Khi Chủ tịch Đà Nẵng còn đang thực quyền thì việc di lý nghi can ra Hà Nội điều tra là để đảm tính khách quan, trung thực.

Có nét giống vụ án đe dọa Chủ tịch UBND Bắc Ninh

Liên quan đến thông tin, ngày 20/8, Cục cảnh sát hình sự (C45) Bộ công an đã di lý ông Đào Tấn Cường ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra, trao đổi với Đất Việt, Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết:

"Thứ nhất, không biết lý do gì mà ông Cường lại đe dọa giết Chủ tịch Đà Nẵng, chắc chắn có gì uẩn khúc ở đây mà giải quyết bằng con đường pháp luật không được.

Thứ hai, trong Bộ Luật hình sự có quy định rõ một số tội gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhưng cũng có tội không cần gây hậu quả cũng xử lý ngay như âm mưu giết người.

Cụ thể, theo Điều 103 – BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

vi sao di ly nghi can doa giet chu tich da nang
Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ từng thông báo mình bị đe dọa

Còn theo khoản 2 Điều 103 sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu sự việc xảy ra đối với nhiều người, đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, đối với trẻ em hay để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác".

Nói về lý do cơ quan công an di lý nghi can ra Hà Nội, theo ông Thuận, việc đe dọa Chủ tịch của một thành phố trực thuộc trung ương, nên ông Thơ thuộc diện cán bộ của Trung ương quản lý, lại đang có thực quyền, nên nếu công an địa phương chịu sự lãnh đạo và chỉ thị trực tiếp của ông Thơ, liệu điều tra có khách quan hay không?.

Thậm chí là việc này dẫn sang việc khác, nên di lý ra Hà Nội thì khi điều tra nghi can sẽ nói hết vì sao làm như vậy, cũng không tránh được lý do trả thù cá nhân.

"Chắc chắn ở đây lực lượng điều tra muốn làm rõ ra, khách quan, không chịu áp lực, điều này về nghiệp vụ chuyên môn là cần thiết.

Bây giờ cần làm rõ động cơ của ông Cường vì sao dọa giết ông Thơ, nếu chỉ vì bức xúc thì chỉ cần làm đơn tố cáo, nhưng có khi thấy không làm được thì tìm cách dọa dẫm.

Nhưng thực tế có nhiều cá nhân bức xúc đòi giết người, có thể cách làm của họ là sai, nhưng động cơ lại là đấu tranh chống tiêu cực, hoặc họ chịu nhiều sự chèn ép.

Thậm chí trong sự việc này cũng cần làm rõ, đằng sau ông Cường có cá nhân nào xúi giục khác hay không", ông Thuận cho biết thêm.

Có nét giống vụ án đe dọa Chủ tịch UBND Bắc Ninh

Cùng ngày, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (C45) Bộ công an cho biết, sáng cùng ngày đơn vị đã di lý ông Đào Tấn Cường ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến thông tin, hiện ông Cường đang bị Cục Cảnh sát Hình sự tạm giữ hình sự để lấy lời khai, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.

Theo ông Tiến vụ việc nhắn tin đe dọa giết ông Thơ có nét giống với vụ án đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh hồi đầu năm 2017.

Cụ thể, trong hai vụ này, đối tượng đã có hành vi dùng điện thoại di động soạn tin nhắn gửi vào số điện thoại di động của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên vụ việc ở Bắc Ninh, cơ quan tố tụng đã tiến hành khởi tố điều tra và truy tố đối tượng về tội Khủng bố.

Còn vụ việc liên quan đến Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, từ chứng cứ ban đầu, cơ quan Công an đang tiến hành điều tra theo hướng đe dọa giết người.

Khi phóng viên đề cập đến nội dung tin nhắn nghi can Đào Tấn Cường gửi cho ông Huỳnh Đức Thơ thì vị đại diện từ chối trả lời và cho biết, hiện đang trong quá trình điều tra nên không thể cung cấp nội dung tin nhắn.

Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ từng nhiều lần nói bị đe dọa

Trong một diễn biến liên quan, trao đổi với báo chí, ông Trần Đình Quỳnh – Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ từng nhiều lần thông báo mình bị đe dọa.

Theo ông Trần Đình Quỳnh, tại một số hội nghị và các cuộc họp ở Đà Nẵng, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã nhiều lần nói ông bị một số đối tượng nhắn tin đe dọa.

Tuy nhiên theo ông Quỳnh, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng không phải đơn vị tiếp nhận để trình báo ra Bộ Công an và ông cũng không biết Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) theo dõi vụ việc từ khi nào.

“Anh Thơ cũng đã trả lời rồi, bây giờ chờ kết quả điều tra của Bộ Công an chứ mình cũng không biết được”, ông Quỳnh nói.

Cùng thời điểm ông Thơ bị nhắn tin đe doạ, một số lãnh đạo, cán bộ cấp sở, văn phòng của UBND TP Đà Nẵng cũng nhận được những tin nhắn tương tự.

Được biết hành vi của ông Cường xảy ra sau khi Thành uỷ, UBND TP Đà Nẵng có một số quyết định liên quan đến công tác điều động, bổ nhiệm nhân sự của TP này.

/ Châu An/baodatviet.vn