Từng chật vật để sống, Sĩ Đức Quang rồi cũng nhận ra "Cứ làm tốt công việc của mình thì vẫn có thể tồn tại được’”.
Trong số 75 người đạt chuẩn chức danh giáo sư năm nay, Sĩ Đức Quang (sinh năm 1981), giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là người trẻ nhất.
Đây là cột mốc quan trọng và cũng là niềm tự hào, nhưng anh quan niệm: “Chức danh này trên con đường làm khoa học chắc chắn chúng ta sẽ đi đến trong một lúc nào đó. Song điều nhà khoa học đáng làm là không thể vì một chức danh mà thay đổi cả con đường đi ấy”.
Cậu học trò chuyên văn rẽ sang "nghiệp toán"
Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, Quang là con út và cũng là người duy nhất được đi học “đến nơi đến chốn”. Ở tuổi 11, cậu có tư duy thích học. Được người bạn thân cùng lớp cho mượn chồng tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, Quang thích thú nghiền ngẫm từng trang.
Vốn ở trong đội tuyển môn Ngữ văn, nhưng những con số thú vị và cả những câu chuyện trong các cuốn tạp chí lại khiến cậu cảm thấy mê mẩn.
“Đó là lý do tôi quyết tâm thi vào lớp chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình)” – giảng viên tuổi 38 chia sẻ.
Sĩ Đức Quang là giáo sư trẻ nhất trong 75 người được công nhận chức danh này của năm 2019. Ảnh: Thuý Nga
Nhờ vào thành tích đoạt giải Nhì trong kỳ thi HSG quốc gia môn Toán, Quang được tuyển thẳng vào lớp Cử nhân Sư phạm chất lượng cao của Khoa Toán – Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Mong ước duy nhất lúc bấy giờ của chàng sinh viên là được tiếp tục học Toán và nghiên cứu về Toán.
"Toán học luôn đẹp đẽ"
Trong những lần đọc cuốn tạp chí về toán học, Quang luôn thần tượng các bài viết của các bậc “đàn anh” như Lê Quang Nẫm – người từng giành Huy chương vàng Châu Á Thái Bình Dương, hay Vũ Việt Anh – người từng giành Huy chương vàng Toán quốc tế (IMO) năm 1998.
Tình cờ, vào cuối năm nhất đại học, trong một đợt seminar ở khoa, Quang lại được chính “người thầy” Vũ Việt Anh này giảng dạy về Đa tạp khả vi, một đối tượng đẹp đẽ nhất trong Hình học vi phân.
“Có lẽ đó là những điều đẹp đẽ nhất về Toán học mà tôi từng được học đến thời điểm ấy. Chính vì vậy tôi đã quyết định chọn Hình học là bộ môn nghiên cứu về sau này”.
Học tại lớp Cử nhân Sư phạm chất lượng cao, các giáo sư của khoa có ý tưởng rõ ràng về việc phát triển đội ngũ nghiên cứu. Những sinh viên có tài năng như Quang đều được tập hợp để đào tạo định hướng nghiên cứu từ khá sớm.
“Chúng tôi đi học bấy giờ không phải vì điểm chác mà là để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu. Chúng tôi sớm có một nền móng và xác định cho mình con đường đi trong tương lai sẽ là nghiên cứu khoa học”.
Vì vậy, năm 2003, sau khi tốt nghiệp đại học, Sĩ Đức Quang được giữ lại khoa và tiếp tục học lên cao học. Học xong thạc sĩ, anh lên đường sang Nhật làm nghiên cứu sinh.
Sau khi bảo vệ luận án Tiến sỹ Toán học ở Đại học Tokyo, anh trở về nước một thời gian rồi đi làm hậu Tiến sỹ tại viện Toán học Oberwolfach, Cộng hòa Đức. Năm 2013, anh sang Pháp và bảo vệ Tiến sĩ Habilitation à diriger des recherches tại Đại học Université de Bretagne Occidentale, Cộng hòa Pháp.
Đức Quang quyết định trở về Việt Nam với mong muốn được nghiên cứu sâu hơn về Toán lý thuyết và đóng góp cho sự phát triển của trường đại học - nơi mình đã ra đi.
“Đối với ngành Toán, đặc biệt là Toán lý thuyết không quá khắt khe về điều kiện nghiên cứu. Tất nhiên ở nước ngoài sẽ thuận lợi hơn cho việc hợp tác quốc tế, gặp gỡ các chuyên gia và trao đổi ý tưởng. Nhưng khi quay về nước, tôi nghĩ bản thân cũng có thể xây dựng được điều gì đó của riêng mình, đóng góp thiết thực cho trường đại học của mình và cho cộng đồng. Vậy nên tôi không có băn khoăn gì khi trở về”, tân giáo sư cho biết.
Cũng như nhiều nhà khoa học trẻ khác, giai đoạn đầu về nước, GS Quang cũng từng bị “hẫng” giữa những khoảng cách nghiên cứu. Trở về là một nhà khoa học thuần tuý, anh cũng phải chật vật để đảm bảo điều kiện sống bằng nguồn thu nhập từ trường đại học.
