Một xã hội nếu không biết đâu là thật đâu là giả, toàn háo danh hình thức, sống ảo, lừa lọc... thì không biết sẽ đi về đâu.
Dư luận vừa một phen ngỡ ngàng tột độ trước hình ảnh tấm băng rôn phô bày đủ loại chức danh "nổ đùng đùng" của người tự xưng 'nhà báo quốc tế' Lê Hoàng Anh Tuấn, nào là thạc sỹ luật học, tiến sỹ danh dự từ Vương quốc Anh 2018, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế.
Người ta choáng váng hơn khi thấy xuất hiện thêm tấm danh thiếp đề tên Lê Hoàng Anh Tuấn kèm theo danh xưng hội viên Hội nhà báo Việt Nam, TBT Tạp chí chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế có trụ sở văn phòng tại châu Âu, châu Á, châu Phi.
Mọi việc càng trở nên rùm beng vỡ lở khi dư luận phát hiện ra gần như các danh xưng hào nhoáng đó rất mập mờ, còn bị nghi vấn lừa đảo. Dở khóc dở cười hơn, một loạt nhân vật "tai to mặt lớn", có địa vị trong xã hội không hiểu vì nguyên do gì mà cuốn theo cơn cuồng danh của y, mất hết cả danh dự.
Tấm phông với chi chít những chức danh.
Người đời vẫn nói “khiêm tốn bao nhiêu còn chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa”. Thế mà có người lại cố nhồi nhét tất cả các chức danh “trên trời” vào một cái phông chật hẹp, để rồi bị "ném đá" không ngẩng mặt lên nổi. Ông cha ta có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” quả thật chí lí.
Thật buồn là chẳng phải riêng gì trường hợp trên, ở Việt Nam đang tồn tại không ít người háo danh không kém. Nhiều kẻ chẳng có tài cán gì nhưng cũng cố tìm kiếm một chức danh nào nó để oai, lên mặt với đời.
Háo danh chẳng khác nào một cơn đại dịch len lỏi vào đời sống của không ít người. Nó cũng là căn bệnh mà người ta vẫn hay gọi là bệnh vĩ cuồng, trong đó triệu chứng chính của căn bệnh này là luôn thổi phồng tầm quan trọng của mình, muốn người khác ngưỡng mộ…
Nhiều người bị kích thích bởi cái sự háo danh mà chẳng cần biết nó có “chính danh” hay không. Rồi từ cái sự háo danh ấy người ta ngộ nhận về bản thân mà chẳng cần biết sức mình có hạn. Cố nghĩ ra thật nhiều chức danh, thật nhiều chức vị tưởng để cho sang nhưng thật ra đó chỉ là “sang hèn”.
Vì cái danh hão, nhiều người sẵn sàng bỏ cả đống tiền để đi học đại học, thậm chí cao hơn chỉ để oai, thay vì mục đích mở mang kiến thức. Nói như cố nhà giáo Văn Như Cương thì đây là háo danh chứ không phải hiếu học.
Nhiều người bị kích thích bởi cái sự háo danh mà chẳng cần biết nó có “chính danh” hay không. Rồi từ cái sự háo danh ấy người ta ngộ nhận về bản thân mà chẳng cần biết sức mình có hạn.
Vì vài ba cái danh hão, có người sẵn sàng luồn cúi, nịnh nọt để dễ bề được thăng chức. Rồi có những kẻ rẻ rúng đến mức sẵn sàng chà đạp lên những luân thường đạo lý để cố kiếm lấy một cái danh.
Người Do Thái có một câu nói rất nổi tiếng rằng: “Bông lúa càng nhiều hạt, đầu nó càng rủ xuống. Người giỏi thường hay khiêm tốn”. Nếu có tài cán thật sự thì đâu cần những chức danh “trên trời” ấy. Liệu có phải khi không tự tin vào bản thân, năng lực có hạn thì người ta lại cố tạo ra những lớp son diêm dúa và hào nhoáng bên ngoài bằng thứ gọi là danh hão?
