Sau 7 ngày xuất hiện 2 ca dương tính đầu tiên, đến tối 30/8, ổ dịch ở ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã có 308 ca dương tính với SARS-CoV-2. Nhiều người lo lắng đặt câu hỏi, vì sao Hà Nội không tiến hành phong tỏa phường Thanh Xuân Trung?

Đến ngày 6/9, Hà Nội hết đợt giãn cách thứ 3 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hơn 1 tháng thực hiện “biện pháp mạnh”, song dịch COVID-19 ở Thủ đô vẫn đang rất phức tạp với nhiều ca mắc trong cộng đồng, xuất hiện nhiều ổ dịch mới, trong đó có những ổ dịch kéo dài.

Xuất hiện từ ngày 23/8, qua 7 ngày, đến tối 30/8, ổ dịch ở ngõ 328-330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân đã ghi nhận 308 ca dương tính. Đây là ổ dịch tương đối phức tạp khi có tốc độ lây lan nhanh, sâu trong khu vực.

Vì sao Hà Nội không phong tỏa phường Thanh Xuân Trung? -0

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong khu vực phong tỏa (Ảnh: Tiền Phong)

Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 30/8, BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết: Ổ dịch ở ngõ 328-330 Nguyễn Trãi đã trải qua vài chu kỳ lây nhiễm. Sở dĩ dịch lây lan nhanh là vì mật độ dân cư cao, đất chật, người đông, đặc biệt người dân còn sử dụng chung nhà vệ sinh công cộng, điển hình là ở tập thể Bóng đèn phích nước Rạng Đông, đầu giờ sáng và cuối giờ chiều người dân còn xếp hàng chờ nhau dùng nhà vệ sinh nên lây nhiễm là điều không thể tránh khỏi. Trong ngày 29/8, ổ dịch có 92 ca dương tính; đến tối 30/8, có thêm 53 ca. Dự báo trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục thêm nhiều ca dương tính nữa.

Theo BS Khổng Minh Tuấn, CDC Hà Nội đã kiến nghị quận Thanh Xuân tìm phương án giảm bớt mật độ dân cư ở đây, nếu làm được điều này sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên đến nay, phương án này chưa được thực hiện.

Nhiều người lo ngại, với khoảng gần 2.000 người sinh sống trong ổ dịch, những ngày chưa bùng phát, họ có thể đã tiếp xúc với nhiều người ở nơi khác, nên cần thiết phải phong tỏa cả phường Thanh Xuân Trung?

Về điều này, BS Tuấn cho biết: Đây là hai ngõ độc đạo, thành phố đã phong tỏa khóa chặt 2 ngõ nên người dân không ra ngoài được và dịch cũng không lây ra ngoài được nữa. Chính vì thế không tiến hành phong tỏa cả phường. Còn với những người ở nơi khác có liên quan với người dân trong ổ dịch, ngay ngày đầu phát hiện dịch ở đây, ngành y tế đã thông báo những ai có liên quan đến người nhà hoặc người dân ở đây trước khi phong tỏa phải liên hệ với y tế nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm. Điều lo lắng nhất hiện nay là tiếp tục có các ca dương tính ở trong khu vực phong tỏa.

Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, hiện nay, đáng lo ngại là ổ dịch ở đường Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai liên quan đến nhóm lái xe luồng xanh từ TP Hồ Chí Minh. Tại ổ dịch này đến tối 30/8 đã ghi nhận 52 ca dương tính trong vòng 6 ngày. Hiện lực lượng y tế đang tiến hành lấy 8.000 mẫu xét nghiệm trên tổng số 16.000 người dân để "vét sạch" F0 ngoài cộng đồng.

BS Tuấn cũng nhấn mạnh, ổ dịch ở phường Văn Chương, Văn Miếu, Thổ Quan của quận Đống Đa cũng đáng lo ngại vì 3 ổ dịch này tuy đã được phong tỏa nhưng dịch đã lây lan rộng, vẫn tiếp tục còn ca mắc.

“3 phường của quận Đống Đa có nhiều ngõ ngách, các ngõ ngách có nhiều đường ra, nếu không kiểm soát chặt thì sẽ có nguy cơ lây lan dịch ra ngoài”, BS Tuấn lo lắng cho biết.

Trần Hằng

Hà Nội: Ổ dịch phường Thanh Xuân Trung có 303 người nhiễm nCoV Hà Nội: Ổ dịch phường Thanh Xuân Trung có 303 người nhiễm nCoV
Ổ dịch Thanh Xuân Trung đã có 188 F0 Ổ dịch Thanh Xuân Trung đã có 188 F0

/ cand.com.vn