Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về công tác vay, trả nợ công năm 2018 và việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ theo Nghị quyết của Quốc hội.
Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về công tác vay, trả nợ công năm 2018 và việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ theo Nghị quyết của Quốc hội.
Trong đó, Chính phủ đã cập nhật tình hình của Quỹ tích lũy trả nợ. Quỹ tích lũy trả nợ được thành lập nhằm đảm bảo khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và dự phòng rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ.
Chính phủ cho biết: Số dư của Quỹ tích lũy trả nợ tính đến 31/12/2018 tương đương 82.680 tỷ đồng.
“Các dự án được Chính phủ bảo lãnh trả nợ đầy đủ đúng hạn. Các dự án xi măng đã được tái cơ cấu và cải thiện khả năng thanh toán”, Chính phủ đánh giá.
Mặc dù vậy, báo cáo cho biết: Trong năm 2018, Quỹ Tích lũy trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu EUR (tương đương 8,13 triệu USD), nâng tổng trị giá ứng trả lên 82,6 triệu EUR (tương đương khoảng 97 triệu USD).
Tuy nhiên, đến hết năm 2018, Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ Tích lũy trả nợ.
Dự án nhà máy giấy Phương Nam là một trong 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công Thương. Dự án này đã đắp chiếu từ lâu và 3 lần bán đấu giá nhưng không ai mua.Theo Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2017, tổng giá trị bảo lãnh chính phủ là hơn 26 tỷ USD, chủ yếu là bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài. Trong đó, số nợ gốc là hơn 12,5 tỷ USD, giảm so với năm 2016.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cho biết: Quỹ Tích lũy trả nợ cũng phải ứng cho dự án BT Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan của Bộ Giao thông vận tải 44 triệu USD do vẫn chưa được cấp có thẩm quyền bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Liên quan đến Quỹ tích lũy trả nợ, khi kiểm toán ngân sách 2017, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại khi phải trả nợ thay cho nhiều dự án.
Số dư đến 31/12/2017, Quỹ tích lũy trả nợ đã ứng để trả nợ cho các dự án cho vay lại và dự án được Chính phủ bảo lãnh 17.292 tỷ đồng.
Trong đó, ba dự án đã quá hạn thanh toán 1.711 tỷ đồng là Nhà máy xi măng Hạ Long; Nhà máy thủy điện Xekaman 3; Nhà máy xi măng Đồng Bành.
Một dự án tiếp tục vay để trả nợ 182 tỷ đồng trong năm 2017 là Nhà máy giấy Phương Nam.
Hai dự án thủy điện tại Lào chưa thế chấp tài sản đảm bảo do chưa có cơ chế đối với tài sản tại nước ngoài gồm Nhà máy thủy điện Xekaman 1 và Xekaman 3.
Bộ Tài chính chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ khoản xóa nợ lãi phạt tính đến ngày 31/12/2016 của Dự án Xi măng Thái Nguyên hơn 218 tỷ đồng. Ngoài ra, Bản tin nợ công số 7 do Bộ Tài chính ban hành tháng 11/2018 còn thiếu dư nợ 463 tỷ đồng của 17 địa phương.
Theo báo cáo của Chính phủ, hàng năm, Quỹ Tích lũy trả nợ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về báo cáo, công khai số liệu tình hình hoạt động. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về nợ công, trong đó có kiểm toán Quỹ Tích lũy trả nợ đã được chú trọng, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với nợ công theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận: Một số dự án cho vay lại và bảo lãnh trước năm 2010 (trước khi Luật quản lý nợ công ra đời) gặp khó khăn Quỹ Tích lũy phải ứng trả nợ thay. Các khoản vay này đều do Nhà nước chịu rủi ro, điều này ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của Quỹ.
Ngoài ra, Quỹ Tích lũy trả nợ cũng hỗ trợ ngân sách nhà nước khi thiếu hụt nguồn vốn tạm thời. Số dư nợ cho ngân sách nhà nước vay của Quỹ Tích lũy trả nợ hiện nay ở mức hơn 23,5 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 28,52% tổng nguồn vốn của Quỹ.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, nợ công trong nước hiện nay là hơn 3 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ công trên GDP đã giảm mạnh, thấp hơn con số ước tính vào cuối năm 2018.
Cụ thể, nợ công đã giảm xuống dưới 60% GDP, ở mức 58,4% GDP và cũng là mức thấp nhất 3 năm qua. Kết quả này thấp hơn kịch bản nợ công ở mức 63,9% GDP mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra hồi tháng 8/2018 và trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Dự án ‘đội vốn' tới… hơn 3.800% Tình trạng đội vốn trong các dự án dùng vốn ngân sách khá phổ biến, song việc dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng ... |
Tỷ phú địa ốc Lý Gia Thành bán dự án nhà đất cuối cùng ở Trung Quốc Trong khi rất nhiều đại gia vẫn đang đổ tiền vào thị trường bất động sản Trung Quốc, tỷ phú Lý Gia Thành - người ... |
Cao tốc Bắc-Nam: Nhà đầu tư trong nước yếu thế so với nước ngoài? Các nhà đầu tư trong nước có thể đáp ứng được tiêu chí về tài chính, song khó đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm ... |
Nhà đầu tư nước ngoài không bị phân biệt khi đấu thầu dự án cao tốc Đại diện Bộ Giao thông Vận tải nói việc xây dựng cao tốc Bắc Nam cần quan tâm chất lượng hơn là "nhà đầu tư ... |