Việc tử tù bị tuyên án 21 năm trước nay lại bị bắt khi là ông chủ hộp đêm làm dấy lên nghi vấn về lỗ hổng pháp luật.
Tôn Tiểu Quả sinh tại thành phố Côn Minh (Trung Quốc), có bố mẹ công tác ngành cảnh sát tại thành phố. Cậy có thế lực, Quả thu phí bảo kê các khu vui chơi giải trí tại địa phương, gây khiếp sợ cho người dân.
Năm 1994, Quả tham gia hiếp dâm tập thể hai cô gái nhưng chỉ bị phạt ba năm tù, được cho chấp hành tại địa phương vì có bố mẹ dàn xếp giảm tuổi trên giấy tờ từ 19 xuống 17. Tới 1997, sau khi cùng bạn bắt nhốt hai bé gái vị thành niên tại hộp đêm rồi tra tấn, đánh đập và làm nhục, Quả bị tòa án thành phố Côn Minh tuyên án tử, tước quyền lợi chính trị trọn đời vào tháng 2/1998.
Trong thời gian chờ thi hành án, hắn được ân giảm tử hình, rồi sau đó được ra tù trước thời hạn vì cải tạo tốt vào khoảng 2012-2013. Tới tháng 4 năm nay, cảnh sát địa phương một lần nữa bắt giữ Quả trong đợt ra quân trấn áp băng nhóm tội phạm.
Tử tù Tôn Tiểu Quả thay tên đổi họ, trở thành ông chủ hộp đêm.
Khi bị bắt giữ, Tôn Tiểu Quả đang sống dưới cái tên Lý Lâm Thần. Nhà chức trách phát hiện từ khi ra tù vào 2012, Quả mở nhiều công ty và tham gia vận hành hộp đêm tại thành phố Côn Minh, trở thành ông chủ lớn.
Trường hợp của Tôn Tiểu Quả làm dấy lên câu hỏi tại sao một kẻ được coi là "ác bá" trong vùng, từng phạm tội ác nghiêm trọng lại không những có thể thoát án tử hình mà còn được ra tù sớm để tiếp tục gây tội.
Truyền thông tại Trung Quốc đưa tin, khi còn trong tù, Quả đã được cấp bằng sáng chế với loại "nắp cống có khóa liên động chống trộm", nhưng hồ sơ xin cấp bằng lại do mẹ của hắn nộp thay vào năm 2008. Bằng sáng chế được công khai vào tháng 5/2009, hết hạn vào ngày 4/1/2012 và không được gia hạn.
Nhiều người nghi ngờ Quả được ra tù một phần do đã lợi dụng chính sách giảm nhẹ hình phạt. Cụ thể, Điều 78 Bộ luật hình sự Trung Quốc quy định người phạm tội đang chấp hành án tù, nếu tuân thủ nội quy khi bị giam giữ, biết tiếp thu cải tạo, có biểu hiện thay đổi rõ rệt, hoặc lập công trạng thì sẽ được giảm nhẹ hình phạt. "Lập công trạng" ở đây được hiểu bao gồm "có phát minh sáng chế hoặc cải tiến kỹ thuật quan trọng", theo khoản 3 của điều 78.
Việc phạm nhân thông qua chính sách này để được giảm án từng bị báo chí Trung Quốc phanh phui vào năm 2015. Theo đó, phạm nhân giàu có có thể trả từ 6.800 tới 60.000 nhân dân tệ cho công ty cung cấp dịch vụ xin cấp bằng sáng chế để được đứng tên phát minh. Một số trung tâm sở hữu trí tuệ thậm chí còn công khai trên mạng rằng có thể tìm ra phát minh phù hợp với điều kiện học vấn, giới tính, nơi ở, và chuyên môn của người mua.
Một số trường hợp tiêu biểu cựu quan chức được giảm án qua chính sách này có thể kể đến Lương Kiến Hưng (từng công tác trong ngành y tế, đi tù vì nhận hối lộ) đã được cấp bằng sáng chế với 11 phát minh khi ngồi sau song sắt, bao gồm máy mát xa mắt, bông bịt mũi chống bụi PM2,5 dùng một lần,... từ đó được giảm một năm ba tháng tù. Nguyên phó chủ tịch hiệp hội bóng đá Trung Quốc tên Nam Dũng sau khi nhận án 10 năm 6 tháng tù về tội Nhận hối lộ cũng được giảm một năm tù sau khi được cấp bốn bằng sáng chế, trong đó bao gồm kệ đỡ smartphone.
Nguyên nhân của hiện tượng bùng nổ số lượng "nhà phát minh sau song sắt" được cho là khi ấy Trung Quốc chưa có hệ thống văn bản pháp lý thống nhất hướng dẫn các địa phương. Để khắc phục tình trạng này, ngày 15/11/2016, tòa án tối cao Trung Quốc đã ban hành Hướng dẫn cụ thể về cách áp dụng quy định giảm án, theo đó yêu cầu "phát minh cải tiến kỹ thuật" cần phải do tù nhân độc lập hoàn thành trong thời gian chấp hành án tù, và phải được cơ quan chủ quản xác nhận.
Châu Âu bừng tỉnh khi bị DN Trung Quốc thâu tóm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đi đầu trong việc hối thúc EC xây dựng một hệ thống giám sát đầu tư trong những ... |
Quốc Đạt (Theo Beijing News, The Paper)