Nhiều tỉnh, thành vẫn bất tuân quy định "thích ứng an toàn" của Chính Phủ, vẫn yêu cầu test COVID-19, thậm chí TP.HCM và các tỉnh giáp ranh "mỗi nơi làm một kiểu".
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Bộ Y tế có Quyết định 4800 ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, một số tỉnh thành đã khẩn trương ra các văn bản bỏ yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 khi vào địa phương. Tuy nhiên, một số nơi như Hà Nội, TP.HCM, Thái Bình, Nam Định... vẫn chưa thực hiện quy định này.
Hà Nội vẫn duy trì 21 chốt kiểm soát
Ngày 13/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành văn bản triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới. Cụ thể, nhiều hoạt động, dịch vụ được mở trở lại, tuy nhiên trong công điện này không nhắc tới 22 chốt cửa ngõ.
Đến nay, các chốt cửa ngõ ra vào Thủ đô vẫn được thực hiện để kiểm soát phương tiện ra, vào thành phố gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển.
Ngày 14/10, trả lời PV VTC News, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội chưa có chỉ đạo về việc bỏ chốt hay dừng kiểm tra xét nghiệm COVID-19 trước khi vào thành phố nên Công an TP chưa thể tháo chốt kiểm soát. Tuy nhiên, các chốt sẽ linh hoạt để tránh gây ùn tắc.
Chốt kiểm soát dịch COVID-19 được đặt tại Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ. |
Đến sáng nay (15/10), Hà Nội tạm thời rút chốt kiểm soát ra vào cửa ngõ thành phố trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên.
"Do tỉnh Hưng Yên không đồng ý cho để chốt tại đấy nữa nên chúng tôi tạm thời rút đi. Hiện chưa quyết định bỏ hẳn hay lùi chốt về Hà Nội, nếu lùi về Hà Nội thì chúng tôi sẽ bố trí một tổ kiểm tra xác suất người và phương tiện. Chúng tôi đã đề xuất và đang chờ ý kiến của thành phố. Chiều nay, Hà Nội sẽ họp bàn về hoạt động của 22 chốt cửa ngõ", Đại tá Trần Ngọc Dương cho biết thêm.
Như vậy, sau khi tạm bỏ chốt ở địa phận Hưng Yên, Hà Nội còn 21 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội ngày 14/10, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cho biết, Hà Nội quyết tâm chủ động thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế tại Hội nghị lần thứ tư vừa qua và Nghị quyết số 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Trong đó, Hà Nội mở lại các hoạt động nhưng không nóng vội, làm từng bước thận trọng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô; mở ra nhưng phải theo nguyên tắc, có trật tự, vào thành phố vẫn phải đáp ứng các điều kiện an toàn.
TP.HCM và các tỉnh giáp ranh vẫn "mỗi nơi làm một kiểu"
Ghi nhận của PV VTC News lúc 7h30 ngày 15/10, tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 liên tỉnh Bình Dương - TP.HCM, các chốt vẫn chưa thống nhất phương án kiểm tra người qua lại.
Tại chốt kiểm soát cầu Phú Long (giao TP Thuận An, Bình Dương với quận 12, TP.HCM), người dân đi từ Bình Dương qua TP.HCM không cần giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính, chỉ cần tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, chốt kiểm dịch của TP Thuận An yêu cầu người dân cần có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được vào thành phố.
Còn tại chốt kiểm dịch cầu Vĩnh Bình trên Quốc lộ 13 (giao TP Thuận An với TP Thủ Đức, TP.HCM), người dân đi từ Bình Dương qua TP.HCM vẫn phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính, tiêm đủ 2 mũi vaccine. Ở chiều ngược lại cũng được yêu cầu tương tự.
"Nghị quyết hay thông tư nào chúng tôi không biết, chỉ khi nào chốt chúng tôi nhận được quyết định của thành phố về việc thay đổi kiểm tra thì chúng tôi mới thực hiện. Còn bây giờ, nếu không có giấy xét nghiệm âm tính và đã tiêm vaccine thì xin quay đầu xe", một cán bộ trực chốt nói.
Tại chốt cầu Vĩnh Bình (TP Thuận An đi TP Thủ Đức, TP.HCM), người dân được lực lược kiểm soát dịch của TP Thuận An yêu cầu có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được qua chốt. |
Chị Nguyễn Thị Hồng Huế (ở phường Vĩnh Phú, TP Thuận An) thắc mắc: "Sáng nay tôi đi lấy hàng, tôi đi từ Thuận An (Bình Dương) qua quận 12 (TP.HCM) có ai yêu cầu giấy xét nghiệm gì đâu, thế mà khi về lại yêu cầu giấy xét nghiệm. Giờ biết đi đâu mà xét nghiệm được. Đi thì cho, về thì không. Thế này người dân biết đâu mà lần".