“Khi ấy tôi khá sốc và tự hỏi: ‘Nếu mình cứ tiếp tục làm nghiên cứu như thế này liệu có tồn tại được không?’”.
May mắn đến khoảng năm 2012, chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 bắt đầu đi vào vận hành và các nhà nghiên cứu bắt đầu được hỗ trợ từ đó.
Chương trình đầu tiên là thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. GS Quang là một trong những người đầu tiên hưởng lợi từ chương trình ấy với những khoản phụ cấp đủ để đảm bảo cho cuộc sống nghiên cứu viên. Song song với đó còn có các quỹ, chương trình hỗ trợ khác nhau. Những thứ ấy đã đảm bảo giúp các nhà nghiên cứu sống được bằng làm khoa học.
“Vượt qua quãng thời gian đó, tôi rút ra được một điều là: ‘Cứ làm tốt công việc của mình thì dù ở bất kỳ lĩnh vực nào mình vẫn có thể tồn tại được’”.
Mong ước của người làm khoa học
Say mê với Toán lý thuyết, GS Quang luôn tâm đắc lời dạy của các thầy trong khoa: “Trong Toán học chứa đựng cả những tư tưởng Triết học”, “Tính Triết học trong Toán học luôn cao”.
Vì vậy, anh luôn say mê đi kiếm tìm những vẻ đẹp trong môn Toán. “Giống như trong hội họa có một đại danh họa là Leonardo da Vinci. Mặc dù có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao nhưng Leonardo da Vinci luôn tự coi mình là một nhà khoa học hơn là một họa sĩ.
Hội họa của ông có rất nhiều yếu tố toán học trong đó, ví dụ như các nguyên tắc toán học của phối cảnh tuyến tính - các đường song song, đường chân trời và điểm vô cùng. Như vậy, toán học không hề khô khan, ngược lại có tính mỹ thuật rất đẹp”.
Theo GS Quang, toán học không phải là môn trực tiếp mang đến lợi ích hay và có tính ứng dụng tức thời, nhưng nó liên quan đến tất cả các ngành khoa học ứng dụng khác để sinh ra sản phẩm.
Vì vậy, anh luôn có mong muốn làm điều gì đó giúp học sinh phổ thông hiểu được tầm quan trọng của toán trong sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung.
GS Quang luôn say mê đi kiếm tìm những vẻ đẹp trong môn Toán
Dành trọn thời gian cho nghiên cứu, nhưng GS Quang khẳng định,“cuộc sống của dân Toán không hề khô khan như mọi người vẫn tưởng”.
“Khi nghiên cứu ở bậc cao hơn, không phải lúc nào tôi cũng ngồi trong phòng làm việc. Muốn nghiên cứu khoa học cần phải có sự sáng tạo. Muốn sáng tạo thì cần một chút tự do và một chút lãng mạn. Cho nên, những lúc áp lực tôi thường đọc tiểu thuyết của Jack London hay những truyện dã sử”.
Trong anh, môn Toán lúc nào cũng rất đẹp, giống như những câu thơ của GS. Văn Như Cương:
“Em ơi trong Toán nhiều công thức
Cũng đẹp như hoa lại chẳng tàn”.
Trở thành giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2019, GS Sĩ Đức Quang dự định vẫn sẽ tiếp tục đi theo con đường mình đã vạch để đóng góp cho cộng đồng khoa học.
Trong quãng thời gian còn học tập tại Nhật, GS Quang luôn cảm thấy ngưỡng mộ cộng đồng Toán học tại đây rất mạnh, đa ngành và ngành nào cũng có những chuyên gia hàng đầu. Ngoài ra, việc giao lưu kết nối giữa các ngành, các đơn vị, trường, viện tại đây cũng rất dễ dàng.
“Ví dụ khi tôi đi dự một seminar hàng tuần ở Đại học Tokyo, các giáo sư từ các trường Đại học khác, có khi ở tận Nagoya, Kyoto đến rất đông. Còn ở Việt Nam, cộng đồng Toán học không nhiều như vậy và sự liên kết trong cộng đồng cũng khá khó khăn do điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất.
Trong khi, bản thân ngành toán lý thuyết có thể hỗ trợ cho toán ứng dụng, từ toán ứng dụng có thể hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác. Cho nên, chỉ khi có sự kết nối, chúng ta mới có thể có sự phát triển đồng bộ được”, GS Quang khẳng định.
Thúy Nga
5 giáo sư trẻ nhất Việt Nam là ai? GS Phạm Hoàng Hiệp, Phan Thanh Sơn Nam, Phan Diệu Quang, Trần Đình Thắng, Phùng Hồ Hải là 5 giáo sư (GS) trẻ nhất Việt ... |
Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2017 mới 36 tuổi Người trẻ tuổi nhất được phong giáo sư năm 2017 là ông Phạm Hoàng Hiệp (sinh năm 1982) thuộc Viện Toán học, Viện Hàn lâm ... |