Mức giảm trừ gia cảnh “cào bằng” đã gây nhiều tranh cãi khi thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân thời gian qua. Tới đây khi sửa luật này, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc cơ sở, nguyên tắc tính thuế phù hợp để đảm bảo công bằng.

Thu thuế “cào bằng”

Chị Nguyễn Hà Linh đang sinh sống và làm việc tại một ngân hàng thuộc tỉnh Yên Bái. Với mức thu nhập hơn 17 triệu đồng và có 1 người phụ thuộc, hiện nay chị đang phải nộp thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) ở bậc 1, mức nộp thuế 5% đối với phần thu nhập tăng thêm sau khi giảm trừ (phần giảm trừ bao gồm 11 triệu đồng cho cá nhân chị và 4,4 triệu đồng đối với người phụ thuộc, tổng cộng 15,4 triệu đồng). Theo chị Linh với mức thu nhập và đóng thuế như vậy, gia đình chị sống khá dư dả do các chi phí ở khu vực này khá rẻ, hơn nữa gia đình có thể tự túc được một phần lương thực.

thue-tncn-3161
Nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN hiện nay là chưa hợp lý

Tuy nhiên, khác với chị Linh, anh Đặng Văn Thiết hiện đang làm việc cho một doanh nghiệp tại quận Đống Đa (Hà Nội) với mức lương hơn 18 triệu đồng, nhưng anh cho rằng việc chi tiêu vẫn khá chật vật. Vợ anh có thu nhập khoảng 13 triệu đồng/tháng, trong khi gia đình anh phải thuê nhà (5-6 triệu đồng/tháng); tiền học cho 2 đứa con (1 mầm non, 1 tiểu học), tiền ăn uống, điện nước, sinh hoạt phí… khiến chi tiêu gia đình vẫn phải “co kéo”. “Với mức thu nhập trên, gia đình tôi chỉ đủ sống và dư dả không đáng kể. Để mà có thể tiết kiệm mua một căn hộ ở Hà Nội gần như là không thể. Vậy mà vẫn phải nộp thuế thì tôi cho là không thỏa đáng” - anh Thiết nói.

Theo luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, cách làm của Bộ Tài chính khi tính mức giảm trừ gia cảnh là lấy 9 triệu đồng (mức giảm trừ gia cảnh áp dụng từ năm 2019 trở về trước) x tốc độ tăng CPI năm 2019 so với 2013 để ra con số 11 triệu. Cách tính mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng tương tự. Theo vị luật sư, cách tính đó đang đúng luật (Luật quy định khi chỉ số giá cả biến động 20% trở lên thì tiến hành điều chỉnh giảm trừ gia cảnh), tuy nhiên vấn đề phát sinh tranh cãi là cái nền để tính thuế chưa hợp lý, do đó dẫn đến cào bằng, bất công. “Mức 11 triệu đồng, nói đủ sống thì cũng đúng mà không đủ sống thì cũng đúng. Giả sử với người lao động ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì 11 triệu đồng hoàn toàn dư giả. Nhưng với những người sinh sống ở thành phố, chi tiêu lớn, phải đi thuê nhà chẳng hạn… thì 11 triệu đồng lại không đủ sống” - luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Cần có căn cứ tính thuế phù hợp

Hiện tại, Bộ Tài chính đang xin ý kiến để xây dựng đề cương sửa đổi 6 luật thuế quan trọng, trong đó có Luật Thuế Thu nhập cá nhân. Theo đó, các nội dung rà soát, đánh giá góp ý mà Bộ Tài chính đề nghị khi lấy ý kiến xây dựng đề cương sửa đổi Luật Thuế TNCN bao gồm: Đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh...

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nguyên tắc tính thuế theo biến động CPI hiện nay là đúng, nhưng nó phải căn cứ trên một cái nền và nguyên tắc phù hợp hơn. “Thuế TNCN bản chất là đánh thuế người khá giả một chút. Cho nên ít nhất phải có một mức sàn là trung bình thu nhập của xã hội, khi trên trung bình thì đánh thuế. Vậy trung bình của chúng ta là bao nhiêu, phải chăng trung bình là đối với 1 người trụ cột là 11 triệu đồng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng? Không phải thế. Hiện nay chúng ta không căn cứ vào thu nhập tối thiểu, không căn cứ vào thu nhập bình quân của xã hội, cũng không căn cứ vào mức sống, do đó gây tranh cãi và càng ngày càng điều chỉnh thì càng gây tranh cãi hơn” - vị luật sư nêu quan điểm.

Do vậy, theo ông Đức, muốn giải quyết vấn đề thì phải giải quyết từ cái gốc. Chẳng hạn, nếu căn cứ theo lương tối thiểu, hiện nay chúng ta đã có mức lương tối thiểu theo vùng do Nhà nước quy định, ở trung tâm Hà Nội sẽ khác với các vùng sâu, vùng xa. Thuế TNCN, đáng lẽ cũng phải có nguyên tắc xử lý tương tự. “Chẳng hạn quy định mức giảm trừ gia cảnh gấp 5 hay 7 lần lương tối thiểu thì khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu thì mức giảm trừ cũng tự động được điều chỉnh theo” - luật sư Trương Thanh Đức đề xuất.

