Trong buổi họp báo với lãnh đạo các nước Bắc Âu tại Oslo hôm 15/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố phản đối việc hạn chế thị thực đối với công dân Nga trên toàn lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh một số nước thành viên của khối đã ban hành lệnh cấm đi lại với công dân xứ sở bạch dương.

Vì sao Thủ tướng Đức quả quyết không cấm thị thực người Nga trên toàn EU? -0
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh rằng không nên gây khó khăn cho người Nga bằng cách đóng cửa biên giới với họ. Ảnh: AP.

Theo ông Olaf Scholz, chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại Ukraine "không phải là cuộc chiến của người dân Nga". Thủ tướng Đức nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo châu Âu nên nhận thức và phân biệt rõ người dân Nga nói chung và giới lãnh đạo Moscow nói riêng. 

"Đầu tháng 8, chính phủ Đức đã bắt đầu thảo luận về dự thảo quyết định của EU cấm cấp thị thực Schengen với công dân Nga như một phần của gói trừng phạt tiếp theo. Tuy nhiên, lệnh cấm thị thực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những công dân Nga vô tội. Chúng ta không nên gây khó khăn cho người Nga bằng cách đóng cửa biên giới với họ", ông Olaf Schol quả quyết. 

Bên cạnh Đức, Pháp và Hà Lan cũng là hai thành viên chủ chốt của EU phản đối hạn chế thị thực đối với công dân Nga. Trước đó, Người Phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nêu rõ rằng lập trường của Liên hợp quốc là chống lại sự phân biệt đối xử. 

Ngược lại, cùng với Cộng hòa Czech - nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, Ba Lan, Latvia, Lithuania, Estonia, Slovakia và Phần Lan là những quốc gia rất tích cực trong việc kêu gọi cấm công dân Nga nhập cảnh vào khối.

Hiện tại, Ba Lan đang phát triển một dự thảo đề xuất cho phép khối từ chối cấp thị thực cho du khách Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Piotr Wawrzyk cho hay: “Kế hoạch dừng cấp thị thực cho công dân Nga đã bị các thành viên lớn gồm Đức, Pháp và Hà Lan phản đối. Vì không thể vượt qua sự phản đối của các nước này để có thể đình chỉ thỏa thuận năm 2007 giữa Brussels và Moscow về việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực, Ba Lan đang nghiên cứu một giải pháp mới”. 

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/vi-sao-thu-tuong-duc-phan-doi-cam-thi-thuc-eu-voi-cong-dan-nga--i664165/

Linh Đan / Công an nhân dân