Sau vụ khủng bố khiến hơn 250 người thiệt mạng tại Moscow, cả Nga và tình báo Mỹ đã xác nhận chính Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) chịu trách nhiệm vụ tấn công này.
- Xét xử nghi phạm tấn công khủng bố ở Moskva
- Nga kết thúc chiến dịch giải cứu vụ khủng bố ở Moskva
- Nhân chứng vụ khủng bố Moscow kể lại giây phút sinh tử
Từng là một trong bốn tổ chức nguy hiểm nhất thế giới
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) là một nhánh của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). "Khorasan" là tên cũ của một khu vực từng bao gồm một phần của Iran, Turkmenistan và Afghanistan. Nhóm này nổi lên ở khu vực Đông Afghanistan từ cuối năm 2014 và khét tiếng về mức độ tàn bạo.
Theo The Conversation, IS-K là nhánh chính thức của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoạt động ở Afghanistan, được thủ lĩnh của IS ở Iraq và Syria công nhận.
Trong một thời gian ngắn, IS-K đã ủng cố quyền kiểm soát lãnh thổ ở một số quận nông thôn ở phía bắc và đông bắc Afghanistan, đồng thời phát động chiến dịch tấn công đẫm máu ở khắp Afghanistan và Pakistan. Trong vòng 3 năm đầu, nhóm này đã tấn công các nhóm thiểu số, các khu vực công cộng, các tổ chức và nhiều mục tiêu của chính phủ tại các thành phố lớn ở hai quốc gia này.
Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo - Khorasan tại trại huấn luyện Sheikh Jalaluddin (Afghanistan) (Ảnh: Facebook).
Đến năm 2018, IS-K đã trở thành một trong bốn tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP).
Tuy vậy, trước các chiến dịch tấn công do Mỹ và liên quân thực hiện, IS-K chịu những tổn thất lớn về lãnh thổ và mất đi nhiều thủ lĩnh cấp cao, đỉnh điểm là việc hơn 1.400 chiến binh cùng gia đình của họ đầu hàng chính phủ Afghanistan vào cuối năm 2019 và đầu năm 2000, tổ chức này được cho là đã bị đánh bại.
Do đó, tuy từng là một tổ chức con tích cực nhất của IS nhưng IS-K chứng kiến số lượng thành viên giảm kể từ khi đạt đỉnh điểm vào khoảng năm 2018.
Mỹ cho biết khả năng phát triển thông tin tình báo chống lại các nhóm cực đoan ở Afghanistan như IS-K đã bị suy giảm kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này vào năm 2021.
IS-K tuyển quân từ đâu?
IS-K ban đầu bao gồm hàng trăm chiến binh Taliban tại Pakistan từng tị nạn trên khắp biên giới Afghanistan sau các chiến dịch quân sự không thành.
Nhưng nhóm này đã dung nạp nhiều phần tử cực đoan khác, trong đó có cả chiến binh của Taliban tại Afghanistan bất mãn với đường lối ôn hòa của đội ngũ lãnh đạo. Khi Taliban theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều phần tử bất đồng quan điểm gia nhập IS-K khiến số lượng thành viên của IS-K ngày một đông hơn.
Sau đó, nhóm này tiếp tục thu hút lượng lớn thành viên từ Phong trào Hồi giáo của Uzbekistan, các phần tử cực đoan tại một tỉnh có đông người Hồi giáo dòng Sunni tại Iran.
Ngoài ra, IS-K còn lôi kéo nhiều đối tượng khác với hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan của IS, đặc biệt là lời hứa xây dựng một "vương quốc Hồi giáo" để thống nhất thế giới Hồi giáo – một mục tiêu chưa bao giờ được Taliban ủng hộ.
Đầu năm nay, vị tướng hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông đã cảnh báo nguy cơ IS-K có thể tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây bên ngoài Afghanistan "chỉ trong sáu tháng và có rất ít hoặc không có cảnh báo trước".
Tại Nga, hãng tin Reuters nhận định những năm gần đây, nhóm này gia tăng thái độ phản đối Tổng thống Nga Vladimir Putin và cuộc tấn công của IS-K tại trung tâm thương mại Crosco, thủ đô Moscow vừa qua là một sự leo thang đáng kể.
Cháy lớn tại trung tâm thương mại Crocus sau vụ tấn công của nhóm IS-K (Ảnh: Reuters).
Ông Colin Clarke thuộc Trung tâm Soufan, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết: "IS-K đã tập trung vào Nga trong hai năm qua và thường xuyên chỉ trích ông Putin".
Còn theo ông Michael Kugelman thuộc Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, IS-K nghi ngờ Nga tham gia các hoạt động không có lợi cho người Hồi giáo.