Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; khó khăn về vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp trong nước…, một số đối tượng tiếp tục sử dụng chiêu trò tiếp nhận vốn từ nước ngoài để lừa đảo cá nhân, doanh nghiệp trong nước.

Các nhóm cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động nghi vấn

Một trong số đó, phải kể đến trường hợp của Nguyễn Quốc Long, Lê Nguyên Thành, sáng lập viên, đại diện pháp luật Công ty cổ phần (CP) Di sản quốc tế Hồ Tràm; tổ chức tự xưng “Hội đoàn xử lý di sản tài chính quốc tế”... Thời gian trước đây, Nguyễn Quốc Long, Lê Nguyên Thành thành lập và liên tục sử dụng pháp nhân Công ty CP quốc tế Hồ Tràm lập nhiều bộ “hồ sơ”, “tờ trình” đề nghị được tiếp nhận nguồn vốn của “Hội đoàn xử lý di sản tài chính quốc tế”.

Sau khi bị các Cơ quan chức năng đề nghị giải thể pháp nhân Công ty CP Quốc tế Hồ Tràm do không đáp ứng đúng các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động, các cá nhân này tiếp tục thành lập Công ty CP Di sản quốc tế Hồ Tràm và có các hoạt động tương tự. Vừa qua, khi các cơ quan chức năng yêu cầu giải thể Công ty CP Di sản quốc tế Hồ Tràm theo quy định của pháp luật, đã xuất hiện đơn của một doanh nghiệp đề nghị không cho giải thể do bị các đối tượng này lừa đảo. Đáng chú ý, Lê Nguyên Thành còn sử dụng trang Facebook Đặc khu kinh tế - biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa đăng tải các thông tin không có thật là các “tờ trình”, “đơn đề nghị” liên quan đến “Hội đoàn xử lý di sản tài chính quốc tế” có thể gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.

ghep_2_1651194991521-1651195454918
Một số hình ảnh đăng trên Facebook của Lê Nguyên Thành được xác định là thông tin không có thật.

Trường hợp thứ hai là Đỗ Phú Phong và các doanh nghiệp liên quan. Đỗ Phú Phong (SN 1974, HKTT tại số 80/3 Lê Văn Thọ, phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) tham gia thành lập, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư tài chính Asian Tradebank và Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Hồng Ngọc đều có trụ sở tại phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Đỗ Phú Phong còn có tên trong danh sách sáng lập viên, giữ chức vụ Phó Giám đốc một doanh nghiệp tại tỉnh Bến Tre và một số doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp này cũng có “đơn”, “tờ trình” đề nghị tiếp nhận vốn từ nước ngoài…

Đáng chú ý, có tài liệu cho thấy Đỗ Phú Phong, với tư cách đại diện pháp luật Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Hồng Ngọc đã ký kết hợp đồng chuyển giao nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho Nguyễn Quốc Long, nhóm Công ty CP Quốc tế Hồ Tràm, Công ty CP Di sản quốc tế Hồ Tràm. Đỗ Phú Phong đã bị Cơ quan CSĐT - Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố với vai trò đồng phạm giúp sức trong vụ án Nguyễn Minh Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư tài chính Rolex, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính HCT; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu TFF, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 2 doanh nghiệp qua hình thức tiếp nhận vốn nước ngoài và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát đề nghị truy tố tháng 9/2021.

Quá trình điều tra cho thấy, mặc dù không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng Nguyễn Minh Hiệp vẫn thành lập nhiều công ty, với mục đích sử dụng pháp nhân để tạo vỏ bọc khi tiếp xúc, đàm phán hợp tác với đối tác. Biết ông T.S.H. và ông P.H.N. đang cần nguồn vốn lớn để kinh doanh, Hiệp tự nhận được sở hữu tài sản, di sản thừa kế “khủng” tại các tổ chức tài chính quốc tế.