Lẽ ra xã hội càng phát triển, khoa học càng tiến bộ thì người ta phải càng phải biết rõ mình ở đâu trong cái xã hội này, thế mà có những kẻ vẫn chẳng cần quan tâm, thậm chí còn ngày ngày kiếm ăn trên những cái danh hão - vốn có thể mua được bằng tiền ấy.
Cá nhân háo danh, tập thể háo danh, tất cả đã biến nhiều người trở thành con rối trong mớ hỗn độn của căn bệnh vĩ cuồng. Đó cũng là cái cớ để hàng năm có hàng trăm giải thưởng không chính danh được người ta bỏ tiền mua về với chỉ một mục đích duy nhất là mang đi lòe thiên hạ, dối người tiêu dùng. Có những doanh nghiệp một năm thu không tới 200 triệu, tiền thuế có khi còn trốn mà vẫn doanh nghiệp xuất sắc này kia.
Cũng vì háo danh mà không ít người bị chính thứ này lừa phỉnh. Họ trở nên ít nghi ngờ, dễ cả tin vào những thứ hào nhoáng, để rồi bị lừa thảm.
Cách đây hai năm, một doanh nhân đã tạo nên một vỏ bọc thật hào nhoáng, thậm chí còn đi rao giảng đạo đức kinh doanh để đánh bóng tên tuổi. Nhưng sau đó chính vị này khiến nhiều người ngã ngửa khi nhiều của hàng bán lụa không đạt chuẩn như quảng cáo. Tất cả toàn là hàng từ Trung Quốc được bán với giá ‘cắt cổ’.
Mỗi năm, Việt Nam lại có thêm hàng nghìn tiến sĩ được ‘ra lò’. Nhưng tiếc rằng số lượng công trình khoa học hàng năm được công bố trên các tạp chí đạt chuẩn ISI/Scopus của Việt Nam lại rất thấp. Một xã hội háo danh đã đẩy nhiều người vào con đường danh vọng. Họ bị lóa mắt bởi những danh hão. Kẻ cơ hội thì tận dụng danh xưng để đi lừa, lòe thiên hạ.
Có lễ kỷ niệm danh xưng của một tỉnh cũng dự kiến chi cả trăm tỷ đồng để làm. Hàng năm có ít nhất vài chục cuộc thi sắc đẹp để lấy danh xưng khoe mẽ, thậm chí một số người lấy danh xưng chỉ để bán thân cho được giá. Có những sự kiện giới thiệu đại biểu mà quên không kèm giáo sư, tiến sĩ thì rất phiền.
Rồi có người cả đời không đọc hết nổi một cuốn sách nhưng bằng mọi cách để kiếm được tấm bằng tiến sỹ cho oai. Trong khi kẻ khác thì lúc nào cũng khoe quen biết các quan chức, nhân vật nổi tiếng nhưng thực tế chỉ là ‘thánh nổ’.
Một xã hội nếu không biết đâu là thật đâu là giả, toàn háo danh hình thức, sống ảo, lừa lọc... thì không biết sẽ đi về đâu.
Bộ GDĐT nói gì về văn bằng của “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn? Tự xưng “nhà báo quốc tế” với các bản lý lịch hoành tráng về trình độ học vấn, ông Lê Hoàng Anh Tuấn luôn khẳng ... |
Tạm đình chỉ chức Viện trưởng với ‘nhà báo quốc tế’ Lê Hoàng Anh Tuấn Người tự xưng “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn vừa bị tạm đình chỉ chức vụ Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh ... |
Lần theo tổ chức cấp thẻ “nhà báo quốc tế” cho ông Lê Hoàng Anh Tuấn Thẻ "nhà báo quốc tế" của ông Lê Hoàng Anh Tuấn do Hiệp hội đối ngoại châu Âu cấp nhưng đây thực chất là tổ ... |
Xóa tên 'nhà báo quốc tế' Lê Hoàng Anh Tuấn khỏi Hội Nhà báo Việt Nam Hội Nhà báo Việt Nam vừa có quyết định xóa tên Hội viên Lê Hoàng Anh Tuấn khỏi Hội Nhà báo Việt Nam. |