Những ngày vừa qua, cả nước ghi nhận hơn 100.000 F0/ngày, trong đó chỉ riêng Hà Nội đã chiếm trên dưới 30.000 ca. Hiện tại có những ý kiến cho rằng, việc thống kê số ca mắc COVID-19 hằng ngày là không còn nhiều ý nghĩa, song từ góc độ chuyên gia, đây là việc không thể thiếu.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi số ca mắc COVID-19 tăng cao thì số ca chuyển nặng và nhập viện cũng tăng cao theo. Dựa vào những số liệu này, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp ứng phó kịp thời.

“Việc thống kê để tránh tình không nắm bắt được diễn biến dịch, bên cạnh đó còn tính đến khả năng có chuyến biến mới hay xuất hiện biến thể mới của virus. Về khía cạnh bệnh truyền nhiễm, ngành y tế luôn luôn phải thống kê và nắm được số ca mắc cũng phải được thống kê, chỉ là có công bố số liệu trên hệ thống hay không. Không nắm được số ca mắc thì sẽ không chống được dịch”, ông Trần Đắc Phu nói.

“Các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản nhưng hiệu quả như 5K là rất cần thiết. Dù chúng ta đã tiêm phủ vaccine ở tỷ lệ cao, nhưng vẫn không được buông xuôi, lơ là các biện pháp phòng dịch đơn giản nhất. Khi mắc COVID-19, có những trường hợp nhẹ, nhưng cũng có trường hợp nặng, đặc biệt những trường hợp không được tư vấn, hướng dẫn và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, ở thời điểm hiện tại, Covid-19 vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Do đó, Việt Nam vẫn chưa thể xem đây là bệnh truyền nhiễm thông thường.

PGS Phu cho hay, việc các quốc gia lựa chọn biện pháp ứng phó với Covid-19 không chỉ phụ thuộc vào vấn đề y tế mà còn có nhiều yếu tố khác như kinh tế, an sinh, xã hội.

"Cần đánh giá giữa lợi ích và rủi ro, y tế chỉ là một phần trong đó. Một số quốc gia có thể vì áp lực kinh tế nên tiến hành "nới lỏng" và mở cửa quá mức. Tuy nhiên, các quốc gia khác đặt vấn đề phòng chống dịch bệnh lên cao hơn thì vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ", PGS Phu phân tích.

Đối với tình hình dịch mới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, những biện pháp cách ly, truy vết đã không còn phù hợp và với những trường hợp này cần nâng ý thức phòng, chống dịch để tự bảo vệ bản thân, bảo vệ người thân trong gia đình, cùng bạn bè và đồng nghiệp: “Điều cần thiết để chống dịch hiện nay là người dân thực hiện nghiêm 5K để tự bảo vệ mình dù đã tiêm vaccine hay chưa. Nhiều trường hợp F0 không khai báo vì lo ngại ảnh hưởng tới công việc và thu nhập, nên nhiều F0 không triệu chứng vẫn đi làm. Do vậy, cần nâng cao ý thức của mỗi người dân, có biện pháp để họ thực hiện khai báo y tế hoặc các đơn vị, các cơ quan phải có biện pháp xử lý nghiêm khi nhân viên là F0 không khai báo”.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng, Bộ Y tế cần đổi mới và cập nhật khuyến cáo, đẩy mạnh truyền thông. Theo đó, hướng dẫn để các cơ quan y tế hoạt động hỗ trợ người bệnh hiệu quả trong điều kiện nhân lực mỏng và quá tải.

Tại Việt Nam đã có sự thay đổi lớn từ chiến lược "Zero Covid-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19". Do đó, có thể thấy trong thời gian vừa qua, chúng ta đang trong lộ trình "nới lỏng" dần các biện pháp chống dịch để phù hợp hơn với tình hình mới, góp phần tạo điều kiện phục hồi kinh tế.

Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã đề xuất cho phép tạm dừng việc thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang vì số ca mắc bệnh chỉ là một trong 8 chỉ số để đánh giá cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian này vẫn cần xác định những người có tiếp xúc với F0, F1 nhằm xác định những người có liên quan, để bảo vệ những người có nguy cơ cao, những người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu, đồng thời làm chậm quá trình lây nhiễm, kéo giảm nguy cơ quá tải bệnh viện.

PV (th)

F0 cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày? F0 cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
Việt Nam khôi phục chính sách xuất nhập cảnh như trước dịch COVID-19 Việt Nam khôi phục chính sách xuất nhập cảnh như trước dịch COVID-19
Bao lâu cần thay khẩu trang một lần để ngăn ngừa COVID-19? Bao lâu cần thay khẩu trang một lần để ngăn ngừa COVID-19?

/ Nghề nghiệp và cuộc sống