Cuộc hội đàm được tổ chức tại Istanbul ngày 13-7 giữa Nga - Ukraine, có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp quốc, báo trước một lối thoát cho việc giải phóng kho ngũ cốc của Ukraine. Để làm điều này, một trung tâm điều phối đã được thành lập. Nó cho thấy, để vượt qua khủng hoảng, cần phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế bình đẳng.
- Thiếu lương thực gây nguy cơ khủng hoảng y tế mới
- Liên Hợp Quốc cảnh báo về khủng hoảng lương thực chưa từng có trên thế giới
Năm nay, vấn đề an ninh lương thực được đặc biệt coi trọng. Theo dự báo của Liên hiệp quốc, tình hình lương thực khó khăn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước. Bị ảnh hưởng mạnh bởi sự gia tăng chung của giá năng lượng, sự phức tạp của hậu cần do tình hình địa chính trị căng thẳng, hậu quả của đại dịch, cũng như các điều kiện ngoài tầm kiểm soát của con người, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, hạn hán, mưa lũ và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến vụ thu hoạch.
Nga và Ukraine chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất và cung cấp lương thực của thế giới. Nga là nhà cung cấp lúa mỳ lớn nhất cho thị trường quốc tế, trong khi Ukraine là nước xuất khẩu lớn thứ năm. Tỷ trọng tổng hợp của hai quốc gia trong nguồn cung đại mạch trên thế giới là 19%, lúa mỳ - 14%, ngô - 4% và do đó, hai nước này chiếm hơn một phần ba xuất khẩu lúa mỳ thế giới. Các quốc gia này đứng đầu thế giới về cung cấp dầu hạt cải, chiếm 52% thị trường dầu hướng dương. Nga chiếm vị trí hàng đầu trong thị trường toàn cầu tập trung cao về phân bón.
Tình hình giá cả lương thực
Thống kê giá cả cho thấy mức tăng giá lương thực từ giữa năm 2020 đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2 năm 2022. Như vậy, vào năm 2021, lúa mỳ và lúa mạch đã tăng 31%. Giá dầu hạt cải và dầu hướng dương tăng hơn 60%.
Các nhà kinh tế đang gióng lên hồi chuông cảnh báo: giá cả tăng mạnh sẽ có tác động tiêu cực đến ngân sách công và làm trầm trọng thêm vấn đề đói kém trên thế giới. Giá đã đạt mức chưa từng thấy vào khoảng 14 năm trước trong cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu và đã vượt qua mức cao gây ra Mùa xuân Arab một thập kỷ trước. Trong bối cảnh hoạt động đặc biệt của Nga ở Ukraine, giá lúa mỳ đã tăng lên mức cao kỷ lục.
Kể từ năm 2021, giá năng lượng đã tăng gấp đôi, giá thực phẩm tăng 31%. Ayhan Kouz, Giám đốc Nhóm Triển vọng phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: “Các thị trường hàng hóa đang trải qua một trong những cú sốc nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ do cuộc xung đột ở Ukraine. Việc tăng giá lương thực và năng lượng sẽ gây ra những hậu quả về mặt nhân đạo và kinh tế. Giá cả hàng hóa tăng sẽ làm trầm trọng thêm áp lực giá cả, vốn đã cao trên toàn thế giới”. Theo WB, năm nay, giá lúa mỳ có thể sẽ tăng hơn 40% và đạt mức kỷ lục. Giá tăng sẽ gây áp lực mạnh lên các nước đang phát triển phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mỳ. 5 quốc gia nhập khẩu lúa mỳ hàng đầu vào năm 2021 là Ai Cập - 13,0 triệu tấn; Indonesia - 10,5 triệu tấn; Trung Quốc - 10,5 triệu tấn; Thổ Nhĩ Kỳ - 8,2 triệu tấn; Philippines - 6,8 triệu tấn.
Sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng ngũ cốc và hạt có dầu từ Ukraine và Nga, cũng như các hạn chế xuất khẩu áp đặt đối với Nga, sẽ có tác động đáng kể đến an ninh lương thực. Trước hết, điều này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 50 quốc gia nhập khẩu hơn 30% ngũ cốc từ Nga và Ukraine. Nhiều quốc gia trong số này nằm ở Bắc Phi, châu Á và Trung Đông. 1,6 tỷ người tại 94 quốc gia bị ảnh hưởng bởi ít nhất một khía cạnh của cuộc khủng hoảng và khoảng 1,2 tỷ người trong số họ sống ở các quốc gia dễ bị tổn thương nghiêm trọng bởi cả ba khía cạnh: lương thực, năng lượng và tài chính.
