Tổng thầu Trung Quốc đưa ra dự kiến tiến độ hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhưng Bộ GTVT đánh giá là chưa khả thi. Tư vấn Pháp đang đánh giá độc lập hệ thống an toàn dự án.

 

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ GTVT chiều nay, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đến nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn 1% chưa hoàn thành, 1% này liên quan đến hạng mục chỉnh trang làm đẹp, khắc phục một số khiếm khuyết về thiết kế.

Vấn đề lớn nhất hiện nay liên quan đến việc tập hợp hệ thống các hồ sơ kèm theo.

Theo Tổng thầu Trung Quốc, bây giờ cũng có thể chạy được, nhưng Bộ GTVT không đồng ý.

"Yêu cầu của Thủ tướng, dự án phải đảm bảo an toàn tuyệt đối mới đưa vào khai thác thương mại nên tổng thầu phải khắc phục và hoàn thành, đảm bảo dự án", Thứ trưởng Đông nói.

Bộ đã yêu cầu Tổng thầu phải hoàn thiện hồ sơ, chứng chỉ để đánh giá an toàn thực sự.

Trách nhiệm chủ yếu liên quan đến Tổng thầu Trung Quốc.

Thuê tư vấn Pháp đánh giá an toàn đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Để dự án đảm bảo an toàn, Thứ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã thuê tư vấn độc lập của Pháp đánh giá hệ thống an toàn trên toàn dự án.

Phía tư vấn Pháp đã đánh giá 6/14 báo cáo, hiện còn một số nữa họ yêu cầu gửi để tiếp tục làm việc. Việc đánh giá của tư vấn Pháp hoàn toàn độc lập và không nghiêng về bên nào.

Bộ trưởng GTVT đã gặp và làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của Tổng thầu Trung Quốc, các cơ quan ngoại giao phía bạn trong đó có Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để đôn đốc Tổng thầu khẩn trương hoàn thiện các vấn đề tồn đọng.

 

 

 

Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ động xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc của dự án theo thẩm quyền hoặc đề xuất đơn vị có thẩm quyền giải quyết.

Tuy nhiên, quá trình làm việc của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Đường sắt với Tổng thầu Trung Quốc chưa đạt được kết quả, đặc biệt là công tác tập hợp hồ sơ của Tổng thầu chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhiều khác biệt về thiết kế

Liên quan tới kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ tháng 9/2018 đến 11/2018, Thứ trưởng cho rằng do tính chất của dự án và các điều kiện khách quan như quy định của Việt Nam về hợp đồng trọn gói EPC khác biệt với thông lệ quốc tế; chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dẫn đến không thể thực hiện hoàn thành công tác khảo sát thiết kế, lập tổng dự toán để làm cơ sở xác định giá trị trọn gói ngay từ đầu...

Vì vậy, từ khi khởi công dự án đến cuối năm 2015, chủ đầu tư phải thực hiện hình thức duyệt, tạm duyệt dự toán để có cơ sở cho việc thực hiện một số hạng mục xây lắp và để tạm thanh toán giá trị khối lượng cho Tổng thầu để thúc đẩy tiến độ dự án trong giai đoạn này.

Ngoài ra do quy định của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khác biệt về thiết kế, đơn giá định mức để lập dự toán chưa đầy đủ, văn bản hướng dẫn áp dụng chính sách chậm ban hành, dẫn đến quá trình thực hiện còn sai sót tồn tại được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.

"Bộ GTVT đã có báo cáo, giải trình với Kiểm toán Nhà nước và sẽ nghiêm túc thực hiện các kết luận mà Kiểm toán Nhà nước nêu ra, đồng thời sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng các nội dung vượt thẩm quyền", Thứ trưởng cho biết.

Bộ GTVT: "Đảm bảo an toàn cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi vận hành"
An toàn đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được tư vấn nước nào đánh giá cuối cùng?
Bộ GTVT thuê tư vấn Pháp đánh giá an toàn đường sắt Cát Linh-Hà Đông
Bộ GTVT phân trần lý do đường sắt Cát Linh- Hà Đông trễ hẹn 8 lần
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mịt mù ngày lăn bánh chính thức

 

 

Vũ Điệp 

 

/ vietnamnet.vn