Khi thương vụ bán cổ phần Sabeco thu về 110.000 tỉ đồng, tương đương 4,8 tỉ USD được đánh giá là thành công thì cũng không ít ý kiến cho rằng, việc để một nhà đầu tư ngoại - ở đây là Cty TNHH Vietnam Beverage, công ty liên quan tới tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi - sở hữu trên 50% cổ phần chẳng khác nào “một thương hiệu Việt có giá trị được nuôi trong nhiều năm qua chỉ để bán ra ngoài”. Vấn đề này đã có lời giải đáp tại Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế diễn ra ngày 27.12.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận việc thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn là xu hướng tất yếu, miễn là mang lại hiệu quả cho Nhà nước. Ảnh: PV
Mua bán doanh nghiệp là tất yếu
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - bà Đinh Thị Mỹ Loan - cho biết: “Sự việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco thì đúng là chưa từng có doanh nghiệp nhà nước nào bán vốn thành công như thế. Nhưng có trường hợp cũng khá tương đồng với hình ảnh ví von vỗ béo con gà rồi bán thì trong lĩnh vực bán lẻ 2 năm vừa rồi cũng hết sức sôi động, báo chí cũng tốn nhiều giấy mực khiến dư luận quan tâm. Ví dụ như việc mua bán các chuỗi BigC, chuỗi Metro Cash & Carry Việt Nam…
Tuy mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng bình luận lo lắng cho rằng các thương hiệu lớn dần dần vào tay các ông chủ nước ngoài thì chúng tôi thấy rằng các hiện tượng như vậy không còn xa lạ nữa. Nếu trước đây nếu còn bị coi là thâu tóm thì ở góc độ thị trường phát triển, các hoạt động mua bán, sáp nhập không thể nào cấm đoán hay hạn chế mà đấy chính là một kênh để thu hút đầu tư gián tiếp. Cho nên quan trọng là trong các thương vụ ấy, cả bên bán lẫn bên mua đều đạt được hiệu quả. Với chúng ta đó là mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Nhà nước” - bà Loan nhận định.
Mặc dù vậy, điều này cũng không thể khỏa lấp nỗi lo khi trước đó, tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam 2017, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về sự chênh lệch quá lớn khi so sánh quy mô vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng thâu tóm doanh nghiệp Việt.
Nếu so sánh vốn hóa trung bình của nhóm 30 doanh nghiệp lớn của Việt Nam trên thị trường chứng khoán với một số nước trong khu vực, chúng ta có lượng vốn hóa trung bình (3 tỉ USD) chỉ bằng 1/5 so với Singapore (15 tỉ USD), chưa bằng 1/3 so với Thái Lan và Indonesia. Quốc gia đứng gần chúng ta nhất là Malaysia cũng gấp 3 lần (9 tỉ USD). Từ đó thấy rằng, ngay cả khi chúng ta muốn thoái vốn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa thì tiềm lực của doanh nghiệp nội cũng khó mà “đấu” lại với doanh nghiệp nước ngoài.
Phó Giám đốc điều hành VinaCapital Đặng Phạm Minh Loan cho rằng, thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam sợ hãi trong hội nhập hơn là đón nhận cơ hội, cho dù cơ hội là có, song thách thức lại lớn hơn nhiều. Nếu căn cứ trên tiềm lực vốn hóa như trên, chỉ cần trong 3 năm, một doanh nghiệp của Singapore có thể đủ lực thâu tóm một doanh nghiệp top đầu của Việt Nam.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá: “90% doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa, phần lớn trong số ấy lại thiếu kinh nghiệm và năng lực phát triển, sử dụng thương hiệu để tăng hiệu quả kinh doanh, gây hạn chế trong quá trình cạnh tranh”. Bởi vậy, nếu chúng ta không tạo ra một sự lan tỏa, tăng cường nội lực, tăng sức sáng tạo mà chỉ trông chờ vào thành tích xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI như hiện nay thì hoàn toàn không ổn.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận việc thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn là xu hướng tất yếu, miễn là mang lại hiệu quả cho Nhà nước. Ảnh: P.V
Tiền thoái vốn dùng để làm gì?
Thực tế, nỗi lo thoái vốn ồ ạt tại các doanh nghiệp lớn của Nhà nước làm mất thương hiệu quốc gia không đáng ngại. Doanh nghiệp vẫn còn đó, nhân công vẫn được sử dụng, làm ăn kinh doanh vẫn phải đóng thuế cho Nhà nước… Vì vậy, điều quan trọng cần phải xem xét tới lúc này chính là việc sử dụng tiền thu về sau khi thoái vốn thế nào cho hiệu quả.