Trong khi đó, nông dân Mỹ lo lắng về hạn hán và Trung Quốc đối mặt với vụ thu hoạch thấp lịch sử. Vào ngày 14 tháng 3 năm 2022, một phần đáng kể xuất khẩu lúa mỳ thế giới đã bị ngừng lại do việc đóng cửa các cảng Biển Đen (Odessa, Novorossiysk). Xuất khẩu của Nga cũng bị ngừng trệ. Các hãng vận tải không muốn đưa tàu vào vùng chiến sự. Giá lúa mỳ của Mỹ tăng 72% so với một năm trước.
Theo UNCTAD (Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển), 25 quốc gia châu Phi nhập khẩu hơn một phần ba lượng lúa mỳ từ Nga và Ukraine. Theo dữ liệu hiện có, có một sự gia tăng mạnh về nạn đói. Chương trình Lương thực Thế giới ước tính rằng chỉ trong hai năm qua, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi từ 135 triệu người (trước đại dịch) lên 276 triệu người. Tuy nhiên, tác động của cuộc xung đột ở Ukraine dự kiến sẽ làm tăng con số này lên 323 triệu người vào năm 2022.
Các mối đe dọa thực sự đến từ đâu?
Ngoài ra còn có câu hỏi về sự leo thang giả tạo của tình hình. Tổng thống Ukraine Zelensky đã tham gia từ xa Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La tại Singapore. Ông đặc biệt đề cập đến nguy cơ xảy ra nạn đói ở các nước châu Á và châu Phi do việc ngừng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Đại diện của Nga không tham gia hội nghị này. Cần lưu ý rằng sau bài phát biểu của ông Zelensky tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế ở Davos, phái đoàn Trung Quốc đã không vỗ tay và rời khỏi hội trường.
Theo những gì đang diễn ra hiện nay, hơn 23 triệu tấn ngũ cốc và hạt có dầu vẫn còn ở trong các cơ sở lưu trữ của Ukraine, hơn 60 nghìn tấn ngô, đậu nành và hạt hướng dương chuẩn bị cho xuất khẩu, nhưng bị chặn tại các cảng do số lượng lớn mìn được đặt trên biển bờ biển. Việc giải phóng các cảng sẽ giúp cho việc xuất khẩu lúa mỳ, từ đó giúp giảm giá thành. Nga tuyên bố sẵn sàng đảm bảo an toàn cho các tàu vận chuyển lúa mì từ các cảng bị phong tỏa ở Ukraine. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các sản phẩm nông nghiệp của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ, theo yêu cầu của Liên hiệp quốc, đề xuất hộ tống các đoàn tàu biển chở ngũ cốc từ các cảng Ukraine. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được mua lúa mỳvới giá thấp hơn 25% so với giá thế giới.
Trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ, nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với lãnh đạo các nước Đông Nam Á. Các vấn đề kinh tế hiện đang gay gắt nhất, nhưng Tổng thống Mỹ muốn tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để ngăn chặn Trung Quốc và lôi kéo các nước ASEAN tham gia vào cuộc chiến trừng phạt chống lại Nga. Nhưng các nước châu Á, bất chấp mối quan hệ không rõ ràng với Trung Quốc, sẽ không từ bỏ những lợi ích của hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Hành động vì an ninh lương thực
Vào ngày 14 tháng 3 năm 2022, Chính phủ Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu tạm thời đối với đường và ngũ cốc. Lệnh cấm ngũ cốc áp dụng đối với lúa mỳ, lúa mạch đen, lúa mạch và ngô để bảo vệ thị trường lương thực trong nước khỏi những hạn chế từ bên ngoài.
Liên hiệp quốc có kế hoạch thành lập hai nhóm đặc nhiệm để đảm bảo “sự an toàn cho xuất khẩu thực phẩm của Ukraine qua Biển Đen” và đảm bảo “việc tiếp cận không bị cản trở đến các thị trường thế giới đối với thực phẩm và phân bón của Nga”.
Cuộc khủng hoảng đã nhấn chìm tất cả các quốc gia và châu lục và không một quốc gia nào có thể giải quyết một mình. Vấn đề này đã được thảo luận trong diễn đàn của Tổ chức Hồi giáo vì An ninh lương thực. Tổ chức bao gồm 34 quốc gia Hồi giáo. Các hoạt động của nó nhằm mục đích phát triển nông nghiệp và cải thiện an ninh lương thực trong thế giới Hồi giáo.
