Khi nhiều địa phương dần nới lỏng giãn cách, việc xây dựng kịch bản hoạt động vận tải để áp dụng trên cả nước đang được tiến hành khẩn trương. Kịch bản này sẽ giúp đưa vận tải hoạt động trở lại một cách an toàn nhất, đảm bảo ở cấp độ dịch thế nào cũng sẽ có các biện pháp tương ứng, phù hợp.

Bến xe, doanh nghiệp vận tải đều sẵn sàng

Đến trưa 20/9, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội (đơn vị quản lý 3 bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm) cho hay, vẫn chưa nhận được thông báo chính thức của thành phố cho phép các bến xe mở cửa trở lại.

"Dù vậy, dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, chúng tôi tin rằng Hà Nội đang chuẩn bị phương án để các hoạt động vận tải sớm trở lại", ông Toàn nói và cho biết, tinh thần của các bến xe là sẵn sàng mở cửa để phục vụ doanh nghiệp và hành khách sau thời gian dài đóng cửa phòng dịch. Đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng vừa gửi Sở GTVT Hà Nội phương án về tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Đáng chú ý, các tiêu chí về "thẻ xanh/thẻ vàng COVID" sẽ được áp dụng đối với hành khách đi xe buýt. Cụ thể, người dân tiêm mũi vaccine thứ 2 được 14 ngày và không quá 12 tháng; đã tiêm 1 mũi vaccine đối với các loại vaccine chỉ cần tiêm 1 mũi; người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly trong vòng 21 ngày tính từ khi khỏi bệnh là những đối tượng được áp dụng tiêu chí "thẻ xanh". "Thẻ vàng COVID" được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng tiêm 1 mũi đối với vaccine có yêu cầu 2 mũi được 14 ngày. Đối với những cá nhân không có thông tin dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử do những lý do khách quan, có thể chứng minh bằng các giấy tờ có liên quan.

Là doanh nghiêp có gần 200 lái xe, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH X.E Việt Nam chia sẻ, do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên 1/3 lái xe đã nghỉ việc. Trước kịch bản đưa hoạt động vận tải khách trở lại sau giãn cách, ông Nam cho hay, nhân lực và phương tiện, doanh nghiệp có thể lo được nhưng quan trọng nhất là điều kiện được phép hoạt động trở lại chưa rõ ràng. Theo ông Nam, đối với tài xế phải tiêm vaccine hay chỉ cần giấy xét nghiệm; tỷ lệ cho phép vận chuyển khách là bao nhiêu… là những nội dung cần có hướng dẫn cụ thể.

"Cần có chủ trương thống nhất, đồng bộ về cách kiểm soát dịch giữa các địa phương. Vận tải hành khách phức tạp hơn rất nhiều, nếu không thống nhất, dù có nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp cũng khó hoạt động được", ông Nam nói. Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Taxi Mai Linh vùng I cho hay, doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược, bố trí nhân lực phù hợp khi chính thức chuyển dần trạng thái giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15.

"Hà Nội đã tiêm vaccine mũi 1 cho hơn 80% dân số. Tương tự, Bình Dương, Đà Nẵng, khi nới lỏng giãn cách, Hà Nội cũng đang áp dụng QR code để kiểm soát người và phương tiện vận tải. Tuy nhiên, cần thông thoáng thủ tục hành chính, sử dụng giải pháp công nghệ để kiểm soát lái xe như kiểm soát lái xe qua QR code", ông Hùng nói.

2.jpg -0

Kịch bản vận tải sau giãn cách sẽ có tính kết nối và nguyên tắc nhất định nhằm đảm bảo việc đi lại. (Ảnh minh hoạ).

Phương án lưu thông vừa thuận lợi, vừa đảm bảo phòng dịch

Liên quan đến việc tổ chức vận tải tới đây, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đối với địa phương thực hiện Chỉ thị 15, tạm dừng hoặc tổ chức lại giao thông công cộng để hạn chế đi lại từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Tùy theo loại hình vận tải, địa phương cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng với chuyến xe, số lượng xe không vượt quá 30% so với bình thường và bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với vùng thực hiện Chỉ thị 19, bà Hiền cho biết, sẽ tổ chức lại giao thông công cộng. Tùy theo loại hình vận tải, địa phương cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng với chuyến xe, số lượng xe không vượt quá 50% so với bình thường, bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Với trạng thái bình thường mới, cho phép hoạt động vận tải hành khách công cộng trở lại trạng thái hoạt động bình thường, khuyến khích lái xe, hành khách áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa các địa phương thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 sẽ theo hướng tập trung thực hiện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhu cầu thiết yếu của người dân. Hoạt động vận chuyển hàng hóa bình thường, khuyến khích lái xe, người xếp dỡ trên xe áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết thêm, hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục, các Cục chuyên ngành xây dựng kịch bản vận tải khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội. Kịch bản vận tải sẽ có tính kết nối giữa các phương thức và có những nguyên tắc nhất định, đảm bảo việc đi lại, chống ùn tắc, thuận lợi cho người dân, theo quy định phòng, chống dịch của địa phương.

Theo ông Thủy, đối với vận tải hàng hóa có thể xây dựng kịch bản cho từng lĩnh vực, nhưng đối với vận tải hành khách mỗi lĩnh vực có đặc thù vận chuyển riêng. Khi hành khách xuống máy bay, tàu hỏa phải có phương án đường bộ kết nối cụ thể. Ví dụ Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 nhưng các địa phương khác không áp dụng và ngược lại cũng sẽ được tính toán cụ thể để trung chuyển hành khách. Các tình huống đều có phương án lưu thông cụ thể từ vùng áp dụng Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 và ngược lại đều được đặt ra và có phương án phù hợp, đảm bảo hành khách được lưu thông thuận lợi vừa đảm bảo chống dịch.

Ngành Đường sắt chưa có kế hoạch cụ thể chạy lại tàu

Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngành Đường sắt chưa có kế hoạch cụ thể chạy tàu lại trên các tuyến. Tàu chạy qua và đón, trả khách tại nhiều ga, nhưng nhiều địa phương vẫn quy định quá chặt chẽ về phòng dịch nên nếu có tổ chức chạy tàu lại sẽ rất ít khách đi, không hiệu quả. Ngành Đường sắt đã chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức chạy lại tàu khách. Phương tiện, đầu máy, toa xe đã được chuẩn bị. Nhân viên phục vụ trên tàu được tiêm vaccine đầy đủ. Biểu đồ chạy tàu cũng đã lập sẵn", ông Quốc Anh nói.

Hơn 200 doanh nghiệp vận tải Hà Nội bị từ chối cấp giấy đi đường Hơn 200 doanh nghiệp vận tải Hà Nội bị từ chối cấp giấy đi đường

Ngày 12/9, thông tin từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, tính đến nay đã có hơn 200 đơn vị, doanh ...

/ cand.com.vn