Một trong những vấn đề được thảo luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5-2022 thu hút sự quan tâm của toàn xã hội là giá nguyên vật liệu “đầu vào”, nhất là giá xăng dầu tăng cao… tạo áp lực đối với nền kinh tế và đời sống người dân.
- Doanh nghiệp vận tải gồng mình chịu trận giữa 'bão' giá xăng dầu
- Hàng không quốc tế “ế” khách lại gặp "bão giá" xăng dầu chặn đà phục hồi
“Tôi không biết liệu chúng ta đã chứng kiến điều gì tương tự trước đây hay chưa, nhưng giờ mọi người đang ở trong một siêu bão…”. Một nhà điều hành doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế nói như vậy. Điều này không chỉ đúng với những thách thức nhân loại đang đối mặt mà còn là lời cảnh báo về một viễn cảnh u ám nếu không có một sự thay đổi lớn trên phạm vi toàn cầu. Có thể nói, thời điểm hiện tại, cả thế giới đang chao đảo vì nguyên liệu đầu vào...
Hội nhập sâu rộng trong bối cảnh toàn cầu hóa, lại có nhiều ngành hàng phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, nền kinh tế Việt Nam đang phải “gồng mình” với cơn “bão giá”. Thời gian vừa qua, giá vật tư nông nghiệp tiếp tục “leo thang” - ngô, đậu, cám gạo tăng 20-70% đẩy giá thức ăn chăn nuôi cao “chót vót”, doanh nghiệp, nông dân không có lãi, sản xuất cầm chừng. Trong khi đó giá sắt, thép, xi măng cũng tăng “chóng mặt”, từ 35 đến 70% khiến nhiều công trình bị đình đốn, nhà thầu liêu xiêu… Chưa kể giá xăng dầu như một cơn “cuồng phong” quật vào nhiều lĩnh vực kinh tế và hệ lụy của nó đã len lỏi trong đời sống thường nhật của mỗi gia đình Việt Nam.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng “chóng mặt”, nhưng với nhiều mặt hàng, doanh nghiệp chưa thể nâng giá sản phẩm vì sức mua trên thị trường không cao. Do vậy, các nhà sản xuất như đang “ngồi trên đống lửa” vì lợi nhuận sụt giảm.
Chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, 5 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép; chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,25% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 1,29% của năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020); thị trường tài chính cơ bản ổn định… Tuy nhiên, thách thức vẫn ở phía trước. Tình hình xung đột Nga - Ukraine chưa “hạ nhiệt” tiếp tục tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Và như vậy, nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải “gồng mình” trước khó khăn.
Để thích ứng và ứng phó với những bất ổn từ việc đứt gãy các chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, cùng với việc tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn”, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình, nhận diện thẳng thắn, kịp thời những khó khăn, thách thức có giải pháp phù hợp, hiệu quả…
Trước mắt, một trong những vấn đề cần triển khai là nghiên cứu, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, lưu kho; tăng cường các giải pháp bình ổn giá, xử lý triệt để vấn nạn đầu cơ nâng giá nguyên liệu sản xuất… Cùng với đó là tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại để giảm chi phí, tăng năng suất.
Với các nhà sản xuất, vấn đề quan trọng nhất lúc này là chủ động điều chỉnh kế hoạch, doanh số, lợi nhuận; tích cực đàm phán và tìm thêm các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào có giá cạnh tranh; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp tiết giảm tối đa chi phí hoạt động; thay thế các nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nghiên cứu mức tăng giá phù hợp với tình hình thị trường.
Về lâu dài, các nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy những chuyển dịch phù hợp để nâng cao khả năng phòng vệ và ứng phó hiệu quả với những biến động của thị trường thế giới như phát triển công nghiệp cơ bản, công nghệ nguyên vật liệu… qua đó, tăng cường năng lực tự chủ của nền kinh tế.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/1034008/ung-pho-voi-bao-gia-nguyen-lieu