Các quốc gia thế giới Hồi giáo đã đồng ý về các nguyên tắc an ninh lương thực và ký một bản ghi nhớ tương ứng. Các lĩnh vực hứa hẹn mà các nước EAEU sẽ thiết lập hợp tác với Tổ chức Hồi giáo vì An ninh lương thực hiện đã được biết đến. Trong số các quyết định được đưa ra là miễn giảm thuế quan dưới hình thức miễn thuế nhập khẩu đối với thực phẩm và hàng hóa được sử dụng trong sản xuất (khoai tây, hành, tỏi, bắp cải, cà rốt, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, nước trái cây, bột ca cao, tinh bột, v.v.); tiêu chuẩn hóa công việc nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường nội bộ của các quốc gia thành viên, bao gồm khả năng đưa ra các biện pháp chung liên quan đến xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp (lúa mỳ và meslin, lúa mạch, ngô, dầu hướng dương và đường) ra bên ngoài lãnh thổ của liên minh, có tính đến sản lượng dư thừa và tiêu dùng của hàng hóa tương ứng; tạm thời không áp dụng biện pháp chống bán phá giá liên quan đến thuốc diệt cỏ nhập khẩu vào lãnh thổ của Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Sự gián đoạn của chuỗi sản xuất và hậu cần quốc tế, sự phá hủy luật pháp quốc tế, tình hình chính trị hiện nay trên thế giới và các lệnh trừng phạt đối với Nga và Belarus là những trở ngại đối với an ninh lương thực toàn cầu, theo quyết định của các đại biểu tại hội nghị của Ủy ban Kinh tế Á-Âu. Các biện pháp trừng phạt đã cách ly Nga và Belarus khỏi Liên minh châu Âu, vốn chiếm một nửa lượng xuất khẩu của EAEU.
Sergey Glazyev, thành viên của Hội đồng Hội nhập và Kinh tế vĩ mô của EEC, lưu ý sự cần thiết phải có một thay đổi cơ bản trong quan hệ kinh tế và thương mại quốc tế: “Chúng tôi đặt cho mình nhiệm vụ phát triển không gian thương mại Á-Âu. Chúng tôi suy nghĩ về cách phát triển một hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế mới không thể bị trừng phạt”.
Tổ chức FAO đang xem xét cách cải thiện hệ thống thông tin thị trường lương thực để các quốc gia có thể nhận được dữ liệu cần thiết trong thời gian thực. Tổ chức này cũng kêu gọi thành lập quỹ nhập khẩu lương thực để giúp các nước thu nhập thấp đối phó với tình trạng giá cả tăng cao.
Dự báo
Lần đầu tiên sau bốn năm, sản xuất ngũ cốc toàn cầu sẽ giảm thay vì tăng vào năm 2022, theo Tổ chức FAO. Trong bối cảnh tiêu thụ ngũ cốc gia tăng, việc sản xuất ngũ cốc thô và gạo được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ giảm. Mặc dù vậy, dự trữ ngũ cốc toàn cầu dự kiến sẽ tăng, mặc dù ở mức khiêm tốn, vào năm 2022 và sản lượng ngô tăng kỷ lục. Đồng thời, nhu cầu về dầu thực vật sẽ vượt quá sản lượng. Sản lượng thịt dự kiến sẽ giảm ở Argentina, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Nhưng nhờ sản lượng thịt lợn của Trung Quốc (tăng 8%), xuất khẩu thịt toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,4%. Số lượng đàn bò sữa giảm sẽ kéo theo sản lượng sữa giảm. Sản lượng đường sẽ tăng ở Ấn Độ, Thái Lan và EU. Xuất khẩu thủy sản và thu nhập từ đánh bắt được dự báo sẽ tăng 2,8%, mặc dù sản lượng giảm.
Chuyên gia Sergey Glazyev cho biết, các nguồn lực và công nghệ có sẵn trên thế giới cho phép sản xuất thực phẩm cho 20 tỷ người, gấp đôi dân số của hành tinh. Vấn đề nằm ở sự phân phối công bằng các nguồn thực phẩm này.
Ngày 19-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đối với ngũ cốc của Nga để đạt được tiến bộ trong việc xuất khẩu nông sản của Ukraine, hiện đang bị kẹt trong nước kể từ khi Điện Kremlin phát động cuộc tấn công vào nước này. “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, nhưng với điều kiện tất cả các hạn chế liên quan đến việc xuất khẩu ngũ cốc của Nga qua đường hàng không được dỡ bỏ”, Tổng thống Nga nói tại cuộc họp thượng đỉnh ba bên ở Tehran vừa qua.
Theo AFP, cũng trong ngày 19-7, Ủy ban Châu Âu đã đề nghị các nước thành viên EU giải tỏa “một số khoản tiền” từ các ngân hàng Nga đang bị phong tỏa do các lệnh trừng phạt của EU, để giúp khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu các nông sản và thực phẩm, bao gồm lúa mì và phân bón. Biện pháp này có thể được khối 27 nước châu Âu thông qua dễ dàng.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Phi chỉ trích tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đối của EU với thương mại, có thể khiến tình trạng thiếu lương thực trở nên trầm trọng hơn. Về phần mình, EU, vốn cho rằng trách nhiệm nằm ở hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine và việc phong tỏa các cảng Biển Đen, cho đến nay vẫn phủ nhận rằng các lệnh trừng phạt của họ ảnh hưởng đến thương mại lương thực. Nga đã nhiều lần phản ứng lại những cáo buộc này.
https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/tim-loi-thoat-cho-cuoc-khung-hoang-luong-thuc-i661661/https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/tim-loi-thoat-cho-cuoc-khung-hoang-luong-thuc-i661661/