Phút bồng bột của tuổi trẻ làm Nguyễn Đức Phong mắc sai lầm và đứng trước nguy cơ bị đuổi học. May mắn được thầy Văn Như Cương giúp đỡ và truyền nghị lực, cậu học trò đã nên người và đến nay vẫn thấm thía triết lý “làm người tử tế” của thầy.

Anh Nguyễn Đức Phong (Hà Nội) là cựu học sinh khóa 6 của Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh.

Thời đó (năm 1995), những gì anh còn nhớ, nói đến việc học trường dân lập là bị cho rằng “chỉ những học sinh có học lực kém, không thi được vào trường công mới học trường dân lập”.

Anh vào trường mang theo mặc cảm đó và thời gian đầu cũng chưa chuyên tâm vào học hành. Đặc biệt vào năm lớp 11, anh Phong trở thành một trong số học sinh bị xếp vào nhóm cuối, “bị để ý” của lớp, đứng trước nguy cơ buộc phải dừng lại ở Trường Lương Thế Vinh vì có hạnh kiểm trung bình.

triet ly lam nguoi tu te cua gs van nhu cuong thay doi cuoc doi cau hoc tro
Anh Nguyễn Đức Phong cho biết luôn ghi nhớ lời dạy "trở thành người tử tế" của thầy Văn Như Cương. Ảnh: Đỗ Thơm.

“Tại Trường Lương Thế Vinh có một quy định là tất cả học sinh của trường tối thiểu phải có hạnh kiểm khá.

Vì ham chơi, bồng bột của tuổi trẻ, hết học kỳ I của năm lớp 11, tôi là học sinh xếp hạnh kiểm trung bình.

Lúc đó, đứng trước nguy cơ bị đuổi học, tôi bắt đầu thấy lo lắng, xấu hổ, nhưng không biết làm thế nào.

Trong lúc đang hoang mang nhất, tôi nhận được sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm và thầy Văn Như Cương. Bằng tất cả tình thương, thầy cô đã ở bên, động viên rằng còn học kỳ 2 để tôi cố gắng.

Vì được tin tưởng, nên tôi nỗ lực sửa chữa, khắc phục khuyết điểm và may mắn hết năm học đó tôi có hạnh kiểm khá để được tiếp tục ở lại trường.

Những ngày đó, cơ sở vật chất còn khó khăn, nhưng thầy Văn Như Cương đã lan tỏa trách nhiệm, tình yêu đến các thầy cô trong trường. Thầy luôn dạy chúng tôi phải trở thành người tử tế. Dù chưa giỏi giang, thành đạt, nhưng trước tiên phải là người tử tế.

Dù thầy rất nghiêm khắc nhưng cũng rất bao dung. Có lần, một người bạn của tôi vi phạm kỷ luật, không được vào lớp. Thầy Cương nhìn thấy và tìm hiểu nguyên nhân.

Thầy đề nghị giáo viên cho bạn vào lớp học để không cảm thấy xấu hổ, không bỏ lỡ việc tiếp thu kiến thức.

Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm về mái nhà Lương Thế Vinh mà mỗi lần họp lớp vẫn chia sẻ với nhau. Nhưng có một điểm chung, chúng tôi luôn ghi nhớ lời dặn trở thành người tử tế của thầy”- tại hội thảo “Thầy Văn Như Cương - Người mở đường” diễn ra ngày 1.10 tại Hà Nội, anh Nguyễn Đức Phong đã xúc động kể lại câu chuyện của mình như thế.

triet ly lam nguoi tu te cua gs van nhu cuong thay doi cuoc doi cau hoc tro
Giáo sư Nguyễn Khắc Phi trao bức ảnh chụp trên nền chân dung cố Phó giáo sư Văn Như Cương tặng nhà trường.

Cũng như anh Phong, tại sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Lương Thế Vinh, các thế học giáo viên, học sinh không chỉ ôn lại kỷ niệm, mà còn chia sẻ câu chuyện xúc động về người thầy, người bạn, người đồng nghiệp nhận được sự kính trọng, yêu quý của rất nhiều thế hệ học sinh – thầy giáo Văn Như Cương.

Trong ký ức của hàng chục thế hệ học sinh, hình ảnh thầy Văn Như Cương hiện lên như một ông tiên giữa đời thực, cương nghị, thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng đầy bao dung, nhân hậu.

Còn với người bạn, người đồng nghiệp, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi - Nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thầy Văn Như Cương là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục – nơi đề cao giáo dục dân chủ với tinh thần độc lập và tư duy phản biện, nơi đề cao nhân cách con người hơn kiến thức sách vở, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học để thành công trên đường đời.

Ngày 9.10 tới đây là kỷ niệm 2 năm ngày mất của thầy Văn Như Cương. Mỗi học sinh của thầy có những cách khác nhau để tri ân những đóng góp của thầy cho giáo dục, nhưng câu nói "Trước hết phải là người tử tế" và cuộc đời tâm huyết của ông về sự nghiệp trồng người luôn được các thế hệ học trò khắc ghi.

triet ly lam nguoi tu te cua gs van nhu cuong thay doi cuoc doi cau hoc tro Tâm sự của người vợ cùng nhà giáo Văn Như Cương đi qua 60 mùa khai giảng trong năm đầu tiên vắng thầy
triet ly lam nguoi tu te cua gs van nhu cuong thay doi cuoc doi cau hoc tro Thầy Văn Như Cương và triết lý “đáng sống”
triet ly lam nguoi tu te cua gs van nhu cuong thay doi cuoc doi cau hoc tro PGS Văn Như Cương đã truyền nghị lực sống đến hàng triệu người

/ laodong.vn