Ông Nguyễn Văn Ba, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho biết, ngoài trốn thuế, Asanzo còn có dấu hiệu vi phạm về nhãn hiệu.
Chiều 24/10, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tổ chức họp báo chuyên đề thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2019.
Tại buổi họp, trả lời câu hỏi báo chí liên quan đến Tập đoàn Asanzo, ông Nguyễn Văn Ba - Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan nói: "Vụ Asanzo rất nóng bỏng. Về việc này, Tổng cục Hải quan có căn cứ và xác định hai dấu hiệu vi phạm của Công ty CP Tập đoàn Asanzo. Đó là công ty này xâm phạm sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và tội trốn thuế. Tổng cục Hải quan sẽ có họp báo riêng để công bố chứng cứ và tài liệu đã thu thập được".
Ông Nguyễn Văn Ba - Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan. |
Ngày 16/10, Cục thuế TP.HCM ký Quyết định 3731/QĐ-CT-TT-CHS chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế đối với Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo (MST: 0314074316) cho Công an TP.HCM và Bộ Công an.
Văn bản của Cục Thuế TP.HCM gửi cơ quan công an ghi rõ trong trường hợp cơ quan điều tra khởi tố vụ án, cơ quan điều tra thông báo cho cơ quan thuế để thu hồi quyết định phạt vi phạm hành chính về thuế.
Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo cho rằng, đây thực chất là báo cáo của Cục thuế TP.HCM đối với Cơ quan điều tra. Việc cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, theo ông Tam là "điều bình thường". "Cũng giống như trước đây, cơ quan hải quan hay các bộ ngành khác tiến hành thanh, kiểm tra đối với hoạt động của Asanzo cũng đều có báo cáo với cơ quan công an", ông Tam cho biết.
Tháng 6/2019, Asanzo vướng nghi án gian lận xuất xứ hàng hóa từ loạt bài điều tra của báo Tuổi Trẻ. Thông tin này khiến Asanzo gặp khủng hoảng nhanh chóng trong hoạt động kinh doanh. Theo thống kê, công ty này thiệt hại gần 1000 tỷ đồng sau các cáo buộc về kinh doanh gian dối.
Trước nghi án Asanzo gian lận xuất xứ hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh tại Công ty Asanzo.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin Công ty Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn “xuất xứ Việt Nam” để bán ra thị trường nội địa, làm rõ các vi phạm nếu có để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng tại buổi họp báo chiều nay, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389, cho biết tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng cả nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ việc vi phạm (giảm 18% so với cùng kỳ 2018), thu nộp NSNN đạt 12,3 nghìn tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ 2018), khởi tố 1.635 vụ (tăng gần 40% so với cùng kỳ 2018), với 1.908 đối tượng (tăng 44%so với cùng kỳ 2018).
Asanzo bị phạt và truy thu thuế hơn 68 tỷ đồng |
Bộ KH&CN: "Asanzo là vụ việc rất phức tạp" |
Sharp Việt Nam tố giả mạo và đòi kiện, Asanzo nói hoàn toàn bất ngờ |