Để che đậy lời nói dối, Hiệp đưa ra các giấy tờ giả gồm: hối phiếu (Bankdraft), giấy chứng nhận sở hữu tài sản, di sản thừa kế có giá trị từ hàng triệu đến hàng tỷ USD, các hình ảnh số lượng lớn tiền USD; đồng thời thông tin gian dối rằng có mối quan hệ với các cán bộ cấp cao trong cơ quan Nhà nước. Tin tưởng Hiệp có khả năng tài chính lớn, có thể đầu tư vào dự án mà doanh nghiệp của mình đang thực hiện, ông H., ông N. ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư, thỏa thuận kinh doanh với Hiệp, chuyển giao khoản chi phí mở cổng thanh toán quốc tế để chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam tổng cộng hơn 10,8 tỷ đồng.

Quá thời hạn nhưng Hiệp không chuyển tiền để hợp tác kinh doanh, không mở chứng thư bảo lãnh tại ngân hàng như đã cam kết, ông H và ông N biết bị Hiệp lừa đảo nên làm đơn tố cáo gửi cơ quan Công an. Lúc này, Hiệp mới trả lại 1,5 tỷ đồng cho ông H. và gần 3,4 tỷ đồng cho ông N. Hiện, Hiệp vẫn còn chiếm đoạt gần 5,9 tỷ đồng của ông H. Theo nhận định của cơ quan điều tra, hành vi phạm tội của Hiệp đã hoàn thành, việc Hiệp khắc phục hậu quả, trả tiền cho người bị hại chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ.

Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh truy tố Nguyễn Minh Hiệp về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị can Võ Văn Cận Em, Đỗ Phú Phong tham gia trong vụ án với vai trò đồng phạm giúp sức.

Theo chỉ đạo của Hiệp, Võ Văn Cận Em nhiều lần sử dụng tài khoản cá nhân của mình nhận từ ông H. tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng, rồi chuyển cho Hiệp sử dụng vào mục đích cá nhân chứ không để giải quyết công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết. Đỗ Phú Phong cung cấp cho Nguyễn Minh Hiệp bộ hồ sơ “chứng nhận sở hữu di sản” giả mạo, nội dung ghi nhận Hiệp sở hữu 5.000 tấn vàng, trị giá 10 tỷ USD, tại một ngân hàng ở Mỹ. Phong cũng giúp Hiệp làm giả bản hối phiếu của một ngân hàng, ghi nhận doanh nghiệp phía ông H. đã được cấp vốn với số tiền 100 triệu USD.

Một trường hợp khác có nhiều hoạt động nghi vấn phải kể đến là Nguyễn Văn Tân (SN 12/5/1971, HKTT tại số 10/2 đường Lý Quốc Bảo, phường Nhị Châu, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Nguyễn Văn Tân đã có tiền án, tiền sự và không có nơi cư trú ổn định. Nguyễn Văn Tân tham gia thành lập, đại diện pháp luật của Công ty CP Tài chính quốc tế nhân đạo An Sinh toàn cầu An Phát - HT, Công ty CP Thương mại quốc tế An Sinh toàn cầu An Phát - TP, Công ty CP Tài chính quốc tế nhân đạo An Sinh toàn cầu địa mẫu Hồ Chí Minh (Hải Dương) và Công ty TNHH Thương mại tài chính quốc tế Hoàng Gia vạn quốc bảo thông Bank toàn cầu (Hà Nội).

