Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường an toàn giao thông và hạn chế số lượng tử vong do tai nạn giao thông vốn đang ngày càng gia tăng ở Malaysia.
- Cuộc đua trí tuệ nhân tạo nóng lên ở châu Âu
- Ả Rập Xê-út kế hoạch đầu tư 40 tỷ USD vào trí tuệ nhân tạo
Hệ thống hỗ trợ lái xe do AI điều khiển cung cấp thêm một lớp bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông |
Hệ thống hỗ trợ người lái giúp giảm thiểu tai nạn
Gọi AI là một phần của phương pháp tiếp cận đa diện nhằm giảm thiểu tai nạn ô tô ở nước này, Giáo sư, Tiến sĩ Manjit Singh Sidhu, Khoa Máy tính và Tin học thuộc Đại học Tenaga Nasional (Malaysia) cho biết, một ứng dụng quan trọng liên quan đến phân tích dự đoán, trong đó các thuật toán AI phân tích dữ liệu các trường hợp trước đó, mô hình giao thông và các yếu tố môi trường để xác định và dự đoán khả năng xảy ra tai nạn tại các khu vực có nguy cơ cao. Ông Manjit cho biết: “Điều này có thể được sử dụng một cách chiến lược để triển khai các nguồn lực như thực thi pháp luật hoặc bảo trì đường bộ ở các khu vực có nguy cơ cao và ngăn ngừa tai nạn trước khi chúng xảy ra”.
Số liệu của Bộ Giao thông vận tải Malaysia cho thấy, đã xảy ra 545.588 vụ tai nạn giao thông vào năm 2022 với 6.080 người tử vong và 370.286 vụ vào năm 2021 làm 4.539 người tử vong. “Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu An toàn Đường bộ Malaysia cũng chỉ ra rằng, hành vi của con người một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông, tiếp theo là các yếu tố như điều kiện và tình trạng cơ sở hạ tầng đường bộ, cũng như tình trạng của phương tiện”.
Vấn đề an toàn giao thông đã được cách mạng hóa nhờ công nghệ AI thay đổi nhanh chóng, với các phương tiện hiện nay tích hợp công nghệ này để nâng cao tiêu chuẩn an toàn khi lái xe và hỗ trợ đắc lực, thậm chí không cần người lái. Một số xe cũng có thể nhận biết những rủi ro tiềm ẩn và đưa ra hướng dẫn tức thời cho người lái xe. “Nhờ sự phát triển của AI, giấc mơ về những chiếc xe tự lái giờ đã trở thành hiện thực. Những chiếc xe thông minh này sử dụng cảm biến, camera và thuật toán phần mềm tinh vi để tự lái mà không cần sự can thiệp của con người trên đường. Các hệ thống này đã giảm đáng kể các sự cố va chạm liên quan đến lỗi của con người vì chúng có thể phân tích lượng dữ liệu khổng lồ chỉ trong tích tắc” - ông Manjit nói.
Tiềm năng cải thiện an toàn đường bộ
Một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô liên quan đến AI là tiềm năng cải thiện an toàn đường bộ. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng trên toàn cầu, gần 1,35 triệu người tử vong hàng năm do tai nạn xe cơ giới. Việc tích hợp công nghệ AI vào xe có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể bằng cách chủ động ngăn ngừa va chạm và giảm mức độ nghiêm trọng. Ông Manjit cho biết, hệ thống quản lý giao thông thông minh sử dụng AI cũng có thể tối ưu hóa lưu lượng giao thông. “Việc điều chỉnh tín hiệu giao thông dựa trên dữ liệu thời gian thực có thể giảm tắc nghẽn và do đó, giảm khả năng xảy ra tai nạn giao thông trong khi việc tích hợp quản lý giao thông thích ứng có thể thay đổi tình trạng đường sá”.
Ngoài ra, hệ thống hỗ trợ lái xe AI cung cấp thêm một lớp an toàn, với các tính năng như cảnh báo chệch làn đường, tránh va chạm và kiểm soát hành trình thích ứng có thể cảnh báo người lái xe về những nguy hiểm tiềm ẩn. Việc triển khai “giao tiếp” giữa xe với mọi thứ được hỗ trợ bởi AI cho phép trao đổi thông tin theo thời gian thực giữa xe, cơ sở hạ tầng và người đi bộ. Đồng thời, hình thức giao tiếp như vậy giúp tránh va chạm, đặc biệt là tại các ngã tư, bằng cách đưa ra cảnh báo kịp thời.
Phân tích và giám sát hành vi thông qua AI cũng có thể được sử dụng để đánh giá hành vi của người lái xe bằng cách phân tích dữ liệu từ xe. Việc xác định các mô hình liên quan đến việc lái xe nguy hiểm cho phép can thiệp có mục tiêu, chẳng hạn như đưa ra phản hồi cho người lái xe và công ty bảo hiểm, từ đó khuyến khích thói quen lái xe an toàn. Việc tối ưu hóa phản ứng khẩn cấp là một lĩnh vực khác mà AI có thể tạo ra tác động đáng kể đến an toàn đường bộ. Ông Manjit cho biết, thuật toán AI có thể dự đoán mức độ nghiêm trọng của tai nạn và cho phép điều động nhanh hơn các nguồn lực phù hợp để ứng phó khẩn cấp. Sự hỗ trợ kịp thời như vậy có thể giảm tác động của tai nạn và tăng cường an toàn đường bộ nói chung.
Giảm tắc nghẽn giao thông
Ứng dụng AI để giảm tắc giao thông đã được triển khai trên thực tiễn tại thành phố Ipoh, thuộc bang Perak, một trong những thành phố đông dân nhất Malaysia với hệ thống đèn giao thông đầu tiên sử dụng AI để giảm tắc nghẽn giao thông và lưu lượng giao thông tốt hơn trong giờ cao điểm.
Hội đồng thành phố Ipoh đã ký thỏa thuận đăng ký dịch vụ với Telekom Malaysia (TM) về hệ thống đèn giao thông thông minh với phân tích thông minh (STARS), sử dụng AI, camera độ nét cao và phân tích video để phân tích nhằm tối ưu hóa luồng giao thông. Theo ông Khairul Shahril Mohamed, Chủ tịch Ủy ban Đa phương tiện và thể thao, truyền thông và thanh niên bang Perak, hệ thống STARS đã được thử nghiệm tại 4 giao lộ dọc theo Jalan Sultan Idris Shah và hệ thống này có thể giúp lưu lượng giao thông thông suốt tốt hơn 51% trong giờ cao điểm. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người đi đường mà còn giảm lượng khí thải carbon tại thành phố Ipoh. Dự kiến, các đèn giao thông thông minh cuối cùng sẽ được lắp đặt trên toàn bang, phù hợp với mục tiêu của Ipoh trở thành một thành phố thải khí carbon thấp vào năm 2030. Hệ thống STARS được liên kết với Trung tâm Điều hành tích hợp Ipoh, đóng vai trò như một trung tâm điều khiển thông minh với khả năng xử lý dữ liệu lớn bằng cách sử dụng AI và Internet vạn vật nhờ mạng 5G.
“Cuối cùng, Malaysia cần một chiến lược toàn diện tích hợp tất cả các ứng dụng AI này với các chính sách hiệu quả, các chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng và các nỗ lực thực thi pháp luật. Những nỗ lực hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân và các nhà phát triển công nghệ có thể đảm bảo việc thực hiện thành công và tính bền vững của các sáng kiến này và góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu tai nạn xe cộ và số lượng tử vong ở Malaysia” - ông Manjit nhấn mạnh.