Lãnh đạo Ban Quản lý dự án KOICA cho biết, đơn vị tài trợ chỉ cho ngân sách để lót sàn chứ không tài trợ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng nên kinh phí để làm việc này phải dùng vào ngân sách.
Liên quan đến tranh cãi việc làm đường đi bộ lát gỗ lim ở Huế, ngày 5/3, trả lời báo chí, ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) KOICA đã có những giải thích trước việc dư luận lo ngại về độ bền vững của công trình khi được triển khai ở địa phương có thời tiết khắc nghiệt như Thừa Thiên - Huế.
Theo ông Bằng, để đưa gỗ ra lót sàn ở tuyến đường, BQLDA sẽ xử lý gỗ bằng cách ngâm hóa chất, sấy... để đảm bảo chất lượng cho gỗ.
Phó Giám đốc BQLDA KOICA cho hay, để gỗ được đảm bảo tính thẩm mỹ và chất lượng khi đưa ra lót sàn, cần có một đơn vị đứng ra lo duy tu, bảo dưỡng. BQLDA KOICA đưa ra phương án là giao việc duy tu, bảo dưỡng công trình cho Công ty Môi trường đô thị Huế và Công ty Công viên cây xanh Huế.
Bản phối cảnh đường đi bộ lát gỗ lim đang được triển khai trên sông Hương ở Huế. (Ảnh: BQLDA KOICA) |
“Phía đơn vị tài trợ chỉ cho ngân sách để lót sàn chứ không tài trợ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng nên kinh phí để làm việc này phải dùng vào ngân sách.
Hiện chúng tôi cũng lên phương án nhập vật liệu nhiều hơn số lượng đưa ra để dự phòng cho việc duy tu, bảo dưỡng sau này, số tiền cho việc mua gỗ vì thế cũng nhiều hơn”, ông Nguyễn Việt Bằng nói.
Trước đó, VTC News có bài viết phản ánh việc dư luận tỉnh Thừa Thiên - Huế lo ngại về chất lượng công trình cũng như độ bền vững của phố đi bộ lát gỗ lim do cơ quan chức năng tỉnh này đang thi công trên sông Hương.
Theo BQLDA KOICA, đây là dự án thí điểm của dự án "Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm" do KOICA (Hàn Quốc) tài trợ. Cơ quan tư vấn thiết kế lập quy hoạch và dự án thí điểm là Viện nghiên cứu Han-A và Công ty Kỹ thuật Dohwa (Hàn Quốc).
Theo đó, trong quy mô tóm tắt dự án “Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP Huế” có cầu đi bộ, bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng, hệ thống giao thông (đường dạo nội bộ), hệ thống chiếu sáng và các hạng mục khác.
Theo thông tin BQLDA KOICA cung cấp, tổng kinh phí thực hiện dự án là 52,9 tỷ đồng, chi phí xây lắp 51,2 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400; mặt trên sàn bê tông được lát mặt gỗ lim dày 5cm, liên kết với sàn bê tông cốt thép. Tổng diện tích lát sàn bằng gỗ lim là 2.438m2.
Dự toán tổng chi phí gỗ lim lát sàn cho cầu đi bộ là 5,14 tỷ đồng (bao gồm phần gỗ lim thành phẩm đã được xử lý (ngâm hóa chất, sấy...) và gia công, lắp dựng.
Theo hồ sơ thiết kế của đơn vị tư vấn Hàn Quốc, nguồn gốc gỗ lim là nhập khẩu, có quota nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của Chính phủ Việt Nam.
BQLDA KOICA khẳng định quá trình thiết kế dự án, các chuyên gia, tư vấn Hàn Quốc và Việt Nam đã được tư vấn nghiên cứu kỹ nhiều phương án như đá Granit, gỗ tổng hợp sản xuất tại Việt Nam (Awood WPC), gỗ tổng hợp sản xuất tại Hàn Quốc (Wood plastic composites), gỗ lim.
Tư vấn đã xem xét, đánh giá kỹ về các yếu tố: thân thiện môi trường, cảnh quan; ít biến dạng, bền vững với thời gian; màu sắc hài hòa, góp phần tạo nét đặc trưng; kinh phí đầu tư…
Đơn vị đang tiến hành đóng cọc trên sông Hương để thi công tuyến đường đi bộ lát gỗ lim. (Ảnh: Điền Quang) |
QLDA KOICA cho biết thêm, từ 4/7/2016 đến 25/7/2016, đơn vị này đã tổ chức công bố, lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với phương án thiết kế dự án "Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía bờ Nam sông Hương, TP Huế".
Thông qua bản vẽ chi tiết của sàn đi bộ và mô hình thực được trưng bày (có thể hiện việc sử dụng gỗ lim lát sàn đường đi bộ), có 29/32 phiếu (chiếm 90,62%) hoàn toàn đồng ý với phương án thiết kế, kết cấu cũng như vật liệu của công trình.
Tranh cãi việc làm đường đi bộ lát gỗ lim ở Huế: Ban Quản lý dự án nói gì? Việc lựa chọn gỗ lim để lát đường đi bộ được ban quản lý dự án giải thích là bền đẹp, thân thiện với môi ... |
Lát gỗ lim đường đi bộ: Bài học về con đường ở Đập Đá còn đó Chuyện chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế làm tuyến đường đi bộ nam sông Hương, TP. Huế đang gây ra tranh cãi lớn. Chuyện sẽ không ... |