Ba kích là một trong những loại cây dược liệu quý hiếm, được xem như là cây nhân sâm của một số huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ninh. Trong khi củ ba kích đang được xây dựng thương hiệu thì tình trạng thẩm lậu loại dược liệu này từ Trung Quốc đang diễn ra tràn lan tại một số địa bàn biên giới Quảng Ninh.
Ba kích lậu "vượt biên"
Liên tiếp trong những ngày đầu năm 2019, các lực lượng chức năng Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển củ ba kích tươi không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, ngày 15.1, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ hơn 7 tấn củ ba kích tươi không rõ nguồn gốc.
Tang vật và phương tiện vận chuyển 5,1 tấn ba kích. Ảnh: Cục Hải quan Quảng Ninh.
Cơ quan chức năng cho biết, trong khi làm nhiệm vụ tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường phát hiện xe ô tô BKS 15C-264.00, do Đỗ Mạnh Cường, sinh năm 1990, trú tại xã An Tiến, huyện An Lão (TP.Hải Phòng) điều khiển đang vận chuyển 7.060 kg củ ba kích tươi.
Chỉ sau đó 2 ngày, vào rạng sáng 17.1, Đội Kiểm soát số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 5,1 tấn củ ba kích tươi. Nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân về việc có một phương tiện xe ô tô tải đang tập kết, vận chuyển hàng hóa nghi vấn nhập lậu tại khu vực bản Pò Hèn - xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi xác minh nguồn tin, Tổ kiểm soát cơ động thuộc Đội Kiểm soát Hải quan số 1 đã chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh, Đồn Biên phòng Quảng Đức để bắt giữ, kiểm tra, xử lý. Người điều khiển xe ô tô tên là Hoàng Quốc Việt cho biết, hàng hóa trên xe ô tô là 85 bao dứa, có chứa củ ba kích tươi, mỗi bao có trọng lượng 60 kg. Tổng trọng lượng là 5,1 tấn, ước tính trị giá khoảng 500 triệu đồng.
Toàn bộ số hàng nói trên có nguốn gốc từ nước ngoài do ông nhận vận chuyển thuê cho một người đàn ông khoảng 40 tuổi (ông không biết rõ họ tên, địa chỉ) từ khu vực ven đồi thuộc Bản Pò Hèn, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà đến Trung tâm huyện Hải Hà với tiền công 1,5 triệu đồng.
Củ ba kích thu hoạch ở Ba Chẽ có thân nhỏ, nhiều đốt, chất lượng cao hơn so với ba kích Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Quý.
Trước đó, vào ngày 5.9.2018, tại khu vực bản Mốc 13, thuộc xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, Tổ Kiểm soát chống buôn lậu thuộc Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh chủ trì, phối hợp với Trạm Biên phòng Quảng Đức kiểm tra xe ô tô tải BKS: 14C-222.78, do ông Từ Văn Thổ (SN 1984, trú tại thôn Nà Bấc, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên), điều khiển, phát hiện trên xe vận chuyển 900 kg củ ba kích tươi.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Thổ không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số ba kích trên. Ông Thổ khai: vận chuyển thuê số ba kích trên cho một người đàn ông không quen biết từ thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP.Móng Cái về thị trấn Đầm Hà lấy tiền công vận chuyển 1 triệu đồng.
Ngoài một số vụ bắt giữ khác, theo phản ánh của người dân, tình trạng mua bán, vận chuyển nhỏ lẻ củ ba kích nhập lậu từ Trung Quốc vẫn thường xuyên diễn ra trên địa bàn các huyện Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái.
Nguy cơ mất thương hiệu ba kích tím
Theo một cán bộ Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, ba kích là một loại dược liệu phần lớn được thu mua về để ngâm rượu uống. Một số tỉnh miền Đông của Quảng Ninh đang trồng loại cây này và cung cấp ra thị trường nhưng không đủ bán dẫn đến một số thương lái thu mua, nhập lậu từ Trung Quốc về tiêu thụ.
Tang vật bị thu giữ.
Trao đổi với Dân Việt, Ông Triệu Đức Phượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) cho biết, hiện nay tỉnh và huyện đang rất quan tâm phát triển nhân rộng giống cây ba kích tím. Hiện toàn huyện đã trồng được 65ha. Đây là loại cây không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn là cây dược liệu có giá trị nên trong những năm qua, huyện Ba Chẽ đã tập trung, chú trọng vào việc phát triển vùng trồng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm ba kích tím.
Cũng theo ông Phượng, những năm gần đây một số địa phương ở Trung Quốc cũng phát triển trồng giống cây này, tuy nhiên ba kích của họ chủ yếu là ba kích trắng, chất lượng kém hơn so với loại ba kích tím Ba Chẽ. “Một số cửa hàng ở các địa phương khác đã lợi dụng thương hiệu ba kích Ba Chẽ, trà trộn ba kích Trung Quốc để lừa bán cho khách hàng, làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu địa phương” – ông Phượng nói.
Một vườn ba kích tím được người dân trồng tại huyện Ba Chẽ. Ảnh: Nguyễn Quý.
Để phân biệt giữa ba kích Trung Quốc và Ba Chẽ, ông Phượng chỉ ra một số điểm nhận biết, như củ ba kích Trung Quốc to, mập, không xù xì. Củ ba kích của Ba Chẽ rắn chắc, màu vàng đậm đến nâu tím, củ có nhiều đốt thắt, có mùi thơm đặc trưng của cây thuốc (giống nhân sâm). Ngoài ra khi bẻ củ thấy có màu trắng, hoặc nếu là loại ba kích tím Trung Quốc thì cũng có màu tím nhạt, không đậm màu như củ ba kích Ba Chẽ.
Bắt quả tang khách nhập lậu gần 900 smartphone qua Nội Bài Cơ quan chức năng phát hiện một vụ nhập lậu điện thoại thông minh số lượng lớn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. |
Đà Nẵng: Bắt giữ xe khách vận chuyển 1.790 gói thuốc Jet nhập lậu Một lượng lớn thuốc lá lậu đang được vận chuyển vào Ninh Thuận để tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng của TP Đà ... |
Liên tiếp bắt giữ các lô hàng thực phẩm nhập lậu giáp Tết Liên tiếp trong những ngày giáp Tết, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ nhiều lô hàng thực phẩm bẩn, hôi ... |