Trung Quốc được cho là sắp xây xong hầm chứa đạn sát biên giới Bhutan, gần cao nguyên Doklam, nơi xảy ra đối đầu với Ấn Độ năm 2017.
Ảnh vệ tinh của Maxar được NDTV công bố ngày 23/11 cho thấy nhiều cấu trúc giống hầm chứa đạn kiên cố mới xây dựng ở khu vực Trung Quốc kiểm soát gần biên giới với Bhutan. Khu vực xây dựng hầm chứa đạn cách cao nguyên Doklam, nơi xảy ra đối đầu giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ba năm trước, chỉ 7 km.
Ảnh vệ tinh hồi tháng 12/2019 cho thấy các hầm chứa đạn chưa được xây dựng. Tuy nhiên, ảnh chụp ngày 28/10 cho thấy các công trình gần như được hoàn thiện. Cựu trung tướng lục quân Ấn Độ Harcharanjit Singh Panag nhận định các công trình này có thể là "hầm kiên cố để làm nơi cất giữ đạn dược".
Khu vực xây dựng công trình có thể là hầm chứa đạn của Trung Quốc gần biên giới với Bhutan. Ảnh: Maxar. |
Các chuyên gia quân sự nhận định việc xây dựng hầm chứa đạn cho thấy quân đội Trung Quốc tăng khả năng chuẩn bị cho lực lượng quân sự tại khu vực. "Việc xây dựng các hầm chứa đạn nhằm tăng cường năng lực tác chiến của đơn vị Trung Quốc đồn trú tại căn cứ này, cho phép họ chiến đấu hiệu quả nếu nổ ra xung đột ở Doklam", Sim Tack, trưởng nhóm phân tích ảnh vệ tinh của Force Analysis, cho biết.
"Đây là diễn biến đáng lo ngại, đặc biệt sau khi Trung Quốc xây dựng một ngôi làng phía bên kia biên giới với Bhutan, và có thể làm căng thẳng tại khu vực Doklam gia tăng trở lại", chuyên gia Tack nói, đề cập đến làng Pangda được phía Trung Quốc thành lập năm nay.
Trung Quốc nói làng Pangda nằm trên lãnh thổ của mình, song Bhutan bác bỏ và tuyên bố ngôi làng nằm trên đất của họ. Các bản đồ của Cục Thống kê Quốc gia Bhutan cho thấy làng Pangda nằm trong lãnh thổ nước này, cách biên giới Bhutan - Trung Quốc khoảng 2,5 km.
Vị trí khu vực có thể là kho đạn mới xây của Trung Quốc và làng Pangda gây tranh cãi. Ảnh: Maxar. |
Hoạt động xây dựng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng biên giới Ấn Độ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Quân đội hai nước cử hàng nghìn binh sĩ và chuyển hàng trăm nghìn tấn lương thảo, nhu yếu phẩm lên khu vực Ladakh - Aksai Chin để chuẩn bị cho cuộc đối đầu dự kiến diễn ra suốt mùa đông.
Ảnh vệ tinh còn cho thấy một con đường dẫn từ hầm chứa đạn tới đèo Sinche-La, sau đó nối với tuyến đường có thể hoạt động trong mọi thời tiết do Trung Quốc xây dựng ở cao nguyên Doklam. Các chuyên gia nhận định hầm chứa đạn và tuyến đường mới là "nỗ lực củng cố hiện diện quân sự ở khu vực Doklam cùng thung lũng Chumbi của Trung Quốc ở phía bắc cao nguyên này".
Trung Quốc chưa bình luận về thông tin nước này xây dựng hầm chứa đạn gần khu vực tranh chấp.
Căng thẳng Trung - Ấn bùng lên tại Doklam từ giữa tháng 6/2017, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở cao nguyên giữa Bhutan và Trung Quốc để xây dựng các công trình giao thông. Phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.
Các khu vực tranh chấp trên biên giới Ấn - Trung. Đồ họa: Việt Chung. |
Ấn Độ sau đó triển khai vài trăm binh sĩ tới Doklam đối đầu với binh sĩ Trung Quốc. Căng thẳng kéo dài gần một tháng, trước khi hai bên nhất trí rút lực lượng.
Giới chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng Doklam năm 2017 "dường như thay đổi mục tiêu chiến lược của Trung Quốc", khiến họ "tăng gấp đôi số căn cứ không quân, trận địa phòng không và sân bay trực thăng gần biên giới Ấn Độ trong ba năm qua".
Nguyễn Tiến (Theo NDTV)
Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu lớn UAV vũ trang, Ấn Độ lo ngại Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu UAV vũ trang hàng đầu thế giới. Không những vậy, họ còn tích cực xuất khẩu UAV ... |
Động thái mới nhất của Trung Quốc ở biên giới tranh chấp với Ấn Độ Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp Trung-Ấn sau nhiều tuần đụng độ. |