Nhiều bộ phim truyền hình Việt chiếu vào giờ vàng có những cảnh nóng táo bạo nhưng lại không có bất cứ cảnh báo nào cho người xem, khiến cả trẻ con cũng có thể tiếp cận một cách dễ dàng.

Trong khi các bộ phim chiếu rạp được kiểm duyệt gắt gao, bị chỉnh sửa hoặc cắt bớt những cảnh quay nhạy cảm hoặc dán nhãn hạn chế khán giả ở 3 cấp độ (cấm khán giả dưới 13, 16, 18 tuổi) thì phim truyền hình đang có vẻ là vùng tự do vô biên khi các cảnh nóng được chiếu tràn lan và không có bất cứ cảnh báo nào về đối tượng khán giả có thể tiếp cận. 

Cảnh cưỡng bức được bàn tán trong phim "Tiếng sét trong mưa" đang phát sóng.  

 

Phim truyền hình ngập cảnh phòng the

 

Bộ phim đang gây chú ý trên màn ảnh Việt những ngày gần đây là "Tiếng sét trong mưa". Mặc dù chiếu trên một kênh truyền hình địa phương nhưng khán giả cả nước đều có thể xem bộ phim qua sóng truyền hình vào 20h hàng ngày hoặc trên các trang mạng.

"Tiếng sét trong mưa" có thể nói là bộ phim truyền hình có nhiều cảnh nóng trên màn ảnh nhiều năm qua với tần suất cao, từ mẹ kế gian díu với con chồng đến cô chủ cưỡng bức người hầu... Chính vì cảnh nóng dày đặc nên "Tiếng sét trong mưa" dễ dàng gây chú ý khiến rating và giá quảng cáo tăng vọt, thông tin phủ sóng khắp các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên cũng vì thế mà những hình ảnh nhạy cảm về bộ phim liên tục được chia sẻ.

Nhiều khán giả lo ngại "Tiếng sét trong mưa" được chiếu vào khung giờ đẹp, có quá nhiều cảnh người lớn nhưng lại không hề có bất cứ dòng cảnh báo nào về đối tượng có thể xem bộ phim. Đặc biệt các bậc phụ huynh lo ngại con cái họ có thể dễ dàng xem những cảnh này ở bất cứ đâu khi không có người lớn bên cạnh giám sát.

Do vậy nhiều người cho rằng đã đến lúc cần phải dán nhãn cho cả phim truyền hình như phim chiếu rạp để phân loại người xem cho phù hợp. Điều này các kênh truyền hình lớn của nước ngoài như StarMovies, HBO... đã làm từ lâu như luôn luôn có cảnh báo phân loại khán giả trước khi phát sóng mỗi phim.

"Quỳnh búp bê" từng bị ngưng chiếu trên VTV1, chuyển sang kênh VTV3 vào khung giờ phù hợp vì nội dung nhạy cảm. 

Cũng từng được chiếu vào khung giờ khá sớm như "Tiếng sét trong mưa", bộ phim "Quỳnh búp bê" về chủ đề gái mại dâm lên sóng VTV3 hồi tháng 7 năm ngoái đã bị nhiều khán giả phản đối vì thiếu cảnh báo, chưa kể lại chiếu trên kênh VTV1 vào thời điểm trẻ con vẫn còn thức và thường xem truyền hình với cả gia đình.

Sau vài tập phim, VTV đã phát đi cảnh báo trước khi phát sóng "Quỳnh búp bê" với nội dung phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi và khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem. Rất tiếc đây là bộ phim truyền hình hiếm hoi cho đến nay được nhà đài dán nhãn và cảnh báo và chưa được áp dụng trở lại dù có rất nhiều phim chứa đựng cảnh nóng táo bạo chỉ thích hợp cho người lớn.

