Các quốc gia thành viên ASEAN đang thúc đẩy kết nối thanh toán trong khu vực bằng cách tận dụng các cơ hội mới do đổi mới sáng tạo mang lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới liền mạch và an toàn, khuyến khích sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch trong khu vực.
- ASEAN nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán người
- Cùng nỗ lực để ASEAN trở thành một động lực tăng trưởng toàn cầu
- Thúc đẩy triển khai các sáng kiến hợp tác tài chính ASEAN+3
5 nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Indonesia sẽ kết nối thanh toán nội tệ vào năm 2023 |
Phát triển Khung giao dịch nội tệ ASEAN
Lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới đây đã thông qua Tuyên bố chung thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và thúc đẩy giao dịch nội tệ trong khu vực. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết thúc đẩy kết nối thanh toán trong khu vực bằng cách tận dụng các cơ hội mới do đổi mới sáng tạo mang lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới liền mạch và an toàn; khuyến khích sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch trong khu vực và ủng hộ thành lập Nhóm chuyên trách nhằm thăm dò phát triển Khung giao dịch nội tệ ASEAN.
Tuyên bố thúc đẩy thanh toán nội tệ giữa các thành viên ASEAN được đưa ra giữa lúc thị trường thanh toán kỹ thuật số đang phát triển nhanh tới mức được cho là “bùng nổ” ở khu vực. Trong khi đó, những biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới đã tác động nghiêm trọng và sâu sắc tới kinh tế toàn cầu, trong đó có lĩnh vực kinh tế và một trong những lĩnh vực gặp khó nhiều nhất là thanh toán quốc tế.
Thời gian qua, các dịch vụ tài chính, đặc biệt là dịch vụ thanh toán trên thế giới cũng như ở khu vực đã thay đổi nhanh chóng nhờ những bước phát triển như vũ bão của công nghệ. Chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thúc đẩy nhanh hơn việc áp dụng các công nghệ mới và các nền tảng kỹ thuật số như thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số… là gia tăng dòng vốn và thương mại xuyên biên giới, thay đổi hành vi của người tiêu dùng và mở rộng ngành thanh toán trên toàn cầu. Thêm nữa, đại dịch Covid-19 cũng là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy các quốc gia ASEAN phát triển những hệ thống thanh toán xuyên biên giới liền mạch, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thanh toán và triển khai các sáng kiến khu vực về tiền tệ giữa các thành viên.
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo ASEAN ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường hợp tác thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tương tác giữa các hệ thống thanh toán xuyên biên giới, cải thiện cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh ứng dụng thanh toán kỹ thuật số, tài chính bao trùm, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường an ninh mạng. Bên cạnh đó, ASEAN cũng ủng hộ tăng cường hợp tác thúc đẩy các giao dịch bằng đồng nội tệ và vai trò của các cơ quan quản lý tài chính nhằm giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của khu vực trước những biến động bên ngoài; quản lý ngoại hối linh hoạt, cải thiện cơ sở hạ tầng thị trường tài chính và giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới.
Lãnh đạo ASEAN cũng ghi nhận đề xuất kết nối sáng kiến Khung giao dịch nội tệ ASEAN với các sáng kiến thanh toán xuyên biên giới khác, trong đó có hệ thống kết nối thanh toán khu vực; nhất trí hợp tác với các đối tác bên ngoài, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân nhằm thúc đẩy kết nối thanh toán và giao dịch nội tệ trong khu vực. Các quốc gia ASEAN đã nhất trí thành lập một Nhóm công tác chịu trách nhiệm nghiên cứu tính khả thi, lợi ích, thách thức và phương thức thực hiện Khung giao dịch tiền tệ địa phương ASEAN.
