Dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua cũng chịu sự tác động mạnh của dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, chuyên gia và nhà đầu tư vẫn nhìn nhận Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế vẫn được duy trì trong trung và dài hạn.

Nhà đầu tư nước ngoài duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam

Theo “Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 8/2021, tăng 65% so với tháng trước. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn -0

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, 8 tháng đầu năm Việt Nam thu hút được 19,12 tỷ USD vốn FDI, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn FDI của các dự án đăng ký mới là 11,33 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn các dự án điều chỉnh đạt gần 5 tỷ USD, tăng 2,3%. Nhiều dự án FDI có số vốn đăng ký tỷ đô đã đầu tư vào Việt Nam.

Nghiên cứu toàn cầu của HSBC mới được công bố gần đây đã nhận xét Việt Nam là một điểm đến tăng trưởng hấp dẫn, đầu tư tốt nhất trong khu vực. Đặc biệt, Việt Nam ngày càng đáng để đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài và là thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao nhất trong ASEAN, sau Thái Lan. Điều này đồng nghĩa, các xu hướng môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư khi vào Việt Nam.

HSBC đánh giá, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư cao nhất ASEAN. Để thu hút thêm vốn FDI và cung cấp cho các công ty nước ngoài nguồn năng lượng bền vững hơn, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo.

Triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam rất sáng

Hiện, Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm khống chế dịch bệnh, thực hiện kế hoạch khôi phục nền kinh tế, trở lại trạng thái bình thường mới. Chính phủ cũng có những chiến lược quan tâm và tạo điều kiện để các DN nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam duy trì sản xuất nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hiện nay, tạo sự an tâm và đồng thuận từ phía các nhà đầu tư.

Do vậy, trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư vẫn duy trì và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các DN FDI đến từ Đài Loan. Trong 8 tháng đầu năm 2021, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), các DN Đài Loan đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 1,1 tỷ USD. Đài Loan đứng thứ 6 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng qua. Nhà đầu tư Đài Loan đều nhìn nhận Việt Nam là mắt xích quan trọng nhất tại Đông Nam Á trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng với trọng tâm là ngành điện tử, viễn thông.

Việc Chính phủ Việt Nam đang tích cực tập trung thúc đẩy chuyển đổi số cũng là một chính sách thu hút các DN nước ngoài trong đó có DN Đài Loan. Chuyển đổi số không chỉ thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam, mà còn giúp giảm nhiều chi phí sản xuất cho DN.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các biện pháp giãn cách làm hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và triển khai dự án tại Việt Nam, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng chỉ giảm nhẹ (2,1%) so với cùng kỳ năm ngoái; đặc biệt, vốn đăng ký mới vẫn tăng mạnh (16,3%), vốn giải ngân vẫn đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ 2020, điều đó càng chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn rất sáng.

Bên cạnh đó, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cũng bày tỏ sự lạc quan vào môi trường đầu tư của Việt Nam trong năm 2021. Với xu hướng này, ông Thắng dự báo, thu hút FDI vào Việt Nam trong năm nay vẫn đạt khoảng 30 tỷ USD, tăng hơn so với con số 28,5 tỷ USD của năm 2020. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tổ chức nước ngoài cũng cho biết, họ gặp khó khăn trong việc nhập cảnh sang Việt Nam để tìm hiểu và thực thi các dự án đầu tư.

Để tháo gỡ những khó khăn này, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng nên xem xét cơ chế, miễn giảm thời gian cách ly đối với những nhà đầu tư nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có phiếu xét nghiệm âm tính khi vào Việt Nam thực hiện các dự án.

Hà Nội dự kiến dành 650.000 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn Hà Nội dự kiến dành 650.000 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn

UBND TP Hà Nội vừa trình HĐND TP xem xét kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 với tổng số tiền đầu ...

/ cand.com.vn