Bộ GTVT vừa có tờ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Không thu phí, xe sẽ dồn về cao tốc né dự án BOT

Theo Bộ GTVT, Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu “đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc” trong tổng số 9.014 km (41 tuyến) đã được quy hoạch đề ra.

Quốc hội đã thống nhất chủ trương dành nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, Quốc hội đã có yêu cầu nghiên cứu thu hồi nguồn vốn đã đầu tư.

Theo quy định của hệ thống văn bản quy phạm hiện nay, thu phí sử dụng đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (cơ chế phí) và thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh theo quy định của pháp luật về giá (cơ chế giá).

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế giá để thu tiền sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc chỉ được thực hiện đối với các dự án xây dựng đường bộ để kinh doanh (hiện nay là các dự án đầu tư theo hình thức PPP).

Các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư chưa được quy định là dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh nên không được áp dụng hình thức này.

antd-cao-toc-mai-son-quoc-lo-45-4873-9717-9047-9449
Nếu được Quốc hội thông qua thì sẽ sớm tiến hành thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư

Về cơ chế phí, hiện nay luật Phí và lệ phí quy định danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ có một loại phí là "phí sử dụng đường bộ", chưa có quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc thu qua trạm trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Bộ GTVT cũng phân tích trong trường hợp không tổ chức thu tiền sử dụng đường cao tốc, chủ xe sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc, dẫn đến lưu lượng phương tiện tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đồng thời cũng ảnh hưởng đến phương án tài chính của các dự án BOT.

Trong giai đoạn 2018 - 2021, Bộ GTVT đã nghiên cứu, xây dựng và có nhiều văn bản báo cáo đề xuất về các cơ chế, chính sách để thu theo cơ chế phí, cũng như cơ chế thu hồi vốn đối với các tuyến đường bộ cao tốc đã và đang được Nhà nước đầu tư trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GTVT đề xuất thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn/tuyến đường bộ được triển khai thu phí. Sau thời gian thí điểm thu nêu trên sẽ có đánh giá, tổng kết, đề xuất cơ chế phù hợp.

Tính toán phương án nhượng quyền thu phí

Trong tờ trình lần này, Bộ GTVT cho rằng rất khó có khả năng đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm như một đề xuất chính sách mới.... Trường hợp có thí điểm về phạm vi, thời gian thì cũng phải dựa cơ chế thu (phí hoặc giá) để thực hiện.

Vì vậy, Bộ GTVT đưa ra quan điểm phương án thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí là có hiệu quả và tính khả thi cao hơn phương án thu theo cơ chế giá.

Số tiền phí thu được được nộp ngân sách Nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách, trong đó ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thực hiện trách nhiệm của nhà nước đối với các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư và bổ sung vào danh mục Phí, lệ phí kèm theo luật Phí và lệ phí.

Bộ GTVT cũng đề xuất, sau khi được Quốc hội ban hành Nghị quyết, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, UBND các tỉnh xác định cụ thể các đoạn tuyến đường bộ cao tốc thực hiện thu phí; xây dựng đề án khai thác theo quy định làm cơ sở tổ chức thực hiện.

Trong đó tính toán phương án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác cho doanh nghiệp; cho thuê quyền khai thác; trực tiếp tổ chức khai thác; thực hiện theo phương thức khác (phương thức đối tác công tư hoặc phương thức được pháp luật quy định).

Ngân Tuyền / ANTĐ