Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, đáng lo ngại hiện nay là các ca nhiễm mới trở về từ vùng dịch. Nếu người dân về từng đợt, có kiểm soát thì sẽ thuận lợi hơn vì các địa phương đang quá tải và rất cần sự chia sẻ, thông cảm từ người dân để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.
Những ngày qua, các tỉnh miền Tây tiếp nhận khoảng 100.000 công dân từ TP Hồ Chí Minh, Long An và các tỉnh Đông Nam Bộ trở về quê.
Theo báo cáo của Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, đến sáng 5/10, địa phương này ghi nhận 41 ca nhiễm COVID-19. Trong đó 36 người từ vùng dịch. Cụ thể 10 ca Long An, 14 ca TP Hồ Chí Minh, 9 ca Bình Dương và 3 ca Đồng Nai.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, hiện nay tình hình đáng lo ngại là các ca nhiễm trở về từ vùng dịch. Với số lượng lớn người về cùng một lúc, năng lực cách ly tập trung đã quá tải. Trước tình hình này nếu không có biện pháp kiểm soát nhanh chóng, hiệu quả thì nguy cơ có thể dẫn đến bùng phát dịch trở lại.
Từ ngày 1 đến 5/10, tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận khoảng 17.000 công dân trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, đã phát hiện 70 F0. “Tỉnh tổ chức cách ly theo quy định, mở rộng khu cách ly để lo cho người dân. Người dân về thời điểm này, tỉnh gặp khó khăn rất nhiều mặt”, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói.
Ông Pham Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh quan điểm thống nhất xem việc đón và tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho người dân trở về địa phương là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Những ngày qua, người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác về An Giang liên tục tăng cao. Đến ngày 5/10, tỉnh An Giang tiếp nhận khoảng 32.000 công dân. Riêng ngày 4/10, tỉnh An Giang ghi nhận 172 ca nhiễm mới, trong đó tại chốt kiểm soát TP Long Xuyên, phát hiện 29 ca F0 từ các tỉnh khác trở về.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, phát sinh thêm tình huống mới, người dân tự phát trở về quá nhiều (đa phần chưa tiêm vaccine), cần khẩn trương điều chỉnh giải pháp phù hợp.
Công an tỉnh An Giang đã trao và chuyển 200 tấn gạo cùng 20 tấn rau, củ, quả đến Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, góp phần hỗ trợ các bếp ăn phục vụ trong những khu cách ly đang tiếp nhận công dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành về địa phương. Công an tỉnh An Giang hỗ trợ số tiền 200 triệu đồng gửi đến các gia đình có người thân tử vong do dịch COVID-19 trên địa bàn.
Tại Trà Vinh, ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế cho biết những ngày qua tỉnh tiếp nhận 10.000 người, trong đó phát hiện 15 ca F0. Người dân về quê đến cửa ngỏ của tỉnh đã được lực lượng chức năng phân loại, sắp xếp và tổ chức đưa về các khu cách ly ở 9 huyện, thị xã, thành phố.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh đối với tất cả những người từ ngoài tỉnh về Trà Vinh.
Còn tại Hậu Giang, theo Sở Y tế đến sáng 5/10, đã ghi nhận thêm 15 ca nhiễm mới. Số liệu thống kê trong 5 ngày qua, tỉnh Hậu Giang ghi nhận 66 ca nhiễm là các trường hợp người từ vùng dịch trở về địa phương. Tương tự, ngày 4/10, tỉnh Sóc Trăng ghi nhận 50 ca nhiễm mới, trong đó 35 trường hợp về từ vùng dịch...
Người dân ùn ùn đổ về miền Tây được cách ly thế nào? Các tỉnh miền Tây sau khi đón người dân trở về từ địa phương khác sẽ tiến hành các biện pháp cách ly phòng dịch, ... |
Người dân ùn ùn kéo về quê, TP.HCM thiếu lao động trầm trọng Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, tình trạng người dân ùn ùn kéo về quê diễn ra ngày càng nhiều, khiến thành ... |