Bên cạnh mục đích phát triển kinh tế đêm, các khu phố đi bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội còn là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng, giúp gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của Thủ đô. Việc quan tâm xây dựng, mở rộng không gian đi bộ kết hợp kinh doanh dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật là hướng đi phù hợp, nhưng cần có cơ chế, chính sách nhằm tạo được “chất” riêng để thu hút du khách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Báo Hànộimới xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài: “Tìm “chất” cho phố đi bộ”.

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thu hút người dân và du khách trải nghiệm cuối tuần. Ảnh : Tố Linh

Bài 1: Thừa lượng, thiếu chất

(HNM) - Thực tế cho thấy, việc phát triển không gian phố đi bộ vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự hình thành “lực đẩy” phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung và tạo không gian văn hóa nói riêng. “Sao chép” mô hình nhưng không tạo ra được nét đặc trưng riêng sẽ dẫn đến tình trạng thừa lượng, thiếu chất.

Điểm nhấn thu hút du khách

Khu vực nội thành Hà Nội hiện có 4 không gian đi bộ đang hoạt động, bao gồm: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (quận Hoàn Kiếm); phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình); không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận (quận Hai Bà Trưng).

Trong 4 tuyến phố đi bộ kể trên, các tuyến thuộc quận Hoàn Kiếm có lợi thế vị trí trung tâm và hình thành từ lâu nên thu hút đông đảo người dân và du khách. Với khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình thì mục tiêu chính không phải là tạo ra phố đi bộ mà nhằm hỗ trợ việc kinh doanh ẩm thực, phát huy giá trị các danh thắng, di tích, tạo nên không gian văn hóa tại đây.

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, khi thành lập phố đi bộ, quan điểm của quận là không thể đưa nguyên 100% một mô hình phố đi bộ đã thành công để áp dụng cho các trường hợp mới mở. Mỗi không gian đi bộ cần có những đặc trưng, nét hấp dẫn riêng. Việc đi bộ chỉ là một yếu tố kết hợp nhằm hỗ trợ, tạo điểm nhấn, phong cách, “chất” riêng cho khu phố ẩm thực.

Với cách làm ấy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) Nguyễn Dân Huy cho biết, bình quân mỗi ngày, khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã đón 3.000 lượt du khách, trong đó lượng du khách là người nước ngoài tăng gần gấp đôi so với trước khi triển khai khu phố ẩm thực.

Khai trương cùng thời điểm với khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận cũng tạo lập được phong cách riêng để thu hút du khách. Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, hằng tuần, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có quy mô khác nhau, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật.

Cách xa khu vực nội thành, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) thu hút du khách trong và ngoài thành phố bằng những buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại các điểm sân khấu xung quanh thành cổ. Các hoạt động được tổ chức đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng, từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi. Tuyến phố đi bộ này cũng được kết nối với các điểm du lịch xung quanh như Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Làng cổ Đường Lâm, các khu nghỉ dưỡng ở khu vực huyện Ba Vì… để đa dạng hoạt động và thu hút du khách.

 
 

TIẾN THÀNH / HNM.com.vn