Theo Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Hiroshima là điểm khởi đầu cho các nỗ lực hướng tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Phát biểu chiều 21/5 tại cuộc họp báo bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh G7 sau 3 ngày làm việc, Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố một trật tự quốc tế dựa trên quy định và thúc đẩy hợp tác với các nước Nam bán cầu để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Ông khẳng định, với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm G7 trong năm 2023, Nhật Bản sẽ dẫn dắt những nỗ lực của G7 để đạt các mục tiêu được đề ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Hiroshima. Thủ tướng đất nước mặt trời mọc cũng nhấn mạnh sự kiện này là điểm khởi đầu cho các nỗ lực hướng tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân -0
Các nhà lãnh đạo G7 cùng các nước là khách mời tham dự hội nghị.

Có cùng quan điểm, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng, việc thực hiện chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh G7 về một thế giới không có vũ khí hạt nhân là "khả thi". Là một người ủng hộ nhiệt thành giải trừ vũ khí hạt nhân và đã nhiều lần đến thăm Hiroshima, thành phố hứng chịu vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào năm 1945, Tổng Thư ký Antonio Guterres chia sẻ việc ông có mặt tại đây là điều "xúc động" và "chạm đến tận cùng niềm tin sâu sắc".

Người đứng đầu LHQ ca ngợi những nhân chứng sống của vụ ném bom nguyên tử tại Nhật Bản, cho biết, các chuyến thăm trước của ông tới Hiroshima đã giúp ông "cảm thấy được thúc đẩy sâu sắc bởi lòng dũng cảm, sự bền bỉ và tiếng nói của họ". Ông nhấn mạnh: "Họ cần được mọi người trên thế giới xem là lý do cơ bản để cân nhắc coi giải trừ hạt nhân là một ưu tiên".

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Trong sổ lưu bút của Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình Hiroshima, nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này hồi năm 1945, người đứng đầu Nhà Trắng viết: "Hy vọng những câu chuyện mà bảo tàng lưu giữ nhắc nhở tất cả chúng ta về nghĩa vụ xây dựng một tương lai hòa bình... Cùng nhau, chúng ta hãy tiếp tục đạt được tiến bộ hướng tới ngày mà chúng ta có thể cuối cùng và mãi mãi thoát khỏi thế giới vũ khí hạt nhân".

Các nỗ lực để tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân cũng được nhắc lại trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7. Bên cạnh đó, Tuyên bố chung còn đề cập những nội dung đáng chú ý khác như phản đối các hành vi sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng; kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để giúp chấm dứt xung đột Ukraine; khẳng định sẵn sàng xây dựng với Trung Quốc mối quan hệ ổn định và có tính xây dựng; kêu gọi Trung Quốc giải quyết hòa bình vấn đề eo biển Đài Loan.

Các nhà lãnh đạo G7 cam kết khởi động cơ chế tăng cường ngăn chặn các hành vi cưỡng ép kinh tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước đang phát triển và mới nổi để cùng đối phó các vấn đề mang tính toàn cầu. Tuyên bố chung nêu rõ các nước G7 cam kết thực thi các nỗ lực để duy trì sự ổn định tài chính và thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng; bắt đầu các cuộc thảo luận về các quy định chung đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) vào cuối năm; phối hợp để đẩy nhanh tiến trình chuyển giao sang năng lượng sạch và thúc đẩy tăng cường quyền con người, bình đẳng giới trên toàn cầu.

Trung Quốc đã ngay lập tức đưa ra phản ứng đối với Tuyên bố chung của G7. Bắc Kinh nhấn mạnh "Trung Quốc không hài lòng mạnh mẽ và kiên quyết phản đối" Tuyên bố chung của G7 về các nội dung liên quan đến nước này và đã "giao thiệp nghiêm khắc" với Nhật Bản - nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 và các bên liên quan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, G7 không quan tâm đến những "quan ngại nghiêm trọng" của nước này, bôi nhọ công kích và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, trong đó có vấn đề Đài Loan. Tuyên bố của Trung Quốc tái khẳng định, "giải quyết vấn đề Đài Loan là việc riêng của người Trung Quốc và phải do người Trung Quốc quyết định", đồng thời cảnh báo "bất cứ ai cũng không nên đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ, ý chí kiên định và khả năng to lớn của người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".

Về vấn đề "cưỡng bức kinh tế", Bắc Kinh cho rằng, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương và "tách rời đứt chuỗi" mới  là "cưỡng bức" thực sự với việc chính trị hóa và vũ khí hóa quan hệ kinh tế thương mại, đồng thời cảnh báo G7 không nên trở thành "kẻ đồng lõa và tiếp tay" của Mỹ, hối thúc nhóm này "quay trở lại con đường đối thoại và hợp tác đúng đắn".

Với động thái tương tự, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày nhấn mạnh, các quyết định của Nhóm G7 đưa ra tại hội nghị là nhằm mục đích "ngăn chặn kép" Moscow và Bắc Kinh. Ông tái khẳng định: "Phương Tây đang sử dụng Ukraine như một công cụ để tạo ra thất bại chiến lược cho Nga, tuy nhiên Mỹ và đồng minh đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng họ chỉ đang giúp Kiev tự vệ. Mục tiêu của họ đã được thiết lập một cách rõ ràng và công khai, đó là đánh bại Nga trên chiến trường. Nhưng không dừng lại ở đó, họ còn muốn loại bỏ Nga với tư cách là một đối thủ địa chính trị. Hãy nhìn vào những quyết định đang được thảo luận và thông qua tại Hiroshima". Ông cho biết thêm rằng, phương Tây đang gây áp lực buộc các nước phải cắt đứt quan hệ thương mại và kinh tế với Nga nhưng Moscow được rất nhiều đồng minh và đối tác ủng hộ.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/vi-mot-the-gioi-khong-co-vu-khi-hat-nhan-i694306/

Khổng Hà / Công an nhân dân