Nhiều lực lượng siết chặt kiểm tra, ngưng nhận nguồn heo từ phía Bắc, chuẩn bị nguồn thực phẩm dự trữ.
Sáng 5/3, họp về tình hình kinh tế - xã hội, các sở ngành TP HCM dành nhiều thời gian bàn về giải pháp đối phó dịch tả lợn châu Phi có xu hướng lan rộng ở phía Bắc. Hiện có 202 hộ tại 7 tỉnh thành có dịch, 4.200 con heo bị tiêu hủy.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Phước Trung thông tin, giá heo tại đây đang rẻ, có hiện tượng chuyển heo vào phía Nam. TP HCM dù chưa nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhưng vẫn giả định "đã tiếp nhận" để có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát chặt tại các trạm đầu mối, trục giao thông chính đi các tỉnh và các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối.
Vừa qua, lực lượng chức năng phát hiện 300 con heo từ tỉnh Thái Bình (nơi đang có dịch) chuyển qua thành phố về Vĩnh Long. Nhưng khi kiểm tra thì địa phương cho biết không tiếp nhận số heo này.
"Chúng tôi yêu cầu các lò mổ chỉ nhận heo từ vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Họ đã cam kết, kiểm tra thực tế cũng không thấy nên tương đối yên tâm", ông Trung nói.
Đàn lợn ở Hải Phòng chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. |
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan (Ban an toàn thực phẩm), dịch bệnh không lây cho người, chỉ ảnh hưởng cho đàn heo. Nhưng heo bệnh vào thành phố sẽ có khả năng bị nhiễm khuẩn gây thêm nhiều loại bệnh khác. Trong khi đó TP HCM là thị trường mở, nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra. Virus này có thể tồn tại cả nghìn ngày trong điều kiện đông lạnh, trong xúc xích, thịt nguội...
Ban an toàn thực phẩm đã bố trí lực lượng chốt chặn, kiểm tra nguồn gốc heo (giấy tờ, vòng kiểm soát), kể cả dùng kinh nghiệm thực tế quan sát đặc điểm heo bệnh. "Đến giờ chưa thấy dịch tả nhưng nhờ siết chặt các điều kiện an toàn thành phố phát hiện heo bị các bệnh khác như tai xanh, lở mồm long móng", bà Lan nói.
Để nắm nguồn hàng chủ động cung cấp cho người dân khi cần thiết, Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên cho biết đã làm việc với 3 nhà cung cấp lớn. Công ty Vissan đã thu mua dự trữ khoảng 3.000 tấn, ngoài ra CP và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng chuẩn bị sẵn hàng nghìn con heo thịt, giống.
Trường hợp dịch xảy ra và có biến động lớn, thành phố sẽ nhập khẩu thịt từ các nước lân cận. Sở Công thương cũng làm việc với các đơn vị chăn nuôi gà để chuẩn bị nguồn hàng, phòng trường hợp người dân lo sợ dịch sẽ chuyển sang ăn thịt gia cầm.
Nhấn mạnh bệnh tả heo Châu Phi gây chết 100% heo mắc dịch, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm yêu cầu các đơn vị cần thực hiện quyết liệt các giải pháp, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh.
Hôm qua, tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND TP HCM đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp cấm vận chuyển lợn từ khu vực có dịch bệnh sang khu vực chưa có dịch; cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam; lập chốt kiểm dịch tại khu vực đèo Hải Vân.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn.
Tính từ năm 2017 đến ngày 18/2 đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), hơn một triệu con buộc phải tiêu hủy. Riêng tại Trung Quốc có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới Việt Nam), tiêu hủy hơn 950.000 con heo.
Hữu Công
Thông tin mới nhất về dịch tả lợn châu Phi trên thế giới Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 26.2.2019, đã có 20 quốc gia báo cáo ... |
Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan trên 6 tỉnh và Hà Nội Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), đến ngày 27.2.2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xâm nhiễm tại 6 tỉnh của ... |