Chính phủ Thụy Sĩ không cho phép nhà tập đoàn vũ khí Ruag AG tái xuất gần 100 xe tăng Leopard 1A5 đã qua sử dụng để chúng được đưa tới chiến trường Ukraine.

Bloomberg hôm nay (28/6) cho biết, chính phủ Thụy Sĩ đã từ chối đề nghị của tập đoàn vũ khí Ruag AG về việc tái xuất khẩu 96 xe tăng Leopard 1A5 để chúng được đưa tới chiến trường ở Ukraine với lý do điều đó đi ngược lại "quan điểm trung lập của Thụy Sĩ".

03ukraine_briefing_germany_leopa-1687956505660
Xe tăng Leopard 1 trong một nhà kho ở Bỉ. Ảnh: Reuters

Luật pháp hiện hành của Thụy Sĩ không cho phép vũ khí sản xuất hoặc thuộc quyền sở hữu của nước này được chuyển giao cho các quốc gia đang có xung đột vũ trang.

Ruag AG, có trụ sở ở thành phố Bern, đã mua 96 xe tăng Leopard 1A5 nói trên của Italia cách đây 7 năm. Những chiếc Leopard 1A5 nêu trên vẫn được niêm cất trong kho bãi ở Italia và cần sửa chữa ở Đức trước khi đưa ra chiến trường.

Leopard 1 là xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên được phát triển cho quân đội Đức kể từ sau Thế chiến II. Hàng ngàn chiếc Leopard 1 đã xuất xưởng từ ​​giữa những năm 1960 đến giữa những năm 1980 và phục vụ quân đội nhiều nước châu Âu.

2_ZHY-1687956602330
Xe tăng Leopard 2 bị phá hủy trên chiến trường Ukraine. Ảnh: Reuters

Leopard 1 nặng 42,2 tấn, được trang bị pháo với rãnh xoắn L7A3 105 mm, hai súng MG-3 hoặc FN MAG, có thể đạt tốc độ tối đa 65 km/h với tầm hoạt động 450-600 km. So với Leopard 2, mẫu Leopard 1 có trọng lượng nhẹ, hỏa lực yếu và khả năng sống sót kém hơn đáng kể.

Các nước phương Tây gần đây nỗ lực thu gom những chiếc Leopard 1 đời cũ rồi đại tu chúng để chuyển giao cho Ukraine. Hồi tháng 2/2023, Chính phủ Đức đã cấp phép để các công ty quốc phòng có thể cung cấp cho Ukraine tới 178 xe tăng Leopard 1.

Thái Hà / CAND