Máy bay Trung Quốc đang bắn các thanh iot bạc lên bầu trời để mang thêm mưa đến sông Dương Tử, trong khi nhiều vùng của nước này rơi vào tình trạng hạn hán.
- Vì sao tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ra lệnh đóng cửa hàng loạt nhà máy?
- Trung Quốc trừng phạt 7 quan chức Đài Loan "ủng hộ độc lập"
- Trung Quốc tiếp tục tập trận xung quanh Đài Loan
Theo CNN, một số khu vực trên sông Dương Tử đã được triển khai các chương trình điều chỉnh thời tiết, nhưng do mây bao phủ quá mỏng, các hoạt động ở một số khu vực vẫn ở chế độ chờ.
Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc hôm 17/8 cho biết hạn hán trên toàn lưu vực sông Dương Tử đã "ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh nước uống của người dân nông thôn và gia súc, cũng như sự phát triển của cây trồng".
Cùng ngày, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc đã trở thành tỉnh mới nhất thông báo rằng họ sẽ tạo hạt cho mây để gây mưa, bằng cách sử dụng các thanh iốt bạc. Các thanh này thường có kích thước bằng điếu thuốc, sẽ được bắn vào các đám mây để giúp hình thành các tinh thể giúp đám mây tạo ra nhiều mưa hơn.
Trung Quốc tìm cách tạo thêm mưa trên sông Dương Tử.
Phương pháp tạo hạt cho mây (cloud seeding) này đã được thực hiện từ những năm 1940 và Trung Quốc có chương trình lớn nhất trên thế giới. Nó cũng từng được sử dụng gây mưa trước Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, nhằm đảm bảo thời tiết khô ráo cho sự kiện. Kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng để gây ra tuyết rơi hoặc làm dịu mưa đá.
Ít nhất 4,2 triệu người ở Hồ Bắc bị ảnh hưởng bởi một đợt hạn hán nghiêm trọng kể từ tháng 6, Cục Quản lý Khẩn cấp tỉnh cho biết. Hơn 150.000 người gặp khó khăn trong việc tiếp cận nước uống và gần 400.000 ha cây trồng bị thiệt hại vì nhiệt độ cao và hạn hán.
Dương Tử chỉ là một trong nhiều sông và hồ trên bán cầu bắc đang khô cạn và "co lại" do nhiệt độ cao không ngừng và lượng mưa thấp. Gặp tình trạng tương tự là hồ Mead ở Mỹ và sông Rhine ở Đức. Những điều kiện thời tiết khắc nghiệt này càng trầm trọng thêm bởi cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra, xuất phát từ đốt nhiên liệu hóa thạch.
Hoạt động kinh tế của các cộng đồng thường dựa vào các nguồn nước này, và chính phủ Trung Quốc đang phải can thiệp bằng các biện pháp thích ứng và quỹ cứu trợ, tiêu tốn một số tiền khổng lồ. Đầu tuần, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết một số vật nuôi đã được tạm thời di dời đến các khu vực khác, đồng thời cho biết sẽ cấp 300 triệu nhân dân tệ (44,30 triệu USD) để cứu trợ thiên tai.
Để thúc đẩy nguồn cung cấp cho hạ lưu, đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất Trung Quốc, cũng sẽ tăng lượng nước xả thêm khoảng 500 triệu mét khối trong 10 ngày tới.
Nắng nóng cũng buộc các nhà chức trách ở tỉnh Tây Nam Tứ Xuyên - nơi sinh sống của khoảng 84 triệu dân và là trung tâm sản xuất quan trọng - phải ra lệnh đóng cửa tất cả các nhà máy trong sáu ngày trong tuần này để giảm bớt tình trạng thiếu điện.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết nước này đã ban hành cảnh báo nắng nóng cao nhất cho ít nhất 138 thành phố và quận trên cả nước tính đến 17/8, và 373 khu vực khác được đặt trong tình trạng báo động màu cam. Tính đến 15/8, đợt nắng nóng ở Trung Quốc đã kéo dài 64 ngày, dài nhất trong hơn sáu thập kỷ. Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc cũng nói đây là đợt nóng "mạnh nhất" và có tồi tệ hơn trong những ngày tới.
Số lượng trạm thời tiết ghi nhận nhiệt độ từ 40 độ C trở lên đã lên tới 262, 8 trạm đạt 44 độ C. Nhiệt độ cao liên tục được dự báo sẽ tiếp tục ở lưu vực Tứ Xuyên và các khu vực rộng lớn ở miền Trung Trung Quốc cho đến ngày 26/8.
Cai Wenju, nhà nghiên cứu khí hậu tại viện nghiên cứu khoa học quốc gia Australia, cho biết một trường hợp áp suất cao đặc biệt từ vùng cao cận nhiệt đới Tây Thái Bình Dương, trải dài trên phần lớn châu Á, có khả năng là nguyên nhân gây ra cái nóng khắc nghiệt.
https://vtc.vn/trung-quoc-lam-mua-nhan-tao-tren-song-duong-tu-ar695204.html