Một người dân ngao ngán nói như vậy về tình trạng ngập nước trầm trọng tại nhiều khu vực trên địa bàn TP HCM dù chỉ mới vào đầu mùa mưa

Ở nhiều tuyến đường, chuyện "chạy" ngập tưởng chừng sẽ hết sau khi công trình chống ngập đưa vào sử dụng. Thế nhưng, sự thật lại hoàn toàn trái ngược nếu không muốn nói ngập càng gia tăng.

Than trời

Cảnh be bờ, tát nước đã tái diễn trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12, TP HCM) sau cơn mưa đổ xuống vào chiều tối 19-5. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, ngụ số 6/3 Nguyễn Văn Quá (phường Đông Hưng Thuận), nói dù đã xây gờ chắn, kê thêm ván gỗ trước cửa nhưng vẫn không ngăn được nước tràn vào nhà. "Mưa tới là sợ và không ai dám đi khỏi nhà vì phải ở lại để canh ngập. Có những hôm mưa đổ xuống lúc nửa đêm, chúng tôi lại phải thức trắng để canh nước. Sống giữa TP HCM mà cứ ngỡ đang ở Đồng Tháp Mười mùa nước nổi" - chị Nga than thở. Theo chị Nga, 3 năm trước thấy đường Nguyễn Văn Quá ngập, các cơ quan chức năng đã thực hiện dự án xây cống hộp để giảm ngập. Để rồi khi dự án hoàn thành thì nghịch lý lại xảy ra. Chẳng những không hết ngập mà ngược lại, nước còn từ dưới cống trào lên, gây ngập nặng hơn.

tp hcm cung co mua nuoc noi

Cảnh tượng này vẫn diễn ra trong cơn mưa tối 19-5 dù TP HCM đã chi hàng vạn tỉ đồng để chống ngập trong suốt chục năm qua Ảnh: SỸ ĐÔNG

Qua ghi nhận thực tế chiều 21-5, tại các miệng cống trên đường Nguyễn Văn Quá, mực nước vẫn ngang lưng chừng mặt đường, không có dấu hiệu rút. Lo lắng nếu mưa tiếp tục đổ xuống, nước không thoát kịp sẽ gây ngập nặng, nhiều hộ dân sống 2 bên đường đã kê sẵn các loại đồ đạc, vật dụng trong nhà lên cao nhằm tránh bị nước tràn vào gây hư hại.

Cách khu vực trên không xa, đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) cũng chung cảnh ngộ khi hễ mưa là ngập. Trận mưa đổ xuống vào chiều tối 19-5 đã biến con đường này thành sông. Nhiều đoạn nước chảy cuồn cuộn như lũ khiến giao thông mất kiểm soát, tê liệt hoàn toàn. "Khổ nhất là lúc các loại ôtô lớn chạy làm nước dồn qua 2 bên đường rồi tràn vào nhà dân. Nhiều hàng quán dựng xe máy trước cửa còn bị sóng đánh ngã rạp, hư hỏng" - anh Nguyễn Mạnh Thắng (34 tuổi; ngụ phường 14, quận Gò Vấp) nói.

Tương tự, đường Nguyễn Xí đoạn gần giao lộ với Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) cũng chịu cảnh ngập nặng sau mỗi trận mưa lớn. Tuy nhiên, khổ sở hơn là nhiều tuyến hẻm đâm ra con đường này khi thường xuyên ngập sâu trong nước. Trong đó có những con hẻm còn chịu nguồn nước đen đặc bởi nhiều ngày không rút. Điển hình là tại hẻm 250 Nguyễn Xí (phường 13, quận Bình Thạnh), khi ghi nhận vào chiều 21-5, nước vẫn ngập sâu chừng 30 cm, bốc mùi hôi nồng nặc dù cơn mưa đã xảy ra 2 ngày trước. Bà con nơi đây cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đường cống thoát nước bị công trình cống hộp mới xây dựng gần đó bịt lại, khiến nước không thể rút và khi mưa lớn, khu vực này càng bị ngập nặng hơn.

Cũng trong tình trạng tương tự, chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, hàng loạt tuyến đường khác trên địa bàn TP HCM như Lê Đức Thọ, Cây Trâm (quận Gò Vấp); Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức); Lê Văn Việt (quận 9)... cũng ngập mênh mông.

Đổ thừa

Các chương trình chống ngập cùng hàng loạt dự án đã được triển khai song ngập úng vẫn chưa được cải thiện hay có thể nói là chuyển từ chỗ này qua chỗ khác. Từ đây, nhiều người đặt câu hỏi rằng hàng ngàn tỉ đồng đổ vào chống ngập tại TP HCM đã giải quyết được những gì?

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước (Trung tâm Chống ngập) TP HCM, cho biết ngập úng tái diễn ở nhiều khu vực tại TP là do thiếu vốn thực hiện các quy hoạch chống ngập. Theo ông Dũng, TP HCM hiện đang thực hiện 2 quy hoạch, gồm Quy hoạch tổng thể thoát nước TP HCM đến năm 2020 (Quy hoạch 752) và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM (Quy hoạch 1.547). Nguồn lực để thực hiện 2 quy hoạch này lên tới 96.329 tỉ đồng. Giai đoạn trước năm 2016 đã có 3 dự án triển khai, với tổng số vốn 22.948 tỉ đồng nên giai đoạn 2016-2020 cần 73.379 tỉ đồng. Dù vậy, tổng số vốn còn thiếu để thực hiện 2 quy hoạch nêu trên vẫn lên tới 46.527 tỉ đồng.

