Chuyên gia phân tích về sự cần thiết của quy định những giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
- Thống đốc NHNN: Tiền gửi của người dân tại SCB được đảm bảo trong mọi trường hợp
- Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất sau động thái của NHNN
NHNN đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền.Theo đó, khách hàng thực hiện giao dịch có tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính phải báo cáo NHNN.
Lý giải về quy định này, NHNN cho biết, việc xây dựng quyết định hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng chống tội phạm.
Theo dự thảo, giá trị giao dịch phải báo cáo là 300 triệu đồng. Mức giá trị này tương đương quy định trước đó tại Quyết định 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013. Việc giữ nguyên mức giá trị này phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam. Theo khuyến nghị Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD (tương đương 375 triệu đồng, cao hơn mức quy định tại dự thảo quyết định). "Tuy nhiên, nếu tăng mức giao dịch phải báo cáo lên 400 triệu đồng sẽ cao hơn ngưỡng của giá trị giao dịch phải báo cáo của FATF nên NHNN kiến nghị giữ nguyên mức giá trị trên để phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu khuyến nghị", Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
NHNN yêu cầu những giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo. (Ảnh minh họa)
Đồng tình với đề xuất trên, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, điều này phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường tài chính bền vững của Việt Nam.
Theo ông Thành, chống khủng bố, tham nhũng, rửa tiền là công cuộc mà tất cả các quốc gia đều quan tâm, Việt Nam cũng đặc biệt lưu ý. Đây cũng không phải là lần đầu chúng ta làm chuyện này. Những việc gắn với sự phát triển xã hội, làm trong sạch xã hội thì nên làm, đặc biệt trong giai đoạn các hoạt động rửa tiền đang gia tăng như hiện tại. Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và cũng nhằm khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn từ trước khi diễn ra.
Không những thế, những quy định chặt chẽ trong Luật Phòng chống rửa tiền còn gắn liền với các cam kết quốc tế, phù hợp với các thông lệ quốc tế. “Trong bối cảnh chúng ta đang muốn xây dựng hệ thống các trung tâm tài chính trong đó có dòng tiền mang tính chất xuyên biên giới, tính chất toàn cầu thì nghị định này lại càng cần thiết để đáp ứng, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế”, ông Thành nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng dự thảo này là cần thiết nhưng để phát huy hiệu quả tốt thì cần quan tâm đến quy trình thực hiện.
“Tôi lấy ví dụ một khâu nhỏ đó là báo cáo về những giao dịch có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên, việc báo cáo sẽ bằng hình thức nào, bằng văn bản hay sử dụng thông tin điện tử? Việc xác nhận thông báo này ra sao? Quá trình tương tác giữa NHNN, ngân hàng thương mại và các chủ thể diễn ra thế nào? Tôi cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể đồng thời ứng dụng công nghệ triệt để nhằm sử dụng những phương pháp tối ưu, ít tốn kém thời gian, chi phí nhất. Có như thế việc báo cáo mới hiệu quả”, TS. Lê Đăng Doanh phân tích.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia băn khoăn, đặt câu hỏi: Việc yêu cầu các giao dịch trên 300 triệu đồng phải báo cáo liệu có xâm phạm đến quyền riêng tư của từng cá nhân hay không?
Làm rõ vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật, cho biết, Phòng, chống rửa tiền là nhằm phát hiện nỗ lực ngụy tạo các khoản tiền bất hợp pháp thành thu nhập hợp pháp, liên quan đến các tội phạm từ trốn thuế đến buôn bán ma túy, tham nhũng, lừa đảo, tài trợ khủng bố...
“Dự thảo nghị định quy định như vậy là phù hợp và không xâm phạm quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Bởi tại Điều 21 Hiến pháp 2013 ghi nhận những gì riêng tư sẽ được pháp luật bảo vệ. Còn đây là những giao dịch pháp luật bắt buộc phải hợp pháp. Và đương nhiên nếu không phải là những giao dịch bất hợp pháp thì không việc gì phải ngại”, luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Ông Bình thông tin thêm, thông thường rửa tiền có thể chia thành các bước, như: Gửi tiền bất hợp pháp vào hệ thống tài chính, thiết kế các giao dịch để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các khoản tiền, sử dụng tiền để mua bất động sản hoặc đầu tư thương mại.
Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền do đó phải yêu cầu chặt chẽ nhằm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022 thay thế cho Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012. Trong đó, Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Theo đó, việc quy định mức giá trị phải báo cáo là 300 triệu đồng và giữ nguyên mức giá trị này như quy định trước đó phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.