Tại chốt kiểm soát G4 trên Quốc lộ 1A, thuộc huyện Bình Chánh - giáp ranh tỉnh Long An và TP.HCM, lực lượng chức năng vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính.
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát G4 kiểm tra giấy tờ của người dân. |
Người dân từ Long An vào TP.HCM và ngược lại bắt buộc phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được qua chốt, ai không có giấy xét nghiệm còn hiệu lực không được qua chốt và bị yêu cầu quay đầu xe. Người được qua chốt phải khai báo di chuyển nội địa.
Tuy nhiên, tại chốt phía Long An, việc kiểm tra giấy tờ của người dân có phần “du di” hơn.
Ông Nguyễn Văn Bảy, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM di chuyển qua Long An cho biết, sáng nay qua chốt của Long An không bị kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19, tuy nhiên lúc về lực lượng tại chốt TP.HCM lại yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được qua chốt.
Theo ông Bảy, Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành từ 11/10 cho phép mở lại trường học, đi lại giữa các vùng, ngoại trừ vùng đỏ và Bộ Y tế đã có hướng dẫn rõ ràng không yêu cầu xét nghiệm COVID-19 âm tính nhưng khi qua chốt lực lượng chức năng vẫn yêu cầu kiểm tra giấy xét nghiệm khiến ông bức xúc.
Ông Bảy cho biết thêm, sau khi thắc mắc về Nghị định 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, lực lượng chức năng trực tại chốt giải thích “thành phố chưa có văn bản ban hành cục thể nên bắt buộc kiểm tra giấy xét nghiệm”.
Một cán bộ kiểm soát tại chốt này cho biết, từ sáng nay rất nhiều người nêu lý do Nghị quyết 128 cho phép đi lại giữa các tỉnh thành mà không cần giấy xét nghiệm, nhưng thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể nên lực lượng chức năng vẫn phải kiểm tra giấy xét nghiệm của người dân.
Tại chốt kiểm soát dịch cửa ngõ Đồng Nai đóng trên quốc lộ 1A, đoạn tiếp giáp TP.HCM và Bình Dương, lực lượng chức năng chỉ cho phép người dân sử dụng xe ô tô cá nhân đi lại giữa Đồng Nai và TP.HCM.
Người ngồi trên xe ô tô phải đáp ứng đủ 2 điều kiện gồm: đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 (ít nhất 1 mũi với loại vaccine tiêm 2 mũi đủ 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 6 tháng và có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).
Một cán bộ trực chốt cho biết, Đồng Nai vẫn chưa chấp thuận cho người dân đi lại giữa TP.HCM và Đồng Nai bằng xe máy.
“Thời điểm này ở Đồng Nai tình hình phòng chống dịch vẫn còn phức tạp, đặc biệt TP Biên Hoà giáp ranh với TP.HCM dịch vẫn còn diễn biến khó lường. Do đó phương án di chuyển bằng xe cá nhân (xe mô tô, xe máy) cho công nhân sẽ dễ dẫn đến Đồng Nai không thể kiểm soát được dịch”, cán bộ này nói.
Anh Lưu Tiến Thanh (ở quận 4, TP.HCM) cho biết, quy định mới của riêng Đồng Nai gây khó khăn cho cá nhân anh trong việc đi lại. Anh Thanh có hộ khẩu thường trú ở TP.HCM nhưng đang làm việc tại TP Biên Hoà. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp anh Thanh chuyển đến nhà người quen ở Biên Hoà sống để tiện cho việc làm việc.
“Tôi muốn về thăm con ở TP.HCM nhưng đi bằng xe máy cá nhân thì không được. Sau đó tôi quyết định mượn xe ô tô của đồng nghiệp để qua chốt. Ngoài ra tôi còn phải xét nghiệm COVID-19 mới được cán bộ trực chốt cho phép đi từ Đồng Nai về TP.HCM”, anh Thanh nói.
Thái Bình, Nam Định vẫn đang "nghiên cứu"
Sáng 15/10, trả lời PV VTC News, một cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nam Định cho biết, do thời gian gấp gáp nên chiều nay lãnh đạo tỉnh sẽ tổ chức họp bàn quyết định điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch, tinh thần là sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế cho hay, địa phương này vẫn đang áp dụng biện pháp kiểm soát người về từ địa phương khác phải có kết quả test nhanh COVID-19 âm tính mới được vào tỉnh.
