Mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger, có thể bao gồm sử dụng vũ lực, sẽ được thực hiện - Tối hậu thư đanh thép của Khối Cộng đồng kinh tế 15 quốc gia Tây Phi (ECOWAS) với thời hạn 7 ngày được đưa ra không khoan nhượng, báo hiệu những ngày đầy biến động phía trước với Niger, và với châu Phi.
- Lo ngại “bóng đen” đảo chính trở lại Tây Phi
- Rộ tin đảo chính tại Niger, Tổng thống bị cận vệ khống chế
Điều kiện đã được nêu rõ với nhóm đảo chính ở Niger, sau khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị bắt giữ và phế truất vào tuần trước bởi lực lượng cận vệ nước này. Các biện pháp trừng phạt và thậm chí việc sử dụng vũ lực sẽ được thực hiện nếu những nhân vật lãnh đạo cuộc đảo chính ở quốc gia Tây Phi này không phục hồi chức vụ cho Tổng thống.
Đây là quyết định được ECOWAS đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra ở Nigeria hôm 30/7 (giờ địa phương) nhằm thảo luận về bất ổn chính trị tại Niger. ECOWAS yêu cầu ngay lập tức trả tự do và khôi phục quyền lực cho Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum. Tuyên bố chung của hội nghị nêu rõ: “Trong trường hợp các yêu cầu đối với chính quyền (quân sự Niger) không được đáp ứng trong vòng 1 tuần, ECOWAS sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger. Các biện pháp đó có thể bao gồm sử dụng vũ lực. Để đạt kết quả này, tham mưu trưởng quân đội các thành viên ECOWAS sẽ lập tức nhóm họp”.
Cùng ngày, ECOWAS và Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi gồm 8 thành viên đồng thời cho biết biên giới với Niger sẽ bị đóng cửa ngay lập tức, các chuyến bay thương mại bị cấm, các giao dịch tài chính bị tạm dừng, tài sản quốc gia bị đóng băng và viện trợ chấm dứt. Các quan chức quân sự liên quan đến cuộc đảo chính sẽ bị cấm đi lại và tài sản của họ bị đóng băng. Liên minh châu Phi (AU) cũng đưa ra một tối hậu thư tương tự, đe dọa trừng phạt nếu chính quyền quân sự của Niger từ chối rút lui trong 15 ngày.
Đây không phải phản ứng gay gắt duy nhất được đưa ra nhắm vào nhóm đảo chính Niger. Trước đó, khi Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger từ năm 2011, tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi trong giai đoạn chuyển tiếp, các nước láng giềng và các đối tác quốc tế bao gồm Mỹ, Liên Hợp Quốc, AU, Liên minh châu Âu (EU) và Pháp đã đồng loạt lên án mạnh mẽ, từ chối công nhận các nhà lãnh đạo mới do nhân vật này đứng đầu. Trong diễn biến mới nhất, Điện Elysee ngày 31/7 ra cảnh báo sẽ đáp trả bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào công dân, quân đội, nhà ngoại giao cũng như lợi ích của Pháp tại Niger.
Trước đó, EU và Pháp đã ra thông báo đình chỉ ngay lập tức mọi khoản viện trợ phát triển cho Niger. Mỹ cảnh báo sẽ thực hiện động thái tương tự trong tương lai. Trên thực tế, Niger là nước nhận viện trợ chính từ phương Tây và là đối tác chính của Liên minh châu Âu trong ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp từ khu vực châu Phi cận Sahara. Tại Niger có căn cứ quân sự của Pháp và Mỹ, tiền đồn hậu cần của Đức.
Tuy nhiên, Thủ tướng Niger dưới thời chính phủ của Bazoum, ông Ouhoumoudou Mahamadou, hôm 31/7 bày tỏ lo ngại các biện pháp trừng phạt của ECOWAS sẽ khiến Niger đương đầu thảm họa vì nước này phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác quốc tế để trang trải các nhu cầu ngân sách của mình. Theo Ngân hàng Thế giới, Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhận được gần 2 tỷ USD hỗ trợ phát triển chính thức mỗi năm.
Chính vì thế, giải pháp đàm phán và hòa giải vẫn đang là sự lựa chọn được châu Phi thực hiện song song để giải quyết khủng hoảng chính trị tại Niger, ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng lan rộng ra toàn bộ khu vực Tây Phi. Ngày 30/7, người phát ngôn chính phủ Cộng hòa Chadxác nhận Tổng thống nước này Mahamat Idriss Deby Itno đã tới Niger để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng sau cuộc đảo chính.
Trong diễn biến mới nhất, Reuters cho biết Tổng thống Cộng hòa Chad đã trao đổi với các nhân vật lãnh đạo quân sự tiến hành vụ đảo chính ở Niger và sau đó thông báo lại các nội dung trao đổi cho Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, Chủ tịch ECOWAS. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng kiên trì kêu gọi đối thoại và thiết lập sự ổn định tại Niger. Khẳng định là một đối tác của chính phủ được bầu cử một cách dân chủ tại Niger, Anh kêu gọi các lực lượng quân sự lập tức phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum để khôi phục trật tự hiến pháp.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nhấn mạnh nước này cùng với ECOWAS và các nhà lãnh đạo khu vực kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Niger và gia đình của ông, khôi phục tất cả các chức năng của nhà nước cho chính phủ hợp pháp, được bầu cử dân chủ. Nga cũng lên án cuộc đảo chính là một "hành động vi hiến” và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế sử dụng vũ lực.
Mặc dù vậy, giới quan sát lo ngại các động thái trừng phạt nhằm vào Niger vẫn chưa đủ để giải quyết bất ổn, nhất là khi người phát ngôn của ban lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự tại Niger, Đại tá Amadou Abdramane cáo buộc ECOWAS lên kế hoạch xâm lược Niger, đồng thời khẳng định quyết tâm “bảo vệ đất nước” của chính quyền mới. Những biến động chính trị tại quốc gia Tây Phi này có thể sẽ trở thành bất ổn khó giải quyết của khu vực, nếu như các biện pháp trừng phạt hay đối thoại không đạt hiệu quả trong thời gian tới.
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/toi-hau-thu-truoc-am-muu-dao-chinh-o-niger-i702262/