Quan chức, cán bộ, cũng là một trong những “người của công chúng”; các phát ngôn của họ được công chúng đặc biệt quan tâm và nhìn ở nhiều góc độ. Vì vậy, văn hóa phát ngôn cần được xem như cấu thành năng lực của cán bộ, quan chức.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ 3, Tổng Thanh tra Chính phủ tại buổi họp báo ngày 15.10. Ảnh: LH |
Dư luận đã nhiều phen “dậy sóng” với những phát ngôn “sốc” của quan chức. Hôm qua (15.10), những phát ngôn của ông Nguyễn Minh Mẫn - Quyền Vụ trưởng Vụ 3, Tổng Thanh tra Chính phủ tại buổi họp báo, cung cấp thông tin việc ông không xúc phạm, mạt sát phóng viên báo chí, tiếp tục bị dư luận phê phán.
Mặc dù được tổ chức để “chữa cháy” cho những phát ngôn “hớ hênh” tại buổi công bố quyết định thanh tra tại ĐH Quốc gia TPHCM ngày 28.9.2016, nhưng buổi họp báo của ông Nguyễn Minh Mẫn không những không dẹp được dư luận, mà càng làm tai tiếng thêm.
Đây không chỉ là vấn đề sơ hở trong phát ngôn mà thể hiện quan điểm, cách nhìn, lề lối ứng xử, làm việc của một cán bộ cao cấp, rất đáng lo ngại.
Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Q1, TPHCM - cũng đã phải viết thư trần tình về phát ngôn của ông đối với một lái xe vi phạm “Mình sống ở Q.1 là phải biết luật, chấp hành luật, còn không thì về rừng U Minh sống”.
Lời nói, phát ngôn, dù trong hoàn cảnh nào, đều thể hiện trí tuệ, nhận thức, quan điểm, nhân cách, cá tính của con người. Đối với quan chức, cán bộ, lại càng hết sức quan trọng, vì cán bộ là đại diện cho cả một tổ chức, đơn vị, tập thể, địa phương… Cha ông đã nói “Một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp” để răn dạy mỗi người cần hết sức thận trọng trong phát ngôn.
Ngày nay, với sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật, những lời nói, phát ngôn (bằng văn bản) của các cá nhân, trong mọi hoàn cảnh, đều có thể được lưu lại. Đã không ít quan chức, cán bộ dính “phốt” và lao đao vì phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, hoặc qua trao đổi, tin nhắn điện thoại.
Tuy nhiên, một thái độ cực đoan khác cần phê phán là cán bộ né tránh phát ngôn, không có ý kiến trước các sự việc liên quan, có trách nhiệm. Cần hiểu rằng, phát ngôn của quan chức cũng là một dạng hành động và có tác động không nhỏ đối với dư luận, nhân dân. Những phát ngôn tiêu cực có tác động lớn thì những phát ngôn tích cực, đúng thời điểm cũng có sức lan tỏa, động viên rất lớn, góp phần thúc đẩy tiến trình giải quyết vụ việc, tạo niềm tin cho dư luận.
Thiết nghĩ, cần xem văn hóa phát ngôn, kỹ năng nói trước công chúng là một bộ môn quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Và cái quan trọng không phải là cẩn thận, né tránh, ẩn mình, hay khoa trương, sáo rỗng, mà mỗi cán bộ cần bồi dưỡng về trí tuệ, nhận thức, rèn luyện về nhân cách để ngày càng hoàn thiện, xứng đáng với trọng trách và niềm tin của người dân.
Ông Nguyễn Minh Mẫn không chỉ thiếu tôn trọng báo chí Nghe lại đoạn ghi âm ông Mẫn nói trong buổi công bố quyết định thanh tra tại ĐHQG TP HCM ngày 28.9.2016 thì thấy không ... |
Đừng hòng ra "luật riêng"! Chuyện UBND tỉnh Cà Mau ra quy chế có nội dung trái với Luật Báo chí là biểu hiện của tâm lý cát cứ, chuyên ... |
Quy định lạ đời, đăng ý kiến phát biểu phải…xin phép (!) Nằm trong quy chế phát ngôn báo chí mới mà Cà Mau vừa ban hành, quy chế không được dùng những ý kiến phát biểu ... |
https://laodong.vn/dien-dan/van-hoa-phat-ngon-cua-quan-chuc-dang-co-van-de-570271.ldo