Sản xuất thép và bán trong nước tháng 4 tăng 38-40%, riêng xuất khẩu tăng 68% so với cùng kỳ 2020.
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, xuất khẩu thép tháng 4 giảm hơn 14,6% so với tháng 3 nhưng lại tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020. Và tính chung 4 tháng, các doanh nghiệp thép đã xuất hơn 2,1 triệu tấn, tăng gần 68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 4, có gần 2,82 triệu tấn thép các loại được sản xuất, giảm gần 4,8% so với tháng trước, nhưng tăng hơn 52% so với cùng kỳ 2020. Còn lượng thép bán ra đạt hơn 2,7 triệu tấn, giảm 6,2% so với tháng 3, song tăng gần 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 4 tháng, sản xuất thép đạt hơn 10,48 triệu tấn, tăng hơn 38% so với cùng kỳ 2020. Lượng thép bán nội địa trên 9,84 triệu tấn, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, nguồn cung thép sản xuất trong nước dư thừa, đủ cho cầu tiêu thụ trong nước.
Sản xuất thép cuộn tại Nhà máy sản xuất thép ống nhựa Hoa Sen. Ảnh: Phương Đông |
Song thời gian qua, giá thép trong nước tăng 40-50% khiến các ngành sản xuất, sử dụng loại vật liệu này gặp khó khăn. Diễn biến này khiến Bộ Xây dựng cho là giá thép đang tăng bất thường. Tuy nhiên, nguyên nhân giá thép trong nước tăng phi mã được Bộ Công Thương giải thích do giá nguyên liệu sản xuất mặt hàng này (quặng sắt, phôi thép, than mỡ...) trên thị trường thế giới tăng gấp rưỡi, gấp đôi trong 9 tháng qua.
Ngành thép Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên khi giá các loại vật liệu này tăng, giá thép thành phẩm trong nước cũng điều chỉnh theo.
Việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra trên toàn thế giới, và đà tăng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Để hạ nhiệt giá thép, ngoài yêu cầu các nhà máy tăng năng lực sản xuất, Bộ Công Thương còn kiến nghị hạn chế xuất khẩu thép trong nước. Cùng đó, thực hiện một số biện pháp về thuế nhập khẩu với thép thành phẩm để "cắt cơn sốt giá thép".
Theo dữ liệu của VSA, giá quặng sắt ngày 4/5 giao dịch ở mức 189,4-189,9 USD một tấn tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc), tăng gần 20 USD mỗi tấn so với đầu tháng 4. Ngày 7/5, giá quặng giao dịch 210-212 USD một tấn. Đà tăng của quặng chưa dừng lại khi ngày 10/5, giá mặt hàng này trên sàn Trung Quốc tăng thêm 10%, lên mức cao kỷ lục.
Hay thép phế liệu ở mức 466 USD một tấn. Giá thép cán nóng (HRC) ngày 4/5 ở mức 925 USD một tấn, tăng tới 130 USD so với đầu tháng 4.
"Thị trường thép cán nóng thế giới biến động, khiến thị trường này trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (tôn mạ, ống thép...) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất", Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá.
Cơ quan này dự báo giá thép tháng 5 có thể vẫn tiếp đà tăng để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Ngoài ra, nguồn cung trong nước vẫn đủ, song có sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng.
Về phía doanh nghiệp, họ cho biết gặp nhiều khó khăn khi giá phế liệu, quặng sắt tăng mạnh suốt thời gian qua, tác động đến chi phí đầu vào của sản phẩm. Giá nguyên liệu đầu vào tăng nhanh và cao đã ảnh hưởng đến nhà sản xuất khi giá thành không thể tăng tương ứng. Để sản xuất ổn định, doanh nghiệp phải mua hàng giá cao tới hết quý IV, nhưng không mua nhanh cũng không có hàng để sản xuất.
Anh Minh
Đề xuất hạn chế xuất khẩu thép Ngoài yêu cầu doanh nghiệp thép tăng công suất sản xuất, Bộ Công Thương tính hạn chế xuất khẩu loại thép mà trong nước có ... |
Giá thép tăng ‘nóng’, Bộ Xây dựng yêu cầu siết quản lý Bộ Xây dựng vừa có văn chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến của thị trường thép, tránh bị tác động bởi ... |