Đặc biệt, theo ông Dũng, một phần việc chống ngập chưa đem lại hiệu quả như mong đợi là do công tác dự báo không lường hết những diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu. Cụ thể, Quy hoạch 752 chỉ tính lượng mưa trong 3 giờ, đạt tối đa 95,91 mm và đỉnh triều 1,32 m. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, tại TP HCM đã xuất hiện 17 trận mưa trên 100 mm, thậm chí lên tới 206,2 mm vào năm 2017 khiến hệ thống thoát nước trở nên lỗi thời.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Chống ngập, lại đổ rằng hầu hết hệ thống cống thoát nước của TP được đầu tư từ thời Pháp, chỉ đáp ứng cho quy mô dân số khoảng 2 triệu người nhưng hiện nay dân số đã tăng lên gấp 5 lần. Kế đến, trong quá trình xây dựng, một số tuyến đường chính được nâng cao đúng cao trình theo quy hoạch (+2.0 m) nhưng đa số nhà dân không có đủ điều kiện để nâng cao cốt nền cho đồng bộ dẫn đến cốt nền nhà thấp hơn đường. Do đó, thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư trong thời gian qua cũng đã trở nên quá tải, gây ngập.

Thiếu chiến lược

Trái ngược với những gì Trung tâm Chống ngập chống chế, không ít các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị khẳng định việc chống ngập của TP chỉ mang tính chất đối phó chứ chưa có một chiến lược chống ngập bền vững. Đơn cử như việc thuê dịch vụ máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng lắm điều oái oăm. Theo đơn vị vận hành là Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung thì hợp đồng mà TP thuê dịch vụ chống ngập chỉ đến số nhà 182 Nguyễn Hữu Cảnh. Do đó, những đoạn ngập trong cơn mưa chiều 7-5 nằm ngoài phạm vi thì không tính trong hợp đồng. Nếu theo cách này thì cho dù người dân bì bõm lội nước, xe chết máy, TP vẫn phải trả tiền cho đơn vị vận hành máy bơm.

Trong khi đó, theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, tình trạng ngập úng ở những khu vực có địa hình cao như quận 12, Gò Vấp... là do hạ tầng không theo kịp sự phát triển của nhà cao tầng, quá trình bê-tông hóa. Những khu vực này chưa được đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ nhưng lại phải "gánh" lượng nước thải quá lớn, dẫn đến quá tải. Vì vậy, ông Sơn cho rằng TP khi cấp phép xây dựng nhà cao tầng tại những khu vực trên nên yêu cầu chủ đầu tư phải giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh... Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm cùng với TP đầu tư hạ tầng để bảo đảm giao thông, chống ngập. Ông Sơn khẳng định các dự án chống ngập tại TP chỉ mang tính chất cục bộ, chưa có sự kết nối nên phải cần có một "nhạc trưởng" để phối hợp các dự án, các quy hoạch này. "Nên khoanh vùng, đặt thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án chống ngập và công khai cho người dân biết và giám sát" - ông Sơn nói.

Càng ngập càng khoái?

Dân TP HCM bảo đảm không ai mà không biết đến dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư.

Sở dĩ nói ai cũng biết là vì ngoài số tiền khủng - 10.000 tỉ đồng, dự án này còn được sự quan tâm rất đặc biệt từ chính quyền TP HCM cũng như trung ương. Ấy vậy mà, vào dịp dự kiến hoàn thành (lễ 30-4 vừa qua), người dân lại bất ngờ nhận được thông tin chủ đầu tư xin tạm dừng đầy trên mặt báo. Lý do được chủ đầu tư đưa ra là do ngân hàng dừng giải ngân cho dự án do UBND TP chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán về giá trị giải ngân để ngân hàng thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Trong khi đó, vốn của chủ đầu tư có hạn nên phải thông báo UBND TP về việc dừng thi công. Nếu thực sự lý do chủ đầu tư đưa ra là đúng thì rõ ràng đang quá xem nhẹ tiền ngân sách được dùng để chống ngập. Một dự án 10.000 tỉ đồng mà cứ xem như vài tỉ bạc nên không kịp thời đốc thúc, không kịp giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nó phải tạm dừng rồi sẽ phải đội vốn. Suy luận đội vốn là hoàn toàn có cơ sở. Bài học tham chiếu ở đây chính là các tuyến metro mà TP HCM đang triển khai. So sánh để lường trước vụ việc, còn xét về chuyện ngân sách "oằn lưng" chống ngập, chuyên gia "vắt óc" đưa ra giải pháp thì lại thấy chuyện chống ngập hình như chỉ có dân và chuyên gia lo, còn cơ quan trực tiếp thực thi xem ra vẫn xem nhẹ.

Chẳng thế mà đã có dư luận nói rằng chống ngập ở TP HCM dân càng la, cơ quan liên quan càng khoái vì có thêm nhiều dự án chống ngập, còn chuyện hiệu quả hay không thì cứ để đó bàn sau. Điển hình cho việc này chính là chuyện năm nào cũng có hàng loạt dự án chống ngập được báo cáo là đã đưa vào sử dụng để giải quyết ngập chỗ này, chỗ khác nhưng thực tế lại... ngập nặng thêm.

Hy vọng, dư luận đang nghi ngờ sai!

Sỹ Gia

GIA MINH - SỸ ĐÔNG - THÀNH ĐỒNG

tp hcm cung co mua nuoc noi TP HCM trưa nắng nóng, chiều tối có mưa rào, coi chừng bị ngập

Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ dự báo trong 3 ngày tới, TP HCM sẽ có nắng nóng vào buổi trưa nhưng ...

tp hcm cung co mua nuoc noi Cử tri TPHCM đề nghị thanh tra Công ty Tân Thuận trong dự án khu đô thị mới Bình Chánh

Cử tri cho rằng, Thanh tra Chính phủ cần thanh tra toàn diện việc thực hiện của Công ty Tân Thuận và liên doanh Phú ...

/ nld.com.vn