Qua xác minh, từ năm 2018 đến nay, Nguyễn Văn Tân đã nhiều lần sử dụng các pháp nhân nêu trên để gửi đơn, “tờ trình” đề nghị được tiếp nhận vốn nước ngoài, di sản tài chính… đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành để đề nghị được tiếp nhận các nguồn vốn từ nước ngoài. Tuy nhiên, qua phối hợp với các cơ quan chức năng, Cục An ninh Kinh tế đã làm rõ một số nội dung: các hồ sơ đề nghị tiếp nhận vốn từ nước ngoài đều không đúng quy định của pháp luật, các dự án không có thật, không có giấy tờ pháp lý của đối tác nước ngoài cũng như nguồn vốn từ nước ngoài, tài khoản của các doanh nghiệp không có tiền từ nước ngoài chuyển về như thông tin trên các chứng từ ngân hàng do Tân gửi kèm theo hồ sơ…

Thậm chí, tên, số tài khoản của đối tác nước ngoài cũng không tồn tại trên hệ thống của một ngân hàng ở Đức và được ghi nhận xuất hiện nhiều lần trên các bộ chứng từ được thông báo là giả mạo…

Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an cho biết: Các đối tượng đã lợi dụng sự khó khăn về nguồn vốn, thiếu hiểu biết và lòng tham của một bộ phận cá nhân, doanh nghiệp; sơ hở trong việc phát hành các văn bản tiếp nhận, trả lời của các cơ quan chức năng để lấy mẫu, chữ ký, sửa chữa nội dung để hoạt động lừa đảo. Các đối tượng đứng tên thành lập, đại diện các doanh nghiệp, hoặc bằng nhiều cách để có tên trong danh sách sáng lập viên các doanh nghiệp khác, được bổ nhiệm giữ các chức vụ phụ trách về tài chính, được ủy quyền để tiếp nhận nguồn vốn từ nước ngoài…

Cùng với đó, là câu kết, móc nối với các cá nhân mạo danh là đại diện các cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài không có thật vào Việt Nam hoặc mời/đề nghị các cá nhân, tổ chức trong nước cùng ra nước ngoài để tiếp xúc, gặp gỡ nhằm tạo niềm tin. Đặc biệt, các đối tượng tạo được niềm tin rất lớn với các cá nhân, tổ chức trong nước về nguồn tiền nên các cơ quan chức năng rất khó giải thích để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo.

Thông qua các mối quan hệ xã hội để giới thiệu, chào mời các cá nhân, doanh nghiệp trong nước về các nguồn vốn vay lớn, lãi suất thấp, tài trợ cho các dự án về an sinh xã hội, môi trường. Đặc biệt, bằng nhiều cách thức, các đối tượng tìm cách tiếp xúc, quan hệ với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành (đương chức, nghỉ hưu) có uy tín, chức vụ để nhờ cậy, tác động, tạo sức ép với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương.

Để tạo sự quan tâm, chú ý của các cơ quan chức năng, cá nhân, doanh nghiệp trong nước, hồ sơ tiếp nhận vốn nước ngoài có dấu hiệu nghi vấn thường nêu chung chung mục đích đầu tư cho các dự án kinh tế, dự án an sinh xã hội; trong đó, có các dự án mới được đồng ý về mặt chủ trương, chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép hoặc lên mạng Internet lấy thông tin, hình ảnh của các dự án để đưa vào hồ sơ, gồm cả những dự án lớn của Chính phủ như: dự án cao tốc Bắc - Nam, các dự án xây dựng bệnhviện, trường học…

Đáng chú ý, các đối tượng còn lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh để đưa đưa vào các “tờ trình”, “đơn đề nghị” tiếp nhận vốn từ nước ngoài. Cụ thể như, lợi dụng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố, nhóm công ty liên quan đến Đỗ Phú Phong đã gửi rất nhiều hồ sơ và lồng ghép nội dung “hỗ trợ quỹ vaccine”, “hỗ trợ dịch bệnh COVID-19” nhằm tạo sự chú ý, quan tâm của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, tổ chức…

Một trong những vấn đề đáng quan tâm là việc các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong đăng ký thành lập doanh nghiệp để tham gia thành lập, đại diện pháp luật của nhiều doanh nghiệp với số vốn điều lệ rất lớn lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đều không có hoạt động sản xuất kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, “chủ doanh nghiệp” thì không xác định được nơi cư trú và cũng không liên hệ được...

