Gọi điện thoại đến Đường dây nóng ANTĐ, nhiều bạn đọc hỏi, trong các vụ tai nạn giao thông, lái xe thường bị tạm giữ giấy tờ và xe. Song nếu kết quả xác minh cho thấy họ không có lỗi, nhưng vẫn bị tạm giữ phương tiện thì có đúng quy định không?

Anh Nguyễn Văn Tâm, một lái xe đường dài ở tỉnh Phú Thọ phản ánh, mới đây khi đang lưu thông trên đường, xe của em trai tôi bất ngờ bị một xe máy đi ngược chiều tông phải, người lái xe máy bị thương tích khá nặng.

Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do người điều khiển xe máy chạy quá tốc độ, đi sai làn đường nên va chạm với xe của em tôi. Hiện em tôi đang bị tạm giữ giấy tờ xe và xe nên gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại.

Về vấn đề trên, theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, trước hết có thể khẳng định, khi xảy ra tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện liên quan sẽ bị tạm giữ xe, giấy tờ để khám nghiệm hiện trường, kiểm tra xe.

Tuy nhiên trên thực tế, một số trường hợp lỗi được xác định là từ phía nạn nhân (uống rượu say, đi vào đường ngược chiều, chạy xe quá tốc độ…) nhưng người điều khiển phương tiện còn lại trong vụ va chạm vẫn bị tạm giữ giấy tờ xe và xe. Điều này trái với quy định hiện hành.

Trong vụ tai nạn, chủ xe không có lỗi có bị tạm giữ xe và giấy tờ? ảnh 1

Khi xảy ra TNGT, lái xe sẽ bị tạm giữ xe, giấy tờ để khám nghiệm hiện trường, kiểm tra xe

 Điều 10 Thông tư 63/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định, thời hạn tạm giữ phương tiện liên quan đến vụ TNGT không quá 7 ngày kể từ ngày tạm giữ. Trong các vụ việc phức tạp, thời gian tối đa tạm giữ phương tiện theo thủ tục hành chính là 60 ngày.

Nếu sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu, hoặc người điều khiển phương tiện.

Ngoài ra, pháp luật cũng nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông, để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.

 Bởi việc bồi thường là do các bên tự thỏa thuận hoặc tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự, nên cơ quan chức năng không thể sử dụng việc tạm giữ xe với tính chất là một biện pháp cưỡng chế hành chính để làm căn cứ giải quyết bồi thường.

Do quyết định tạm giữ xe là một quyết định hành chính, do vậy khi người bị tạm giữ xe cho rằng quyết định tạm giữ này là trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của mình thì có quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện vụ án hành chính.

Trường hợp kết quả giải quyết khiếu nại hoặc bản án của tòa kết luận việc tạm giữ xe là trái luật, thì người có xe bị tạm giữ có thể đề nghị cơ quan đã tạm giữ xe bồi thường thiệt hại theo quy định.

Luật sư Hồng Vân cũng cho rằng, để chấm dứt tình trạng tạm giữ xe trái quy định, cơ quan chức năng cần tuân thủ đúng quy định của Thông tư 63/2020, không kéo dài thời gian tạm giữ xe nếu người lái xe được xác định không có lỗi.

https://www.anninhthudo.vn/trong-vu-tai-nan-chu-xe-khong-co-loi-co-bi-tam-giu-xe-va-giay-to-post511008.antd

H.L / anninhthudo.vn