Ngoài ra, luật sư Trương Thanh Đức cũng đồng tình quan điểm có thể khấu trừ các hóa đơn chi tiêu khi tính thu nhập chịu thuế. Theo ông, xưa nay người tiêu dùng Việt Nam không muốn lấy hóa đơn vì họ chẳng được lợi gì cả, thậm chí còn thiệt (vì bị tính thuế VAT). Điều này dẫn đến thất thu thuế rất lớn. Giờ được khấu trừ khi tính thuế (với những chi phí chính đáng) thì sẽ khuyến khích người dân có ý thức lấy hóa đơn.

“Doanh nghiệp hay cá nhân xuất hóa đơn, người dân chỉ cần có chứng minh thư, mã số thuế thì lập tức sẽ được cập nhật, bù trừ trên hệ thống, không phải làm gì cả, chỉ được lợi. Nhà nước chỉ cần bỏ chi phí ban đầu sẽ được lợi hơn rất nhiều. Đây không chỉ là vấn đề chống thất thu thuế mà còn là công bằng, bình đẳng, là kích thích mọi người tuân thủ pháp luật, tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh. Điều này, thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích hơn là nguồn thu” - ông nói. Vị luật sư cũng cho rằng, hiện nay biểu thuế lũy tiến từng phần lên đến 7 bậc là quá dầy, phức tạp, do đó có thể rút lại còn 3 bậc.

Nên cân nhắc, tính toán dài hơi

Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên Ban chấp hành Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, về lâu dài mức giảm trừ gia cảnh cần được tính toán dài hơi sao cho phù hợp và hợp lý trên cơ sở thực tiễn. Trong đó, với đề xuất tính mức giảm trừ gia cảnh theo lương tối thiểu vùng, ông cho rằng có những ưu điểm nhất định, tuy nhiên việc thực hiện sẽ có nhiều khó khăn và không ít bất cập.

Bởi lẽ luật ban hành phải có tính ổn định trong một thời gian để thuận tiện cho việc thực thi áp dụng. “Nếu căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để tính thuế TNCN sẽ rất phức tạp khi quyết toán thuế. Ví dụ như địa điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế tại một nơi, nhưng thu nhập lại phát sinh tại nhiều nơi, mức chi tiêu tại các nơi cũng khác nhau… Vì vậy, nếu quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng là chưa hợp lý, gây khó khăn cho người nộp thuế khi xác định. Hơn thế nữa cũng sẽ phát sinh hiện tượng lợi dụng chính sách khi lựa chọn mức giảm trừ gia cảnh có lợi nhất khi có nhiều nơi phát sinh thu nhập…” - ông nói.

Do đó, ông cho rằng không nên xây dựng mức giảm trừ gia cảnh theo tiền lương tối thiểu vùng để đơn giản thủ tục cho người nộp thuế và tránh những hành vi lợi dụng chính sách. Thay vào đó, Luật Thuế TNCN cần giao cho Chính phủ quyết định thay đổi mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đến một giới hạn nào đó mà không phải trình Quốc hội cũng như cần xem xét việc tính giảm trừ gia cảnh theo thực tế của người nộp thuế khi có điều kiện chín muồi áp dụng.

Về đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh, ông Được cho rằng cần phải hiểu mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cho bản thân là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, là mức giảm trừ gia cảnh cho các chi phí cơ bản của người nộp thuế, không phải mức giảm trừ tổng chi phí chi tiêu của người nộp thuế. “Đạo lý của thuế TNCN là tính trên thu nhập của người có thu nhập, điều này khác với trước đây là tính thuế trên thu nhập cao. Có nghĩa là, mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ nộp thuế TNCN để thể hiện sự đóng góp của cá nhân với đất nước. Mức giảm trừ gia cảnh này là một phần cấu thành giảm thu nhập tính thuế TNCN bên cạnh các khoản phụ cấp không tính thuế như điện thoại, tiền ăn trưa, tiền đồng phục... Tôi cho rằng, việc xác định mức giảm trừ gia cảnh cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo các mục tiêu trong từng giai đoạn. Theo đó, trong ngắn hạn, tôi cho rằng việc tăng giảm trừ gia cảnh không quá khả thi, vì khi luật thay đổi thì đời sống người nộp thuế lại tăng lên sẽ không phát huy được tác dụng” - ông nêu quan điểm.

Do đó, theo ông Được, chúng ta nên xem xét giải pháp khác để hỗ trợ người nộp thuế thay vì việc cân nhắc mức giảm trừ gia cảnh hiện nay. “Thực tế, thời gian qua đã có một số giải pháp tài chính hỗ trợ người nộp thuế gặp khó khăn từ các quỹ bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn…Về lâu dài, mức giảm trừ gia cảnh cần được tính toán dài hơi sao cho phù hợp và hợp lý trên cơ sở thực tiễn và những nghiên cứu khoa học cụ thể trước khi quyết định” - ông Nguyễn Văn Được nói.

Chúng ta nên xem xét giải pháp khác để hỗ trợ người nộp thuế thay vì việc cân nhắc mức giảm trừ gia cảnh hiện nay. Thực tế, thời gian qua đã có một số giải pháp tài chính hỗ trợ người nộp thuế gặp khó khăn từ các quỹ bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn… Về lâu dài, mức giảm trừ gia cảnh cần được tính toán dài hơi sao cho phù hợp và hợp lý trên cơ sở thực tiễn và những nghiên cứu khoa học cụ thể trước khi quyết định.

Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên Ban chấp hành Hội tư vấn thuế Việt Nam