Liên quan đến hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế mà Bộ Y tế ban hành ngày 13/10, do mới nhận được văn bản này nên ông Hòa còn đang nghiên cứu để tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ban hành quy định cụ thể.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, hiện các địa phương đang chuyển sang áp dụng các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo 4 cấp độ. Trong đó, Thái Bình thuộc vùng cấp độ thấp nhất, tốt nhất (vùng xanh). Do đó, những người về Thái Bình từ vùng nguy cơ cao nhất (vùng Đỏ), ví dụ Hà Nội thì vẫn phải kiểm soát, phải có kết quả xét nghiệm âm tính để đảm bảo an toàn cho địa phương.
“Chúng tôi không ngăn sông cấm chợ nhưng phải kiểm soát để đảm bảo an toàn. Đương nhiên chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho bà con đi lại, giao thương, phát triển kinh tế nhưng không phải là đi lại một cách tùy tiện tự do”, ông Hòa nêu quan điểm.
Phú Thọ xét nghiệm người về từ vùng 3, vùng 4
Tỉnh Phú Thọ duy trì hoạt động 10 chốt kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh, từ chốt số 1 đến chốt số 10; tạm dừng hoạt động của 11 chốt còn lại.
Đối với người đến/trở về từ các vùng có mức độ nguy cơ thấp - cấp độ 1 (màu xanh) và nguy cơ trung bình - cấp độ 2 (màu vàng) thực hiện khai báo y tế.
Người đến/trở về từ các vùng có mức độ nguy cơ cao - cấp độ 3 (màu da cam) và nguy cơ rất cao - cấp độ 4 (màu đỏ) sẽ thực hiện khai báo y tế và phải có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong thời hạn 72 giờ. Nếu có các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng nghi ngờ, phải được thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại chốt, kể cả khi đã có Giấy xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ.
Phú Thọ vẫn thực hiện xét nghiệm với người về từ vùng 3, vùng 4. (Ảnh minh hoạ) |
Trường hợp đến/trở về từ địa phương cấp độ 4, với người tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi cư trú trong 7 ngày. Người tiêm 1 liều vaccine cách ly tại nhà, nơi cư trú trong 7 ngày; sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Người chưa tiêm vaccine áp dụng cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung cấp huyện quản lý trong vòng 14 ngày; sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Trước mắt, tỉnh Phú Thọ áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ 4 đối với tất cả các trường hợp đến/trở về từ TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai cho đến khi có thông báo mới.
Các tỉnh miền Tây vẫn lập chốt kiểm soát
Sáng 15/10, trả lời VTC News, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, địa phương vẫn chưa áp dụng các quy định mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
“Sáng mai, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Phước sẽ chủ trì họp với các sở, ngành để trên cơ sở đó phân loại từng vùng để áp dụng cho phù hợp. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng khung quy định rồi và đang đưa ra để lấy ý kiến sở, ngành, địa phương. Bên cạnh đó là xem xét cân đối của vùng như Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang. Các tỉnh sẽ có sự giao thoa đi lại nên phải tính toán kỹ căn cứ Nghị quyết 128 và căn cứ và tình hình dịch bệnh ở địa phương, tình hình dịch bệnh của vùng để xây dựng kế hoạch triển khai sao cho phù hợp”, ông Nguyễn Thanh Bình thông tin.
Còn tại Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương vẫn đang chuẩn bị để triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.
“Tại các chốt cửa ngõ, xe luồng xanh sẽ đi vào theo quy định của Chính phủ. Các trường hợp khác khi di chuyển vào tỉnh dù tiêm 2 mũi vaccine cũng phải có test nhanh. Còn về Nghị quyết 128 thì địa phương đang họp bàn”, ông Đoàn Tấn Bửu thông tin.
Chốt kiểm soát tại cửa ngõ TP Cần Thơ |
Tương tự, các địa phương khác ở miền Tây như TP Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre… hiện vẫn chưa thực hiện Nghị quyết 128 của Chỉnh Phủ.
Trả lời VTC News qua điện thoại về vấn đề thực hiện Nghị quyết 128 của Chỉnh Phủ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, trong chiều nay (15/10), Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố sẽ họp bàn và đưa ra quyết định.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng cho hay, trong chiều nay tỉnh sẽ họp bàn về việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. “Chiều nay Ban chỉ đạo họp bàn rồi sẽ quyết định. Tình thần là theo quy định chung chứ không làm làm khác Trung ương”, ông Trần Ngọc Tam nói.
Ngoài một số địa phương chưa thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, rất nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ngãi... nhanh chóng có những thay đổi tạo thuận tiện cho việc đi lại của người dân.
Hầu hết các địa phương này không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm COVID-19 với những người về từ vùng cấp độ 4 (màu đỏ) hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Nhiều nghịch lý quy định xét nghiệm COVID-19 Thời gian qua, trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành có các quy định khác nhau, trong đó giấy xét nghiệm được ... |
Ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn" COVID-19 với 4 cấp độ dịch Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" với 4 ... |