Hôm 13/5, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tuyên bố sẵn sàng cho phép bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này trong thời chiến, bất chấp những chỉ trích cùng lời kêu gọi cấm triển khai chúng.

"Chúng tôi sẵn sàng cho phép triển khai vũ khí hạt nhân trên đất Thụy Điển trong thời chiến", Thủ tướng Ulf Kristersson khẳng định trong tuyên bố hôm 13/5.

Tuyên bố của ông Ulf Kristersson được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Thụy Điển chuẩn bị bỏ phiếu về Thỏa thuận hợp tác quốc phòng (DCA) với Mỹ vào tháng 6, theo đó sẽ cho phép Washington tiếp cận các căn cứ quân sự ở Thụy Điển và cho phép lưu trữ các thiết bị và vũ khí quân sự ở quốc gia Scandinavi này.

Thụy Điển để ngỏ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân bất chấp chỉ trích -0
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. Ảnh: The Finnish Government

Thụy Điển đã từ bỏ 2 thế kỷ không liên kết quân sự để gia nhập NATO vào tháng 3 vừa qua. Và trong những tuần gần đây, Hiệp hội Trọng tài và Hòa bình Thụy Điển cùng nhiều tổ chức khác đã kêu gọi Chính phủ nước này đưa ra điều kiện trong thỏa thuận DCA với Mỹ rằng Thụy Điển sẽ không cho phép triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.

 

Tuy nhiên, ông Ulf Kristersson nêu rõ rằng, Thụy Điển sẽ không cho phép Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai quân thường trực hoặc bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ trong thời bình. Nhưng thời chiến thì khác, tất cả thành viên NATO sẽ được hưởng lợi từ ô hạt nhân chừng nào Nga còn sở hữu vũ khí nguyên tử.

Ông nhấn mạnh, mục đích Thụy Điển gia nhập NATO cũng như mục đích nước này xây dựng năng lực phòng thủ, là nhằm đảm bảo khả năng tự bảo vệ mình trước những nước có thể đe dọa họ bằng vũ khí hạt nhân.

Chia sẻ hạt nhân là một phần trong chính sách răn đe của NATO, cho phép bố trí vũ khí hạt nhân tại các nước thành viên không sở hữu năng lực này. Trong khuôn khổ chương trình, NATO đã triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ tới Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 12/2009. Washington có toàn quyền kiểm soát, vận hành các khí tài hạt nhân mà quốc gia này triển khai ở nước ngoài.

Được biết, các nước láng giềng Bắc Âu của Thụy Điển như Đan Mạch và Na Uy, vốn đã là thành viên NATO, đều từ chối cho phép nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự lâu dài hoặc vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của họ trong thời bình.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/thuy-dien-de-ngo-kha-nang-trien-khai-vu-khi-hat-nhan-bat-chap-chi-trich-i731099/

Kim Ngọc / CAND