Tại cuộc họp báo chuyên về CPH DNNN diễn ra hôm 25.12, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, sau khi thu được thành công từ thoái vốn tại Sabeco, Vinamilk, trong năm 2018 sẽ tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khác như PVN, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Điện lực dầu khí, PVoil, các công ty của Tập đoàn Caosu…
Số tiền thu về sau khi thoái vốn cũng được chuyển về Kho bạc Nhà nước, tổng thu ngân sách Nhà nước và theo như Nghị quyết T.Ư 5 thì số tiền này không phải để trả nợ, không chi thường xuyên mà dành để đầu tư phát triển. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho hay, tính đến ngày 20.12.2017, đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 213.747 tỉ đồng và giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 88.390 tỉ đồng.
Nếu cứ theo con số trên, hoàn toàn có thể lạc quan rằng như vậy là có lãi cao. Còn nỗi lo “vỗ béo rồi bán” có thể làm mất đi thương hiệu Việt, Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng: “ Khi doanh nghiệp nước ngoài bỏ số tiền lớn để đầu tư mua lại doanh nghiệp khác, họ đã có tính toán và kỳ vọng khả năng sinh lời. Việc thay đổi này cũng giúp doanh nghiệp nội thay đổi về quản lý, quản trị…” ở góc độ nào đó, sức ép cạnh tranh tăng cũng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nội buộc phải vận động theo.
Tiến sĩ Cung cho rằng những lo lắng mất thương hiệu chỉ là lời biện minh cho sự chần chừ, làm chậm quá trình cổ phần hóa. Với những thương hiệu tốt của Việt Nam và đang sinh lời hiệu quả từ thương hiệu ấy, không dại gì nhà đầu tư mua về rồi lại đập đi.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Đình Cung còn đề xuất nên cụ thể hóa nguồn tiền thu về phục vụ đầu tư phát triển là để dành cho đầu tư phát triển hạ tầng.
Thoái vốn - không có nghĩa không còn quyền quyết định
Thực tế, nỗi lo đánh mất thương hiệu có phần hơi quá, bởi tại một số doanh nghiệp lớn sau khi thoái vốn, Nhà nước vẫn giữ một lượng cổ phần đủ có quyền phủ quyết theo pháp luật. Ví dụ như tại Sabeco, hiện Nhà nước vẫn đang nắm giữ 36% cổ phần. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 104, Luật Doanh nghiệp, phải đạt được ít nhất 65% tổng số biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp nhận thì quyết định trong cuộc họp Đại hội cổ đông mới được thông qua. Một số vấn đề khác quan trọng hơn thậm chí còn cần tới ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp nhận.
Như vậy, có thể hiểu nôm na nay cả khi các ông chủ nước ngoài nắm giữ lượng cổ phần chi phối cũng không đồng nghĩa với việc họ có thể “một mình một chợ, tác oai tác quái” như thế nào cũng được. Chưa kể các thương hiệu Việt bán được giá cao như Vinamilk, Sabeco… một phần là do thương hiệu quá tốt trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Đánh giá đúng bản chất của thị trường thì doanh nghiệp nước ngoài mua với giá cao có một phần nguyên nhân nhờ thương hiệu. Do đó, nếu cứ mang tư duy không còn chi phối có nghĩa là sẽ mất thương hiệu là tư duy cần phải xóa bỏ.
Theo chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, thậm chí còn hy vọng sau khi thoái vốn Nhà nước, với sự thay đổi về quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài, được đầu tư thêm về công nghệ hoặc tiềm lực thì các thương hiệu như Sabeco, Vinamilk sẽ còn phát huy mạnh hơn trên thị trường quốc tế.
‘Người mua nhà thông minh, nhà đầu tư cần minh bạch’ Ông Đỗ Ngọc Olivier, Dũng - Giám đốc EZ Land, nhà đầu tư bất động sản với nguồn vốn từ châu Âu - chia sẻ ... |
Nhà đầu tư tiếp tục \'xả hàng\', tiền ảo mất 160 tỷ USD vốn hóa Giá đồng Bitcoin tụt xuống mức 12.747 USD vào lúc 8h tối ngày 24/12 (giờ Việt Nam). |