Cần khẳng định thêm rằng, vỉa hè Hà Nội đã từng bị “trọng thương” trong rất nhiều năm qua. Chưa hết đào bới xới móc, thì lại bị tái chiếm làm nơi bán hàng, chỗ để xe và hàng trăm thứ dịch vụ khác ăn theo vỉa hè. Đáng tiếc và đang nói, vỉa hè Hà Nội chưa qua lần bị thương này thì lại ập đến lần khác, có khi còn nghiêm trọng hơn. Thành phố đã từng bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp vỉa hè (lát đá xanh) trên hầu như tất cả các tuyến phố chính, với cam kết sẽ “tồn tại” ổn định trong khoảng 50 - 70 năm. Nhưng mới chỉ sau vài năm sử dụng, vỉa hè Thủ đô lại đang bong tróc, nham nhở đến thảm thương.
Lát đá trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi (q. Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Tứ Quý. |
Còn nhớ khoảng hai năm trước, khi Hà Nội rầm rộ lột tung vỉa hè cũ (chủ yếu bằng gạch đỏ) để lát đá xanh, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc lát vỉa hè là cần thiết nhưng phải đảm bảo các yêu cầu. Trước hết phải xem các vỉa hè hiện nay lát đã đạt chưa, nếu chưa đạt thì lát lại, nếu đạt rồi mà cứ bóc lên rồi lát lại thì “chẳng qua chỉ là một cách để tiêu tiền”.
Còn một chuyên gia khác thở dài cho rằng, ghê nhất là các dự án cải tạo này, vì làm sao có định mức chính xác. Thất thoát là cái chắc và sẽ mất người mất của cho mà xem! Tuy vậy, việc lát đá vẫn được tiến hành dù có nhiều ý kiến không đồng tình vì việc đầu tư này là quá lãng phí. Có ý kiến lo ngại việc đảm bảo an toàn cho người dân, bởi loại đá này có thể gây trơn trượt khi trời mưa, khó có thể “thân thiện” được với người già, trẻ em và người khuyết tật ...
Cuối cùng giờ đây, những cảnh báo của chuyên gia và dư luận báo chí truyền thông trước đó, đã bắt đầu lộ diện chỉ sau vài năm sử dụng!
Tiền ngân sách nhà nước, thu từ đóng góp của người dân đã và sẽ tiếp tục được “ném qua cửa sổ”. Mà đó là những số tiền không hề nhỏ. Lấy ví dụ: Phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) được chọn là tuyến phố kiểu mẫu lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, sau đó nhân rộng cho nhiều tuyến phố khác trên địa bàn 12 quận.
Được đưa vào sử dụng vào tháng 5-2016, tuyến phố này với tổng mức đầu tư hơn 224,6 tỷ đồng, chỉ riêng các hạng mục như hệ thống chiếu sáng, hệ thống bó vỉa, gạch lát hè… chiếm trên 50 tỷ đồng. Hoặc tại quận Hoàng Mai, tuyến đường dẫn vào khu Trung tâm hành chính quận có tổng mức đầu tư 59 tỷ đồng, riêng phần lát vỉa hè, bó vỉa đoạn đường dài hơn 40m có chi phí trên 7,5 tỷ đồng ...
Thực tế, việc lát đá xanh trên vỉa hè đã được nhiều quốc gia sử dụng từ lâu (như Pháp, Ý, Singapo …), nhưng tại các quốc gia đó vỉa hè luôn có “tuổi thọ” hàng trăm năm. Tại sao vỉa hè Hà Nội lại “đoản thọ” đến thế? Đây là một câu hỏi bắt buộc các cấp các ngành chức năng của thành phố phải đưa ra câu trả lời thỏa đáng.
Vì chắc chắn rằng, rồi đây Hà Nội sẽ phải sửa chữa lại vỉa hè. Lại tung tiền không thương tiếc và vô cảm cho sự hư hỏng nghiêm trọng kia. Hỏng thì phải sửa, phải cải tạo lại, nhưng không “bắt được bệnh” vì sao nó hỏng nhanh thế thì có cả trăm lần sửa lại cũng “mèo lại hoàn mèo” mà thôi!
Ở góc độ văn hóa đô thị, vỉa hè là nơi giao lưu và chuyển tiếp giao lưu của cư dân đô thị. Vỉa hè cũng là một nét không thể thiếu của tổng thể bộ mặt đô thị. Vì vậy, việc Hà Nội đã và đang liên tiếp để cho vỉa hè bị “trọng thương” như thế, “bộ mặt” Thủ đô đương nhiên không thể yên bình!
Đá lát vỉa hè \'tuổi thọ 70 năm\' vỡ nát do bị đi lên khi vừa thi công Mới được lát đá tự nhiên có tuổi thọ 50 - 70 năm chưa lâu song vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội đã ... |
Vỉa hè hư hỏng khi mới lát đá trên phố kiểu mẫu Dù chịu tải không lớn, vỉa hè bằng đá tự nhiên trên phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) nhanh chóng xuống cấp trong thời gian ... |
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/via-he-lai-trong-thuong-386555