Thiết lập một hệ sinh thái thanh toán khu vực ASEAN
Nhằm tăng cường khả năng phục hồi tài chính, tăng cường hội nhập tài chính khu vực và củng cố chuỗi giá trị khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết tận dụng các cơ hội mới nổi do đổi mới mang lại, để tạo điều kiện thanh toán xuyên biên giới liền mạch và an toàn, có tính đến đặc thù của mỗi quốc gia thành viên. Trong tiến trình này, công nghệ được xác định đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực trong ASEAN bằng cách cho phép các hệ thống và dịch vụ thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, an toàn hơn, minh bạch và toàn diện sử dụng đồng nội tệ.
Theo đó, việc sử dụng mã phản hồi nhanh (QR), ứng dụng di động và nền tảng kỹ thuật số giúp nâng cao hiệu quả và sự thuận tiện trong giao dịch nội tệ giữa các nước ASEAN. Các công cụ này cũng hỗ trợ phát triển và tích hợp thị trường nội tệ, cải thiện tính thanh khoản, tiếp cận thị trường và hài hòa hóa cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn thanh toán.
Trên thực tế, nhiều quốc gia ASEAN cũng đã triển khai những bước tiến đáng kể trong việc hợp tác nhằm kết nối thanh toán khu vực và thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ. Trong đó, các nước Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines đã ký Biên bản ghi nhớ, ưu tiên các hệ thống thanh toán xuyên biên giới, khung thanh toán nội tệ, nền tảng thanh toán kỹ thuật số và tài chính toàn diện. Bên cạnh đó, các quốc gia như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng đã thực hiện các khuôn khổ thanh toán nội tệ song phương dựa trên Hướng dẫn ASEAN.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thái Lan đã cùng ra mắt dịch vụ thanh toán QR cho các giao dịch xuyên biên giới. Lãnh đạo ngân hàng trung ương hai nước đã chính thức giới thiệu phương thức thanh toán không những thuận tiện, nhanh chóng và dễ dàng cho người dân, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực thông qua việc quy đổi trực tiếp giữa Baht Thai (THB) và Việt Nam đồng (VND), thay vì sử dụng thông qua ngoại tệ thứ ba. Qua đó góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch song phương cũng như tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán giữa Việt Nam và Thái Lan; đồng thời còn giúp người dân, du khách, đơn vị bán hàng hai bên tiếp cận với một phương thức thanh toán mới với chi phí thấp, nhanh chóng, an toàn và tiện lợi hơn.
Ngoài ra, Ngân hàng Indonesia và Cơ quan tiền tệ Singapore đã có hợp tác về liên kết thanh toán QR xuyên biên giới để tăng cường hơn nữa kết nối thanh toán trên toàn ASEAN. Những sáng kiến này tận dụng mã QR, ứng dụng di động và nền tảng kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả, bảo mật và tiện lợi của các giao dịch xuyên biên giới. ASEAN đặt mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái thanh toán khu vực kết nối và hiệu quả hơn thông qua những tiến bộ công nghệ này.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã nhất trí thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ cho các giao dịch xuyên biên giới trong khu vực. Động thái này nhằm giảm sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ quốc tế lớn, tăng cường ổn định tài chính và tránh tác động lan tỏa tiềm tàng từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Nhóm chuyên trách nhằm thăm dò phát triển Khung giao dịch nội tệ ASEAN vừa được các nhà Lãnh đạo thành lập sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu tính khả thi, lợi ích, thách thức và phương thức thực hiện Khung giao dịch tiền tệ địa phương ASEAN. Nhóm đặc trách cũng sẽ phát triển một khuôn khổ dự thảo cung cấp hướng dẫn và khuyến nghị để thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch xuyên biên giới. Nhóm này dự kiến đệ trình báo cáo và dự thảo khung toàn diện và thiết thực, phù hợp vào mức độ phát triển, mức độ sẵn sàng và năng lực khác nhau giữa các nước ASEAN vào cuối năm 2024 nhằm kết nối thanh toán nội tệ trong khu vực.
https://www.anninhthudo.vn/thuc-day-ket-noi-thanh-toan-noi-te-trong-asean-post541378.antd