Hãng thông tấn Tasnim đưa tin, một vệ tinh của Iran sẽ được phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa Soyuz của Nga vào ngày 25-7.

ve-tinh.png
Tên lửa đẩy Soyuz-2.1b mang theo vệ tinh sau khi rời khỏi bệ phóng tại sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur, cực Đông nước Nga, ngày 5-11-2024. Ảnh: Iran International

Vụ phóng dự kiến diễn ra lúc 9h54 sáng (giờ Tehran) từ sân bay vũ trụ Vostochny (Nga) và sẽ mang theo hai vệ tinh chính, Ionosfera-M 3 và 4, cùng với 18 tải trọng nhỏ hơn, bao gồm cả vệ tinh Iran chưa được đặt tên.

Trước đó, ngày 21-7, Iran cũng đã thực hiện một cuộc thử nghiệm cận quỹ đạo đối với bệ phóng vệ tinh Qased, nhằm phát triển công nghệ vũ trụ của nước này. Các chuyên gia cho biết, cuộc thử nghiệm, do Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) dẫn đầu, đóng vai trò là nền tảng để cải thiện năng lực tên lửa đạn đạo của Tehran.

"Tên lửa phóng vệ tinh cũng có thể phóng tên lửa, công nghệ của nó giống hệt nhau", Fatima Al-Asrar, một nhà phân tích chính sách người Mỹ gốc Yemen cho biết.

Iran khẳng định, chương trình không gian của họ vì mục đích hòa bình. Nhà phân tích Trung Đông Sina Azodi nhận định: "Thời điểm này Iran muốn thể hiện sức mạnh bất chấp những thất bại gần đây".

Các nhà quan sát khác cho rằng, các vụ phóng có thể được cân nhắc để tránh gây ra hành động trả đũa quân sự, đồng thời duy trì áp lực lên các cường quốc phương Tây.

Những cuộc thử nghiệm này đã gây lo ngại cho phương Tây do tiềm năng sử dụng kép của chúng, đó là cùng một công nghệ nhưng vừa được sử dụng để phóng vệ tinh, vừa có thể mang theo tên lửa đạn đạo.

Vào tháng 1-2024, ba nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức đã lên án việc Iran phóng vệ tinh Soraya bằng tên lửa Qaem 100, cảnh báo rằng hành động này sử dụng cùng một bệ phóng với các hệ thống tên lửa tầm xa.

https://hanoimoi.vn/ve-tinh-iran-se-duoc-phong-bang-ten-lua-soyuz-cua-nga-710184.html

Kim Phượng / Hà Nội Mới