Một thực tế “trên nóng, dưới lạnh” đang diễn ra. Đó là 1.113.422 người đã kê khai tài sản nhưng chỉ xác minh đối với 77 người, chiếm một tỷ lệ quá nhỏ 0,007%. Một sự cương quyết từ Trung ương là kê khai tài sản để ngăn ngừa phòng chống tham nhũng nhưng một sự thật đang làm giảm niềm tin trong nhân dân trong công tác đấu tranh với “giặc nội xâm” khi “biện pháp mang tính phòng ngừa” chưa thực sự hiệu quả. Điều đó đang đặt ra việc cần cơ chế hữu hiệu hơn được thể chế hóa bằng luật.
Giao cơ quan quản lý xác minh tài sản, thu nhập có khó khả thi? |
Chống tham nhũng vẫn còn nể nang, ngại va chạm, né tránh |
Dư luận, người dân và cán bộ đảng viên không khỏi băn khăn về những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Đó là trong năm 2017 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 77 người/1.113.422 người đã kê khai (chiếm 0,007%). Thế nhưng kết quả xác minh chỉ phát hiện 3 trường hợp vi phạm.
Tại sao tham nhũng được đánh giá là “vẫn nghiêm trọng”, vẫn là mối đe dọa của toàn xã hội, là vấn đề được nhiều cử tri băn khoăn tại các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, và MTTQ. Thế nhưng con số phát hiện lại giảm nhiều so với các năm trước. Đơn cử như trong năm 2016 xác minh đối với 414 người, năm 2015 xác minh đối với 1.225 người.
Liệu có phải số người kê khai được phát hiện sai phạm giảm dần qua các năm. Trong khi đó theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý. Mà đáng chú ý việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Vũ Trọng Kim từng thẳng thắn chỉ ra: “Thống kê hàng triệu đảng viên kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện 3 trường hợp vi phạm không nói lên được điều gì”.
Như vậy một nghịch lý đang diễn ra là liệu sự phản ánh qua việc kê khai chưa đúng với tình hình thực tế đang diễn ra. Những biệt phủ của những quan chức được mọc lên tại các tỉnh nghèo chưa cân đối được ngân sách, vẫn đang nhận “cứu trợ” từ Trung ương cho thấy sự tương phản giữa cái đói, cái nghèo đang còn bủa vây người dân. Dân đếm được cán bộ huyện, cán bộ tỉnh tham nhũng, nhưng số kê khai tài sản bị phát hiện chỉ như “muối bỏ biển”? Đây là những con số khó có thể chấp nhận trong thực tế.
Điều đó cũng nói lên hiện nay có quá nhiều cơ quan làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng nhưng hiệu quả đem lại chưa được bao nhiêu. Đó cũng là bởi việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu. Số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng.
Mà nói như lời Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương “qua các vụ việc tham nhũng lớn nổi lên vấn đề việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả”.
Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, bằng việc quy định rõ các biện pháp mang tính phòng ngừa được coi như giúp gỡ các nút thắt. Cũng bởi vậy, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề nghị: “Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội. Quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực. Hoàn thiện quy định và hệ thống cơ sở hạ tầng, có lộ trình, thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu thanh toán không sử dụng tiền mặt”.
Thế nhưng điều mà dư luận đang đặt ra chính là cần quy định về việc công khai và minh bạch tài sản thu nhập nhằm kiểm soát biến động tài sản một cách thực chất để xử lý đối với những trường hợp có hành vi tham nhũng; cũng như cần có chế tài và làm triệt để việc thu hồi toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có. Muốn vậy không cách nào khác phải bắt đầu từ việc phải làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa việc công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức.
Căn cơ và cốt lõi của kiểm soát bản kê khai của cán bộ nằm ở kiểm soát tài sản. Tham nhũng là tội phạm ngầm, do vậy tại các nước việc kiểm soát tài sản được đặt lên hàng đầu. Tức là chú trọng phòng ngừa ngăn chặn không để xảy ra mới khắc phục, nắm “dao đằng chuôi chứ không nắm lưỡi”. Khi dịch chuyển tài sản có thể biết được ngay.
Còn trong bối cảnh nước ta, việc xây dựng luật trong điều kiện nhà nước không kiểm soát được tài sản, kê khai nhưng cũng không kiểm soát được còn làm theo hình thức thì kê khai tài sản chỉ là ngõ cụt. Mà đơn cử như Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đang còn bỏ ngỏ, chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý.
Trong khi đây là những nội dung rất quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập. Nói nôm na chính là nguồn gốc tài sản không chứng minh được vậy xử lý thế nào? Ai xử lý? Hay cũng chỉ là rút kinh nghiệm. Vì thế xác minh được tài sản kê khai, nguồn gốc tài sản được coi là biện pháp hàng đầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Cách đây vài ngày, tại Hội nghị góp ý kiến Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đặt ra vấn đề: Việc kê khai tài sản thu nhập còn hình thức, hiệu quả thấp. Đây là vấn đề nhân dân rất quan tâm và còn nhiều bức xúc. Chính vì vậy cần có cơ chế để kiểm soát việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập không trung thực. Đặc biệt, phải có cơ chế quy định về việc xử lý tài sản thu nhập có dấu hiệu tham nhũng để tránh tẩu tán thu nhập và chạy trốn ra nước ngoài. Nếu không quy định cụ thể về cơ chế thì rất khó để thu hồi được tài sản tham nhũng.
Cũng vì vậy ngoài việc kê khai tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng, thuộc lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao thì để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả cần có những cơ chế để xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý. Đó là vấn đề đang được đặt ra với Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Bởi đó chính là những giải pháp mang tính căn cơ, và lâu dài.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/tren-nong-duoi-lanh-381070