Trước đó, năm 2014, kênh VTV2 từng mua bản quyền trình chiếu bộ phim "Chuyện ấy là chuyện nhỏ" (Sex and the City) của Mỹ nhưng sau đó dừng đột ngột. Năm 2016 bộ phim Mỹ này được lên sóng trở lại vào khung giờ 22h45 và dán nhãn cảnh báo cho khán giả cân nhắc. Tuy vậy "Chuyện ấy là chuyện nhỏ" cũng chỉ trình chiếu được 2 tuần là bị ngưng sóng do nhận nhiều phản ứng của người xem, đa số cho rằng phim có nội dung không phù hợp khi phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia.

 

 

 

Cảnh nóng trong phim "Bán chồng" đang phát sóng trên VTV. 

 

Cần cảnh báo người xem ngay lập tức

 

Cảnh nóng luôn là lá bài quan trọng để một bộ phim câu khách và các bộ phim truyền hình gần đây hầu như không phim nào là không có cảnh nóng, thậm chí tần suất ngày càng cao. Nhiều bộ phim từng gây sốt màn ảnh như "Những cô gái trong thành phố" hay gần đây là "Bán chồng", "Mộng phù hoa" và đặc biệt là "Tiếng sét trong mưa" đều khai thác nhiều cảnh nóng táo bạo như cách thu hút người xem cũng như đẩy giá quảng cáo lên cao. Tuy nhiên tất cả những phim đều đều không có bất cứ cảnh báo hay phân loại nội dung nào trước mỗi giờ chiếu nên có thể hiểu mọi đối tượng khán giả đều có thể xem thoải mái.

Đã đến lúc dán cảnh báo với nội dung phim phát sóng đang ngày càng chạy theo doanh thu quảng cáo và rating như hiện nay? Nhà thơ Nguyễn Phong Việt, người theo dõi mảng phim ảnh lâu năm, nêu quan điểm với VietNamNet về vấn đề này: "Theo tôi rất nên áp dụng hệ thống cảnh báo đối với các phim phát sóng hiện nay. Với điện ảnh chúng ta đã áp dụng vài năm rồi còn truyền hình đến giờ này chưa có bất cứ quy định nào. Tôi nghĩ lý do lớn nhất là bởi hiện tại ở Việt Nam chúng ta hầu hết đang tồn tại những kênh truyền hình không trả tiền. Nếu trả tiền thì mức độ cũng rất rẻ chứ không ở mức độ cao để khán giả bị hạn chế".

 Phim Việt ngập cảnh người lớn. 

Chúng ta đã biết thị trường phim truyền hình Việt Nam đang giống như một cuộc chiến, cố gắng trụ lại và sống sót nên họ bằng mọi cách làm những đề tài liên quan đến gia đình hay chuyện tình tay ba tay tư, những vấp ngã vào đời, chuyện ngoại tình, chuyện mẹ chồng - con dâu. Những nội dung như vậy chắc chắn sẽ có hạn chế đối tượng khán giả, đặc biệt những khán giả dưới 18 tuổi.

Các bộ phim truyền hình nổi tiếng nhất hiện nay đều đang chiếu ở các kênh của VTV hoặc cùng lắm là có thêm Vĩnh Long. Chúng ta cũng thấy các phim hiện đang làm PR rất dữ dội, không chỉ trên báo chí mà còn mạng xã hội nên mức độ lan tỏa của phim đến khán giả so với trước đât rất nhiều. Các phim gần đây chúng ta cũng thấy nhiều câu thoại, cảnh phim, những chi tiết không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi. 

 Rất ít phim truyền hình Việt có cảnh người lớn có cảnh báo người xem. 

Theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt, việc cảnh báo khán giả đối với mỗi bộ phim có nội dung nhạy cảm cần làm càng nhanh càng tốt bởi đối tượng của truyền hình là đại chúng trong khi rất nhiều bộ phim lại tập trung vào các vấn đề nhạy cảm của người lớn để dễ được chú ý và tăng hiệu quả truyền thông. "Theo tôi đó là việc ngay lập tức cần phải làm chứ không thể đợi nữa"- anh nói. 

Kỷ lục mới cho bộ phim truyền hình ngập cảnh người lớn
Nữ diễn viên sinh năm 2004 kể chuyện đóng cảnh người lớn với bạn diễn hơn 30 tuổi

/ vietnamnet.vn