Đối với hình thức khai thác “kho báu”, “di sản”, “ngoại tệ trôi nổi”, các đối tượng thường lồng ghép các vấn đề tâm linh nhằm tạo niềm tin, mê hoặc các cá nhân, tổ chức nhằm thực hiện mục đích lừa đảo, lôi kéo tham gia. Thậm chí, có những cá nhân cho biết số ngoại tệ trôi nổi lên tới hàng trăm ngàn tỷ USD, được vận chuyển bằng rất nhiều container về Việt Nam qua đường biển mà các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như nước ngoài không biết, được cất giữ trong nhiều kho trên khắp đất nước, mà chỉ những người được giao “mật mã” mới vào được, ai cố tình tìm cách xâm nhập vào kho, hoặc nghe các đối tượng nói mà thiếu lòng tin sẽ phải trả giá rất đắt, kể cả tính mạng.

Tương tự, là các “tờ trình”, “đơn đề nghị” được tiếp nhận nguồn vốn ủy thác của các quỹ nhân đạo, quỹ đầu tư, quỹ tài chính quốc tế… có trụ sở tại nước ngoài. Tuy nhiên, qua xác minh, tìm hiểu, các quỹ này không có thật hoặc có rất ít thông tin liên quan đến hoạt động, đại diện các quỹ thậm chí đang bị cơ quan chức năng nước sở tại truy thu thuế, thu hồi giấy phép…

Sau khi đã tiếp cận, tạo được lòng tin, các đối tượng thường yêu cầu cá nhân, tổ chức có nhu cầu tiếp nhận/vay vốn chi trả các khoản chi phí (đi lại, giao dịch, làm thủ tục, mời chuyên gia nước ngoài thẩm định dự án...), tiền đặt cọc, tiền góp vốn, nếu có nhu cầu xem các giấy tờ có liên quan đến nguồn tiền thì phải “chi phí” để kết nối với cấp lãnh đạo, cơ quan nhà nước đang nắm giữ với lý do tài liệu “mật”... và tìm cách chiếm đoạt.

Đây là các thỏa thuận miệng, hợp đồng hợp tác có tính chất dân sự, khi có đơn thư tố cáo, các đối tượng sẽ thỏa thuận đền bù theo hình thức dân sự để tránh bị xử lý theo pháp luật về hình sự, nhưng sau đó sẽ tiếp tục tìm cách trì hoãn trả lại tiền hoặc trả thành nhiều lần. Một số cá nhân khi bị triệu tập làm việc đã khai báo không có bản gốc hoặc được các đối tượng khác (mà bản thân họ cũng không xác định được nhân thân, lai lịch) cung cấp nên cơ quan Công an rất khó khăn trong truy nguyên và xử lý; hoặc sử dụng các văn bản trả lời, tiếp nhận của cơ quan chức năng để sửa chữa nội dung, tạo niềm tin đối với các cá nhân/doanh nghiệp để hoạt động lừa đảo...

Với nhiệm vụ được phân công, Cục An ninh Kinh tế đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thẩm tra các chứng từ giả mạo của ngân hàng; tổ chức tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ban, ngành về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để phòng ngừa, ngăn chặn không để các đối tượng lợi dụng hoạt động lừa đảo. Phối hợp Công an các địa phương xác minh, làm rõ hoạt động của các đối tượng liên quan và có biện pháp răn đe, cảnh cáo; đấu tranh, làm rõ hoạt động lừa đảo của các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước cần cảnh giác với thủ đoạn hoạt động nghi vấn liên quan đến lừa đảo qua hình thức tiếp nhận vốn nước ngoài của các đối tượng, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hoặc chính bản thân sẽ bị vướng vào vòng lao lý. Trong trường hợp bị các đối tượng lừa đảo, cần thông báo đến cơ quan Công an để được hướng dẫn.