Nhật Bản, châu Âu. Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan ra cộng đồng và giữ được đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, giữ ổn định xã hội, giải quyết việc làm, có sự tăng trưởng cần thiết.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đề cao tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, bảo đảm an toàn cung ứng, chú trọng thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế. Đến nay Việt Nam đã xuất siêu gần 20 tỷ USD.

"Chúng ta phải giữ vững sản xuất nông nghiệp, đây là chỗ dựa trong dịch bệnh, song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp với kinh tế số, du lịch", Thủ tướng nói và đề cập đến việc thay đổi phương thức làm việc, vận hành trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế...), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa... hướng đến phát triển nền kinh tế không tiếp xúc.

10h40

Đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lũ lụt, sạt lở ở miền Trung gần đây đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, trong đó có nhiều trẻ nhỏ. Nhiều nguyên nhân được đưa ra như do biến đổi khí hậu, địa hình dốc đứng, tác động của con người, trong đó có thủy điện nhỏ và công trình hạ tầng.

"Điều này đã tạo ra nhiều tranh luận, song bất luận là vì nguyên nhân gì thì vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên một cách nghiêm ngặt", ông nói.

Lãnh đạo Chính phủ cho hay, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và "cần tiếp tục nhất quán quan điểm này". Ông cho rằng, độ che phủ rừng hiện nay đã tăng trở lại, trên 42% song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp, do đó cần phải tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Hướng đến lời dạy đó, tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị", Thủ tướng cho hay.

Đề xuất này được nhiều đại biểu tại hội trường biểu thị sự đồng tình.

10h35

'Nguy cơ lớn nhất không phải tụt hậu về kinh tế mà là thiếu ý chí vươn lên'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đề ra mục tiêu kép và Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương. Ông nói, mức tăng trưởng đề ra cho năm 2021 còn khiêm tốn, nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp, những diễn biến chính trị trên thế giới có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

"Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta phải giữ được sự chủ động chiến lược. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động", lãnh đạo Chính phủ nói, nhấn mạnh, phải tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển nhanh, bền vững nhưng ổn định.

Ông cho hay, những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ trong 5 năm qua đã góp phần làm nên 350.000 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Tuy nhiên, vẫn còn những hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. "Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư kinh doanh làm ăn", ông nói.

10h30

Thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145% trong 6 năm

Thủ tướng cho biết 6 năm qua Việt Nam đã tạo 28 triệu việc làm mới. Nền kinh tế được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, tương đương 9.000 USD tính theo ngang bằng sức mua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% xuống dưới 3% và cần nỗ lực để giảm nghèo bền vững, đặc biệt ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo Chính phủ ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội về mức lương quá thấp của gần 1 triệu người nghỉ hưu trước 1993. Ông giao Bộ Lao động Thương binh Xã hội trình Thủ tướng phương án bảo đảm nguồn lực, tài chính để giải quyết vấn đề.

"Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp", Thủ tướng nói.

10h20

Việt Nam tạo ra 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020 và thời gian tới.

Theo ông, không chỉ năm 2020, mà ngay từ bắt đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đã đối đầu với những thách thức lớn chưa từng thấy như hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa, thiên tai, sạt lở đất..., nhưng Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

"Việt Nam được coi là 1 trong 12 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Năm 2020, Việt Nam cũng là một trong những các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất, kiên trì duy trì tăng trưởng dương ở mức khá", ông nói.

Thủ tướng nhắc lại bài học về sức mạnh của tinh thần đoàn kết được khẳng định trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2020 khi Việt Nam đối phó dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng hoàn thành tốt các trọng trách như chủ nhà APEC, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc...

8h00

Nhiều câu hỏi chờ Thủ tướng trả lời

Sau hai ngày (6 và 9/11) với bốn phiên chất vấn, 92 đại biểu đã đặt câu hỏi, trong đó nhiều vấn đề được các đại biểu gửi đến lãnh đạo Chính phủ. Ông Lê Công Nhường đề nghị Thủ tướng cho biết những giải pháp đột phá nào để đạt mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6%, khi mà hầu hết các nền kinh tế thế giới đều tăng trưởng âm?. Chính phủ đã xây dựng kịch bản cho GDP tăng trưởng thấp hơn 6% chưa?.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nêu thực trạng các gói hỗ trợ như tín dụng thuế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động... có mức giải ngân thấp. "Vì sao những người rất cần nhưng khó tiếp cận các chính sách này và các giải pháp của Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian tới?", bà Tuyết đặt câu hỏi.

4633 thu tuong nguyen xuan phuc tra 7445 6270 1604978550
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí thì nhắc lại, tại kỳ họp thứ 2, ông chất vấn Thủ tướng về việc phải công minh và bình đẳng để chọn cho những người có đạo đức, có tài, có tầm bổ nhiệm vào hệ thống cán bộ, công chức phục vụ đất nước. "Đến nay việc đó đã làm tốt hơn chưa, chỉ số nào để đánh giá sự thành công đó", ông Trí nói.

Hôm nay, Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội Hôm nay, Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Hôm nay (10/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có 2 tiếng trả lời các đại biểu Quốc hội kết thúc 2,5 ngày ...

/ vnexpress.net