Tình trạng ngập sau mưa xảy ra ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM, nặng nhất là khu vực quanh chợ Thủ Đức. Nhiều chuyên gia cho rằng, để chống ngập, TP.HCM cần có bài toán tổng thể và kế hoạch dài hơi.

Ám ảnh vì ngập

Những ngày gần đây, các tiểu thương buôn bán tại chợ Thủ Đức (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) đều thấp thỏm lo lắng. Trời nắng thì họ yên tâm buôn bán tiếp, còn thấy âm u, mây đen kéo đến, ai nấy đều tất tả dọn dẹp, kê đồ đạc lên cao, chuẩn bị đối mặt với ngập.

TP.HCM: Cách nào để thoát cảnh hễ mưa là ngập?- Ảnh 1.

Cửa hàng bán xe đạp, xe đạp điện của chị Hoàng Thị Bình lênh láng nước sau cơn mưa chiều 15/5.

Chị Hoàng Thị Bình, chủ cửa hàng bán xe đạp điện trên đường Lam Sơn (phường Linh Tây, TP Thủ Đức) cho biết, người dân đã quá ngán ngẩm với tình trạng ngập nước dù mùa mưa chỉ mới bắt đầu: "Mặt bằng thì nhỏ, đồ đạc lại nhiều. Cái nào gác được lên cao đã gác hết rồi. Xe đạp điện buộc phải để phía dưới, nước vào ngập hết cả bánh xe nhưng cũng đành chịu. Hết mưa lại lôi xe ra kiểm tra, cái nào không nổ máy được là phải thay".

Tương tự, chị Minh Châu, tiểu thương bán chả lụi, nem nướng trên đường Đặng Thị Rành (phường Linh Tây) thắc mắc: "Không hiểu dự án chống ngập kiểu gì mà trước đây nước mưa chỉ ngập bên ngoài, giờ hoàn thành rồi thì chỉ mưa một lúc là cả khu vực chìm trong biển nước".

Chị cho hay, do thuê mặt bằng để kinh doanh buôn bán nên không thể nâng nền, chỉ có cách kê đồ đạc lên cao. "Nước tràn vào nhà dọn dẹp rất cực, đồ đạc chưa kịp kê lên bị ẩm mốc, hư hỏng. Mùi nước cống hôi tanh, bám lại trong nhà lâu khó chịu lắm. Chưa kể, mưa ngập khách khứa không thể tới ăn, khách đặt qua app cũng không giao được, vất vả đủ đường", chị cho biết.

Chống chỗ này, ngập chỗ khác

Ông Trần Văn Hải, người dân sống trên đường Dương Văn Cam nhận định, hệ thống chống ngập trên đường Võ Văn Ngân có tác dụng trên tuyến đường đó, nước được rút xuống cống, không còn ngập và chảy xiết trên đường. Thế nhưng, lượng nước lại dồn hết về khu vực chợ Thủ Đức. Vì vậy mà chợ Thủ Đức năm nay nước ngập cao hơn, nhiều nhà dân bị ảnh hưởng hơn.

TP.HCM: Cách nào để thoát cảnh hễ mưa là ngập?- Ảnh 2.

Người dân chật vật di chuyển khi đường bị ngập nước (Chụp trên đường Đặng Thị Rành, phường Linh Tây ngày 15/5).

"Kiểu chống ngập cho khu vực này mà đẩy ngập qua chỗ khác rõ ràng không có tác dụng, cơ quan chức năng cần xem lại vấn đề này", ông Hải bức xúc.

Không chỉ khu vực quanh chợ Thủ Đức, rất nhiều tuyến đường ở TP Thủ Đức như đường: Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Hiệp Bình, tỉnh lộ 43, Hồ Văn Tư, quốc lộ 13, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân… cũng bị ngập nặng sau các cơn mưa. Lượng nước ngập tùy từng khu vực, nhiều nơi ngập từ 0,3 - 0,45m, nơi ngập sâu nhất là 0,6m.

Ở các quận, huyện khác, tình trạng ngập do mưa xảy ra thường xuyên ở các tuyến đường như: Phan Anh (quận Tân Phú), Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Hồ Học Lãm (quận Bình Tân)…

Vẫn phải chống ngập cục bộ

Lý giải về tình trạng ngập ở chợ Thủ Đức, ông Mai Hữu Quyết, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, chợ Thủ Đức là khu vực trũng, thấp hơn ngã tư Thủ Đức khoảng 20m và đường Phạm Văn Đồng khoảng 2-3m. Không chỉ vậy, các tuyến đường nối vào chợ rất dốc nên khi mưa lớn sẽ tạo dòng chảy xiết về phía chợ, gây tình trạng ngập. Trong khi đó, hệ thống thoát nước cho khu vực này qua rạch Cầu Ngang rất nhỏ, chỉ khoảng 5m.

Ông Lưu Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quản lý hạ tầng TP Thủ Đức phân tích, đã có dự án nâng cấp các đường xung quanh chợ, nhưng đến nay các dự án chưa triển khai do chưa được bố trí nguồn vốn.

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, cốt nền TP.HCM thấp dần từ Tây Bắc đến Đông Nam. TP Thủ Đức ở phía Đông Nam, thấp hơn các khu vực khác nên cứ mưa xuống là ngập, đặc biệt là ở các chỗ trũng.

"Việc lấp các kênh rạch, bê tông hóa khiến việc thoát nước, ngấm nước bị ảnh hưởng. Nước không thấm được xuống đất, không có hệ thống cống thoát. Nước từ nhà dân cứ thế đổ ra đường, vì vậy mỗi lần mưa thì không đường nào chịu nổi, ngập là đương nhiên", ông Nguyên nhận định.

Nói về giải pháp, theo ông Nguyên, TP.HCM đã rất tập trung sử dụng hết những giải pháp có thể, bỏ ra nhiều công sức, nguồn lực để chống ngập lụt nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn. Cách tốt nhất hiện nay là xử lý chống ngập cục bộ, làm từng chỗ, phát sinh chỗ nào thì chống ngập tiếp chỗ đó.

"Với điều kiện hiện tại, TP chưa đủ năng lực, tài chính, công nghệ, vật liệu để giải quyết dứt điểm nên chỉ có thể chống ngập cục bộ và thích nghi với ngập", ông Nguyên nói.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, giải bài toán chống ngập phải đến từ quy hoạch đô thị. Trong quy hoạch phải dành không gian cho nước và cây xanh. TP.HCM có nhiều hệ thống kênh rạch, cần tận dụng tối đa để giải quyết bài toán thoát nước khi mưa.

Ông Sơn khẳng định, không phải xây đô thị ở khu vực thấp là bị ngập, điển hình như khu Phú Mỹ Hưng, Sala, Vạn Phúc… xây dựng ở những khu đất trước đây toàn dừa nước, cốt nền rất thấp. Nhưng khi xây đô thị, chủ đầu tư thiết kế dành không gian cho nước và cây xanh rất nhiều. Các kênh tự nhiên được tận dụng, nạo vét, vì vậy khi mưa lớn là thoát nước rất nhanh.

https://www.baogiaothong.vn/tphcm-cach-nao-de-thoat-canh-he-mua-la-ngap-19224052322412744.htm

Mỹ Quỳnh / Giao thông