Trả lại bình yên cho Hội An cũng là trả lại cho du khách sự an tâm, lòng yêu mến để lựa chọn nơi đó là điểm đến không thể thiếu.

Là người Quảng Nam, nên hễ có bạn bè hỏi về quê mình, tôi hay tự hào giới thiệu: “Tớ ở Quảng Nam, bạn biết không, quê tớ được mệnh danh là một điểm đến hai di sản”. Rồi tôi thao thao kể về Hội An với nét dịu dàng, quyến rũ, một phố cổ yên bình; đến Mỹ Sơn, công trình xưa nhiều hoài niệm…

Riêng về phố cổ Hội An, bản thân tôi cũng rất thích nơi này. Nhà ở huyện khác của tỉnh Quảng Nam, nhưng lần nào về tôi cũng đều đến Hội An, có thể ở qua đêm một bữa để đi dạo phố cùng người thân, hoặc chỉ là uống một ly cà phê, tám chuyện cùng bác xe ôm, cô gánh hàng rong để ôm vào lòng mình chất quê bình dị, đầy yêu thương.

Du khách nước ngoài dạo phố cổ Hội An trong một ngày mưa.

Thi thoảng về quê, có bạn bè ở Sài Gòn theo cùng, lịch trình đưa bạn đi thăm luôn luôn ưu tiên phố Hội với khách sạn quen ở đường Lê Lợi, tối cả nhóm có thể thả bộ đi dọc bờ sông Hoài, ngắm nhìn lồng đèn lung linh, ghé hội quán bài chòi nghe các anh các chị hát mà mê mẩn.

Đêm phố Hội yên bình khi ai đi cũng nhẹ nhàng, từng bước chậm hơn giữa không gian phố đi bộ, có thể đứng nhìn vào quán ăn hoặc cà phê nào đó lâu một tí để đọc thực đơn ngay cửa, ngắm không gian có vừa mắt không… Người trong quán cũng để khách thật tự nhiên, vào hay không cũng không hề phản ứng. Vô mấy cửa hàng bán khăn, lụa, hay đồ lưu niệm, nghe giọng Quảng chân chất - “Nói thiệt, chỗ chị hông có bán thách chi mô” - mà thương hết sức.

Bạn bè ghé chùa Cầu, chụp đôi ba tấm hình cùng nhau nơi đó, một biểu tượng văn hóa-du lịch để nhận diện đã đến Hội An; sau đó rảo bước qua những nhà cổ sơn màu vàng với những dây tóc tiên xỏa xuống, rêu phong còn bám đâu đó trên tường hay mái ngói, chỉ bấy nhiêu đủ để có năng lượng an bình.

Do vậy mà bạn nào đến thăm, được tôi đưa đi phố Hội cũng bảo “không phí chuyến đi”, rồi hẹn hò trở lại thêm nhiều lần nữa, không cần phải đi đâu nhiều, chỉ cần ngủ lại phố này, nghe hát bài chòi, ăn chè mè đen ngọt thơm hay uống nước trà xanh nóng hôi hổi sau khi ăn tô cao lầu, chén tàu hủ… giữa ngày mưa qua. Nghe bạn cảm nhận mà mừng!

Ở một góc khác, thi thoảng lại thấy báo đăng - Hội An đã bớt bình yên, nào là “chặt chém” khách du lịch bằng cách làm dịch vụ không minh bạch; rồi cả hành hung du khách, đến lo người Hội An xa dần phố cổ…

Hội An bớt đẹp vì những điều kể trên, có thể chỉ là cá biệt một vài điểm, phản ứng không hay nơi một vài người. Nhưng, như ông bà mình nói “tiếng dữ dễ đồn xa”, chỉ cần một vài hình ảnh xấu trong vô vàn hình ảnh đẹp thì cũng đủ phá nát bức tranh yên bình của Hội An rồi. Vì thế phải cẩn trọng, phải siết chặt quản lý, tăng cường an ninh - để phố Hội giữ được nét đẹp vốn có lâu nay.

Trả lại bình yên cho Hội An cũng là trả lại cho du khách sự an tâm, lòng yêu mến để lựa chọn nơi đó là điểm đến không thể thiếu. Thêm nữa, bên cạnh sự bình yên trong an ninh, an toàn của du khách, để không ai bị chặt chém, hét giá thì một điều tối quan trọng là giữ hồn cốt phố cổ.

Khách chỉ đến nơi này khi phố cổ còn là phố cổ của chỉ riêng Hội An, không lẫn lộn. Nói như một người bạn của tôi cứ mỗi dịp đi Đà Nẵng công tác, dẫu thời gian ngắn ngủi cũng về Hội An uống ly cà phê, ngắm phố, đi dạo trong những dãy nhà màu vàng rêu phong: “Có một điều gì đó lạ lắm, không tả được, nhưng yêu nhiều”.

Thật vậy, việc giữ hồn cốt phố Hội đồng nghĩa với giữ gìn, trân trọng cơ hội làm du lịch cho những người dân Hội An, để du khách tiếp tục bày tỏ tình yêu di sản này bằng câu cảm thán “Yêu quá Hội An” chứ không phải tiếc nuối mà thốt lên rằng “Thương quá Hội An, ai nỡ làm xấu/ làm mất nét riêng của em thế này?”…

Á hậu Kiều Loan vẫn tự tin dù gặp sự cố trang phục về Hội An gắn 2000 bóng đèn
Quốc hội Anh hoãn bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit thêm 2 ngày
Người phụ nữ giữ gìn văn hóa ẩm thực Hội An

/ vietnamnet.vn